Dấu chấm hết cho kỳ 'trăng mật' Washington - Moskva

(Baonghean) - Những ngày qua đánh dấu một diễn biến mới trong quan hệ giữa 2 cường quốc hàng đầu thế giới Mỹ-Nga khi Tổng thống Donald Trump chính thức đặt bút ký luật quy định áp dụng các đòn trừng phạt mới với Nga; hạn chế khả năng ông Trump tự mình “xoa dịu” trừng phạt chống Moskva.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký thông qua dự luật trừng phạt Nga. Ảnh: RT

Thiếu sót trầm trọng

Dự luật nói trên là một trong những văn bản luật lớn đầu tiên được chuyển lên bàn làm việc của ông Trump. Nhiều người cho rằng, nó đại diện cho sự chỉ trích, giận dữ nhắm vào Tổng thống Mỹ, thông qua việc trao cho Quốc hội quyền phủ quyết mới để ngăn Trump gỡ bỏ các lệnh trừng phạt Nga.

Ngay trong sáng 2/8, Nhà Trắng đã thông tin về việc Trump đặt bút ký phê chuẩn dự luật, song tòa Bạch Ốc cũng đồng thời khẳng định dự luật bao gồm “nhiều điều khoản rõ ràng là vi hiến” “nhằm xóa bỏ đặc quyền hiến định của Tổng thống là công nhận các chính phủ nước ngoài, bao gồm cả phạm vi lãnh thổ của họ”.

Ngay sau khi hay tin ông chủ Phòng Bầu dục đặt bút vào bản dự luật, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã phản ứng mạnh mẽ, cho rằng động thái trên cho thấy “cuộc chiến thương mại toàn diện với Nga” đã được Mỹ khơi mào và rằng “chính quyền Trump đã thể hiện sự bất lực hoàn toàn, theo cách bẽ mặt nhất, bằng việc chuyển giao quyền lực hành pháp cho Quốc hội”.

Trong một tuyên bố, ông Trump đã bày tỏ những hoài nghi của mình về quy định gây tranh cãi: “Dự luật vẫn còn thiếu sót rất nghiêm trọng - đặc biệt là vì nó lấn quyền đàm phán của nhánh hành pháp”. “Quốc hội thậm chí còn không thể thương thuyết nổi một dự luật y tế sau 7 năm trao đi đổi lại.

Còn dự luật lần này, bằng việc hạn chế sự linh hoạt của cơ quan hành pháp, đã khiến nước Mỹ khó đạt được những thỏa thuận tốt cho người dân Mỹ, và sẽ đưa Trung Quốc, Nga và Triều Tiên càng xích lại gần nhau hơn”, vị Tổng thống đương nhiệm của Nhà Trắng phát biểu trong một tuyên bố. Ông so sánh và tạm kết: “Tôi đã gây dựng một công ty thực sự tuyệt vời trị giá nhiều triệu USD. Đó là một phần lớn nguyên do tôi đắc cử. Trên cương vị tổng thống, tôi có thể đạt được những thỏa thuận tốt hơn rất nhiều với các nước bên ngoài so với Quốc hội”.

Đòn trừng phạt “nguy hiểm”

Ngay cả trước lúc Trump chính thức ký vào dự luật đưa ra những phương án trừng phạt mới sau khi Lưỡng viện Mỹ cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ 2016, cũng như việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea và “xâm lược” Syria, nhà lãnh đạo xứ bạch dương Vladimir Putin đã tung đòn trả đũa Mỹ.

Và hôm 2/8, trong một dòng trạng thái đăng tải trên mạng xã hội Facebook, Thủ tướng Medvedev đã khẳng định bất cứ hy vọng nào về việc cải thiện các quan hệ giữa Washington với Moskva đều đã “chấm dứt”, đồng thời nói thêm ông cho rằng Trump là một “người chơi không có năng lực cần phải loại ra”. Medvedev dự báo các quan hệ giữa Nga với Mỹ trong tương lai “sẽ hết sức căng thẳng” và đe dọa sẽ leo thang vấn đề này lên các tòa án quốc tế.

Được biết, các lệnh trừng phạt mới nhằm vào các lĩnh vực năng lượng và quốc phòng của Nga, và cũng bao gồm thêm cả những lệnh mới nhằm vào Iran và Triều Tiên. Nó được đưa ra trong bối cảnh cẳng thẳng Mỹ-Nga không ngừng tăng. Từ những ngày cuối cùng của chính quyền Barack Obama, Tổng thống Mỹ khi ấy đã lệnh tịch thu 2 khu nhà của Nga tại New York và Maryland để phản ứng trước cáo buộc cho rằng bầu cử Mỹ có bàn tay can thiệp của Moskva.

