Dấu ấn vốn chính sách trên vùng khó

Quyết tâm và nỗ lực của cả hệ thống chính trị đã mang lại diện mạo mới cho các huyện miền Tây Nghệ An. Trong đó, không thể không nhắc đến nguồn vốn tín dụng chính sách với vai trò là công cụ trụ cột trong giảm nghèo và là đòn bẩy giúp người dân phát triển sản xuất.

Gần dân và hiểu dân

Thay vì làm việc tại văn phòng, mỗi tháng, nhân viên Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) các huyện miền Tây Nghệ An phải vượt hàng chục cây số để đến tận các xã hướng dẫn người dân vay vốn. Để sử dụng hiệu quả đồng vốn, cán bộ tín dụng còn hướng dẫn các hộ dân cách chi tiêu, đầu tư phát triển sản xuất. Các phòng giao dịch NHCSXH cũng phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong quản lý nguồn vốn nên những đồng vốn ưu đãi mau chóng đến tay đối tượng thụ hưởng và phát huy hiệu quả.

Đời sống người dân huyện miền núi Nghệ An có nhiều chuyển biến. Ảnh nguồn: Báo Nghệ An

Đời sống người dân huyện miền núi Nghệ An có nhiều chuyển biến. Ảnh nguồn: Báo Nghệ An

Gia đình chị Ngân Thị Quế thuộc diện hộ nghèo ở bản Thanh Đào, xã Bồng Khê, huyện Con Cuông. Năm 2019, gia đình chị được Tổ tiết kiệm vay vốn Chi hội phụ nữ bản được xét cho vay 50 triệu đồng từ Chương trình cho vay hộ nghèo để đầu tư trồng 400 trăm gốc thanh long. Sau gần 5 năm nỗ lực lao động, vườn thanh long của chị ngày càng tốt tươi, trĩu quả, cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao, thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Thoát khỏi cảnh nghèo, chị Ngân Thị Quế quay trở lại giúp đỡ chị em khó khăn trong xã bằng cách cung cấp cây giống, chia sẻ kỹ thuật trồng và tạo việc làm cho người dân cùng thực hiện, ổn định cuộc sống.

"Trước đây, cuộc sống gia đình tôi gặp nhiều khó khăn, muốn làm cũng không có vốn. Nhờ nguồn vốn vay của NHCSXH, cuộc sống gia đình bớt khó khăn hơn nhiều, có nguồn thu nhập và nuôi được con cái ăn học. Thời gian tới, tôi muốn mở rộng thêm diện tích trồng thanh long, các loại cây ăn quả trên đồi và mở rộng chăn nuôi trâu bò, vươn lên làm giàu" - chị Ngân Thị Quế khoe!

Giám đốc NHCSXH huyện Con Cuông Nguyễn Việt Nam cho biết, dù vất vả nhưng khi thấy bà con dần ổn định cuộc sống bằng chính nguồn vốn mà hàng ngày NHCSXH huyện đang thực hiện, ông và các cán bộ trong Phòng giao dịch quên hết mệt nhọc. Càng vui hơn khi dù chưa giàu có nhưng gần 500 hộ trên địa bàn huyện đã viết đơn xin thoát ra hộ nghèo trong thời gian qua.

Huyện Anh Sơn cũng là 1 trong 11 huyện miền núi còn khó khăn của Nghệ An. Bởi vậy, đồng vốn chính sách đến với người nghèo còn mang theo cả sinh kế. Trường hợp gia đình anh Đặng Đình Huy, bản Kim Tiến, xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn là một ví dụ. Rời miền Nam để về quê lập nghiệp với hai bàn tay trắng, vợ chồng anh nhận được hỗ trợ vốn vay từ NHCSXH huyện Anh Sơn với mức vay vốn 50 triệu đồng. Vợ chồng anh đã đầu tư cây, con giống phát triển chăn nuôi và trồng cây ăn quả.

Chăm chỉ, chịu khó nghiên cứu kỹ thuật trồng các loại cây ăn quả phù hợp với chất đất cũng như phòng trừ sâu bệnh, hơn 500 gốc ổi, cam, bưởi, táo, mít của gia đình anh cho sản phẩm chất lượng ngọt, thơm, năng suất cao được thương lái đến thu mua tại vườn. Bên cạnh đó, vợ chồng anh còn chăn nuôi hàng chục con bò vỗ béo và lợn thịt.

