Dấu ấn tái cơ cấu nông nghiệp

Sau 5 năm (2015-2020) thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, với những chủ trương, quyết sách đúng, trúng và sự đồng thuận của nhân dân, nông nghiệp Sơn La có những bước tiến vượt bậc, trở thành điểm sáng trong phát triển nông nghiệp của cả nước. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch theo hướng phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh; hình thành, phát triển nhiều vùng sản xuất nông sản tập trung, quy mô lớn, tạo tiền đề quan trọng thúc đẩy nông nghiệp của tỉnh phát triển theo hướng bền vững.

Từ chủ trương đúng...

Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, tỉnh đã lập, phê duyệt, rà soát điều chỉnh bổ sung 23 quy hoạch ngành, sản phẩm ngành nông nghiệp và ban hành 28 nghị quyết, 8 quyết định về cơ chế chính sách. Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp áp dụng VietGAP, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao; gắn với xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường sinh thái. Các chính sách sau khi ban hành đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, nhận được sự đồng thuận cao của cấp ủy, chính quyền và người dân.

Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ của Tập đoàn TH (Vân Hồ).

Chiềng Sơn là xã biên giới cách trung tâm huyện Mộc Châu gần 20 km. Cũng như nhiều địa phương khác, người dân nơi đây cũng từng chật vật tìm hướng thoát nghèo. Lời giải được cụ thể bằng Kết luận số 121-TB/TU ngày 30/11/2015 của Ban Thường vụ tỉnh ủy về chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc và các nghị quyết của HĐND tỉnh về hỗ trợ cải tạo vườn tạp, phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn... Chiềng Sơn trở thành điểm sáng phát triển cây ăn quả trên đất dốc của tỉnh.

Đến thăm mô hình trồng cây ăn quả của hộ ông Đặng Văn Thái, bản Dân Quân, xã Chiềng Sơn. Ông Thái phấn khởi nói: Gia đình tôi có 3 ha đất canh tác, sau nhiều năm trồng ngô đất bạc màu, năng suất, hiệu quả kinh tế thấp. Năm 2015, được cán bộ xã, bản tuyên truyền, đi tham quan, học hỏi mô hình trồng cây ăn quả đạt hiệu quả, được hướng dẫn kỹ thuật, tôi đã chuyển đổi hơn 2 ha đất sang trồng chanh leo, bưởi và cam. Năm 2018, tôi và các hộ liên kết thành lập HTX Hoàng Sơn, được Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc ký cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm chanh leo, mỗi năm vườn cây ăn quả cho thu nhập vài trăm triệu đồng. Không chỉ gia đình tôi mà nhiều người dân trong bản, xã vươn lên thoát nghèo, làm giàu từ chuyển đổi sang trồng cây ăn quả.

Phát huy tiềm năng, lợi thế mặt nước lòng hồ thủy điện Sơn La, ông Lò Văn Bình và nhiều hộ dân ở bản Ba Nhất, xã Chiềng Bằng (Quỳnh Nhai) đã phát triển mô hình nuôi cá lồng thương phẩm áp dụng quy trình VietGAP. Năm 2016, các hộ liên kết thành lập HTX An Bình. Ông Lò Văn Bình, Giám đốc HTX cho biết: HTX hiện có 18 thành viên, quy mô 200 lồng cá, mỗi năm xuất bán khoảng 60 tấn cá thương phẩm các loại, doanh thu ước đạt 1,3 tỷ đồng, thu nhập bình quân từ 3,5 đến 5 triệu đồng/thành viên/tháng.

Câu chuyện chuyển đổi diện tích đất trồng cây hoa màu năng suất thấp của nông dân xã Chiềng Sơn hay cách người dân vùng lòng hồ thủy điện Sơn La và Hòa Bình tận dụng diện tích mặt nước nuôi cá lồng; trồng cây sơn tra, cây dược liệu kết hợp chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa đã và đang phát triển ở nhiều xã, bản của tỉnh. Sản xuất nông nghiệp đã gắn với nhu cầu thị trường; gắn sản xuất nông nghiệp với du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng. Nhiều mô hình mới, cách làm hay cứ thế được nhân lên, tạo nên phong trào rộng khắp.