Kể từ khi các lệnh trừng phạt mới được đưa ra, Nga đã đáp trả bằng cách yêu cầu Mỹ cắt giảm nhân sự tại các phái đoàn ngoại giao ở nước này bớt 755 người, cũng như tịch thu 2 khu nhà ngoại giao của Mỹ. Trong một tuyên bố hôm thứ Tư vừa qua, Bộ Ngoại giao Nga cho biết họ “có quyền viện đến các biện pháp đối phó để đáp trả các đòn trừng phạt mới và gọi những lệnh trừng phạt này là “đáng phải hối tiếc”, “thiển cận” và “nguy hiểm”.

Phải chăng quan hệ Washington-Moskva đang ở mức “thấp nhất lịch sử”?. Ảnh: CNN

Biện pháp trừng phạt của Mỹ được ký thành luật sau khi được thông qua với tỷ lệ áp đảo trong cả Thượng viện lẫn Nghị viện nước này - khiến khả năng xuất hiện quyền phủ quyết của Tổng thống chết yểu từ trong “trứng nước” - song chúng cũng phải trải qua chặng đường không mấy dễ dàng mới đáp xuống bàn làm việc của Trump. Cụ thể, sau khi Thượng viện thông qua các đòn trừng phạt Iran và Nga với tỷ lệ 98-2, dự luật cũng “héo mòn” tại Hạ viện suốt hơn 1 tháng trong bối cảnh xảy ra một loạt cãi vã xoay quanh vấn đề thủ tục.

Sau đó Hạ viện bổ sung các lệnh trừng phạt Triều Tiên trước khi thông qua với tỷ lệ 419-3, đồng nghĩa với việc buộc Thượng viện phải “nuốt lống” các đòn trừng phạt mới để thông qua quy định này trước khi Quốc hội nghỉ trong tháng 8. Thượng và Hạ viện đã đạt thỏa thuận thay đổi một số nội dung trong bản dự luật dưới sự thúc giục của các ngành công nghiệp Mỹ cũng như các quốc gia châu Âu, tuy nhiên Quốc hội Mỹ không xem xét đưa ra thay đổi mà Nhà Trắng mong muốn: đó là bỏ nội dung Quốc hội xem xét các lệnh trừng phạt Nga ra khỏi dự luật.

Giới chức Nhà Trắng đã vận động hành lang hòng làm yếu đi điều khoản trao cho Quốc hội quyền phủ quyết giảm bớt trừng phạt, và Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã cảnh báo Quốc hội rằng chính quyền đáng được hưởng “sự linh hoạt” để đàm phán với Nga và cải thiện các quan hệ. Tuy nhiên các nhà lập pháp chủ chốt của cả phe Cộng hòa và Dân chủ đều khẳng định vấn đề trên không được bàn thảo khi họ xem xét dự luật.

Chủ tịch phụ trách vấn đề đối ngoại của Thượng viện Mỹ, Bob Corker, người ban đầu còn tỏ ra miễn cưỡng trước việc thông qua dự luật trừng phạt Nga, nhưng sau đó lại trở thành nguồn cơn chính thúc đẩy điều này hồi tháng 7, khẳng định rằng ông đã trao đổi với Tổng thống về quá trình xem xét nhằm xoa dịu những quan ngại của Nhà Trắng. Corker cũng nói rằng Quốc hội Mỹ sẽ chỉ phủ quyết nỗ lực giảm nhẹ trừng phạt Nga nếu chính quyền đã tiến hành một bước đi “quá sốc” hòng tìm cách xoa dịu các đòn trừng phạt.

Corker lưu ý việc Trump không tin vào giới lãnh đạo tình báo của mình rằng Nga can thiệp bầu cử Mỹ có thể là nguyên do giúp “thúc đẩy” Quốc hội Mỹ càng nhanh chóng thông qua dự luật. Ông chia sẻ: “Tôi thật sự nghĩ rằng việc thiếu vắng những lời lẽ tuyên bố hùng hồn về vấn đề có thể đã gây ảnh hưởng đến kết quả hiện nay”. Và như vậy, những nỗ lực cải thiện quan hệ với gấu Nga của nhà lãnh đạo xứ cờ hoa dường như chỉ là muối bỏ bể, phút chốc tan thành mây khói, Washington-Moskva chưa kịp tận hưởng kỳ trăng mật ngọt ngào thì đã rơi vào thế bế tắc, thậm chí xuống mức “thấp nhất lịch sử” “nhờ” vào Quốc hội Mỹ - như những gì Tổng thống Donald Trump “than phiền” trên mạng xã hội Twitter.

Thu Giang (Theo CNN)

Nguồn Nghệ An: http://baonghean.vn/quoc-te/201708/dau-cham-het-cho-ky-trang-mat-washington-moskva-2831834/