"Thời gian tới, tôi mong muốn tiếp tục được vay vốn để đầu tư thêm trang trại, mở rộng diện tích trồng keo kết hợp với chăn nuôi bò vươn lên làm giàu" - anh Đặng Đình Huy cho biết.

Bức tranh đa sắc trong giảm nghèo

Đã 2 tháng không mưa, nhiều khoảnh vườn đồi ở xã biên giới Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn cỏ không mọc nổi. Có gia đình phải bán vội bò vì khô hạn nhưng bố con ông Vi Văn Khăm vẫn bền bỉ với đàn trâu bò nhờ mấy vườn chuối làm thức ăn thay thế. Ông Khăm khoe, từ 1 con bò được Nhà nước hỗ trợ 12 năm trước, giờ gia đình ông đã có gần 30 con.

''Tất cả nhờ vào nguồn vốn chính sách Nhà nước hỗ trợ, chúng tôi mới có ngày hôm nay. Giờ, tính nhanh mỗi năm, gia đình cũng có 50 triệu đồng, gấp 10 lần so với hơn chục năm trước'' - ông Khăm nói.

Ở Kỳ Sơn, vùng đầu gió Lào, nhiều bản nghèo chỉ đi bộ hoặc đi thuyền từng đoạn vào. Vợ chồng chị Vi Thị Khăm Lý từng thử nghiệm trồng hơn 1.000 cây keo nhưng chết tới 997 cây. Nhờ cán bộ NHCSXH động viên, hỗ trợ vốn chính sách, vợ chồng chị đã mạnh dạn cải tạo vườn rừng thành trang trại nuôi lợn bản địa, gà đen và thoát nghèo.

Cái hay ở Kỳ Sơn là để giảm nghèo hiệu quả, chính quyền huyện không gây áp lực với các xã phải chạy theo tiêu chí nông thôn mới mà yêu cầu tập trung nâng cao thu nhập cho từng hộ theo hướng bền vững. Hộ đã thoát nghèo thì không thể tái nghèo như trước.

Nhớ lại nhiều năm trước đây, để giải quyết vấn đề nghèo đói ở các huyện miền Tây, Nghệ An đã tập trung đầu tư mạnh vào 2 cây trồng là mía và sắn với mục đích khai thác tiềm năng về đất đai, lao động ở các huyện miền núi, nhất là vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số.

Ngày ấy, tỉnh đã mạnh dạn cùng lúc tập trung đầu tư đồng bộ cả 3 việc: Triển khai phát triển sản xuất vùng nguyên liệu; tiến hành xây dựng hệ thống vùng nguyên liệu và xây dựng nhà máy chế biến. Bằng cách làm như vậy, Nghệ An đã có vùng nguyên liệu mía 28.000ha ở 3 vùng thuộc 3 nhà máy chế biến đường có tổng công suất 15.500 tấn mía/ngày. Vùng nguyên liệu sắn 12.000ha gắn liền với 4 nhà máy chế biến tinh bột sắn có tổng công suất 1.400 tấn củ sắn tươi/ngày.

Bà Trần Thị Ngoan ở xã Nghĩa Phúc, huyện Tân Kỳ tâm sự, quê tôi ngày xưa nghèo lắm, đường sá đi lại khó khăn. Từ ngày Nhà nước khuyến khích trồng cây mía để phục vụ cho nhà máy chế biến đường của Công ty mía đường Sông Con, người dân đổi đời hẳn, đời sống no đủ, nhà cửa khang trang, đường sá rộng rãi, chẳng thấy ai đói, hộ nghèo cũng không thấy…

Còn nhiều lắm những cách làm hay của người dân xứ Nghệ trong việc xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên, các giải pháp này phải được tập trung đầu tư mạnh, đồng bộ từ xác định mô hình sinh kế - vùng nguyên liệu - xây dựng hệ thống giao thông - khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư… Có như vậy, bức tranh giảm nghèo ở các huyện miền Tây Nghệ An mới trở nên hoàn hảo.

Thái Bình

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tren-duong-phat-trien-1/dau-an-von-chinh-sach-tren-vung-kho-i371903/