...đến “hiện tượng nông nghiệp Sơn La”

Với chủ trương đúng và trúng, sau 5 năm thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, từ một tỉnh chỉ bán sắn, bán ngô, Sơn La đã trở thành vựa cây ăn quả lớn nhất nhì cả nước, được đánh giá là “hiện tượng nông nghiệp”, với những con số “biết nói”: Toàn tỉnh có 78.850 ha cây ăn quả; 614 HTX nông nghiệp; 181 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu; xây dựng và duy trì 196 chuỗi cung ứng nông sản, thủy sản an toàn; 83 sản phẩm OCOP; 21 sản phẩm mang địa danh của tỉnh được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp văn bằng bảo hộ; 14 mặt hàng nông sản xuất khẩu.

Để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm, tỉnh khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ dân đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Trong đó, ghép cải tạo trên 13.000 ha cây ăn quả các loại; 1.234 ha cây ăn quả, dược liệu và rau sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm; 53 ha nhà lưới, nhà kính; hỗ trợ 11 sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo hướng hữu cơ. Cung cấp thức ăn, nước uống, xử lý môi trường đối với chăn nuôi đạt trên 80%. Nhiều mô hình cây trồng, vật nuôi cho hiệu quả kinh tế cao, như: Chanh leo tím và bơ ghép đạt 600 triệu đồng/ha; xoài ghép 500 triệu đồng/ha; nhãn ghép 360 triệu đồng/ha; na hoàng hậu ghép 1 tỷ đồng/ha... giá trị thu nhập bình quân trên ha đất trồng trọt năm 2020 ước đạt 47 triệu đồng/ha, tăng 83% so với năm 2015.

Trong quá trình thực hiện, tỉnh đã đẩy mạnh cải cách TTHC, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư xây dựng các cơ sở bảo quản, chế biến nông sản an toàn, gắn với vùng nguyên liệu, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Đã có 8 dự án nhà máy chế biến công suất lớn được khởi công và đi vào hoạt động, như: Nhà máy chế biến chanh leo, rau, củ, quả xuất khẩu của Tập đoàn Nafoods (Mộc Châu); Nhà máy bảo quản và chế biến sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao của Tập đoàn IC Food Hàn Quốc; Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ của Tập đoàn TH (Vân Hồ)..., góp phần thúc đẩy chuyển dịch ngành trồng trọt theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành vùng nguyên liệu tập trung gắn với các nhà máy chế biến nông sản.

Đồng chí Nguyễn Thành Công, Giám đốc Sở Nông nghiệp &PTNT tỉnh, nhận định: Tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh là cuộc cách mạng thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp. Song song với đẩy mạnh tuyên truyền, tỉnh đã chỉ đạo xây dựng các mô hình điểm, mô hình trình diễn, tổ chức các chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm giữa các địa phương trong tỉnh và giữa tỉnh ta với tỉnh bạn. Hằng năm, tỉnh tổ chức hội nghị biểu dương, khen thưởng các hộ gia đình, HTX, doanh nghiệp có thành tích trong sản xuất nông nghiệp. Từ đó, tạo sức lan tỏa sâu rộng, thu hút người dân tham gia phong trào thi đua.

Đòn bẩy để phát triển nông nghiệp bền vững

Để tiếp tục tạo bước đột phá mạnh mẽ hơn nữa cho nông nghiệp, đồng chí Giám đốc Sở Nông nghiệp &PTNT tỉnh cho rằng, thời gian tới phải rà soát, xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp theo 3 cấp sản phẩm (sản phẩm chủ lực quốc gia; sản phẩm chủ lực cấp tỉnh; sản phẩm đặc sản địa phương mô hình “Mỗi xã một sản phẩm”) lồng ghép vào các quy hoạch phát triển ngành cấp quốc gia, quy hoạch tỉnh. Cùng với đó, tiếp tục tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản; đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, khoa học, công nghệ vào sản xuất theo hướng VietGAP, GlobalGAP và các tiêu chuẩn tương tự; hoàn thiện hệ thống các kênh tiêu thụ sản phẩm nông sản kết nối chặt chẽ theo chuỗi giá trị...

Cánh đồng chè xã Phổng Lái (Thuận Châu).

Ảnh: PV

Với lộ trình, bước đi cụ thể, cùng với nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi thu hút doanh nghiệp, HTX, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp được kỳ vọng sẽ là “đòn bẩy” để Sơn La thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra, đó là: “Thúc đẩy tăng trưởng xanh; xây dựng tỉnh Sơn La phát triển nhanh và bền vững; trở thành trung tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của vùng Tây Bắc”. Đến năm 2025, Sơn La trở thành trung tâm chế biến nông sản của vùng Tây Bắc và huyện Mộc Châu trở thành Trung tâm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao của vùng.

Minh Thu

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/dau-an-tai-co-cau-nong-nghiep-37371