DẤU ẤN NGHỊ TRƯỜNG CỦA ĐOÀN ĐBQH TỈNH THÁI NGUYÊN

Từ đầu nhiệm kỳ khóa XV, đặc biệt là năm 2022 đến nay, Quốc hội đã có những thay đổi mạnh mẽ cả về tư duy và cách làm, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả mọi mặt công tác. Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Thái Nguyên với tinh thần trách nhiệm cao tiếp tục có đóng góp quan trọng vào thành công của các kỳ họp cũng như sự đổi mới của Quốc hội; tạo dấu ấn đối với Quốc hội và cử tri.

ĐOÀN ĐBQH TỈNH THÁI NGUYÊN GIÁM SÁT VIỆC ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SÁCH GIÁO KHOA GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

Năm 2022, các kỳ họp của Quốc hội diễn ra thành công tốt đẹp, hoàn thành tất cả các nội dung theo kế hoạch. Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên đã tham gia thảo luận sôi nổi, bày tỏ quan điểm, đóng góp ý kiến thẳng thắn với tinh thần dân chủ và đổi mới, gửi đến diễn đàn Quốc hội nhiều vấn đề được đông đảo cử tri và Nhân dân quan tâm.

Đại biểu Đoàn Thị Hảo phát biểu tại Quốc hội.

Tham gia ý kiến trong các phiên thảo luận kinh tế - xã hội tại hội trường, đại biểu Đoàn Thị Hảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên, đề nghị: Tổ chức khảo sát quá trình đổi mới, sắp xếp lại doanh nghiệp tại Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, vì một số khó khăn chủ yếu của doanh nghiệp này có thể không phải là phổ biến, nên rất cần cơ chế, chính sách đặc thù; Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương sớm xử lý dứt điểm tồn tại, vướng mắc; đẩy nhanh tiến độ đầu tư với phương châm sớm nhất, hiệu quả nhất.

Dấu ấn của Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên cũng được thể hiện ở việc tích cực đóng góp ý kiến, quan tâm đến các nội dung được đánh giá là khó, phức tạp, ảnh hưởng đến nhiều mặt của xã hội. Tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Kỳ họp thứ 4 vừa diễn ra, đại biểu Lý Văn Huấn đề nghị bổ sung hành vi làm lộ, lọt thông tin người tiêu dùng; quy định về thời gian để cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm giải quyết yêu cầu xử lý hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân.

Tham gia ý kiến vào dự thảo Luật Phòng thủ dân sự, đại biểu Hoàng Anh Công góp ý cần bổ sung quy định về huy động quyên góp và phân bổ nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ, trong đó quy định rõ việc Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân quyên góp, hỗ trợ để phục vụ khắc phục hậu quả do thảm họa, sự cố gây ra…

Đại biểu Hoàng Anh Công phát biểu tại Quốc hội.

Để đảm bảo nội dung tham gia các kỳ họp được chuẩn bị kỹ lưỡng, đầy đủ, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng kế hoạch và tổ chức tiếp xúc cử tri tại các địa phương, đơn vị. Đồng thời làm việc với UBND tỉnh và các ngành có liên quan để thống nhất trao đổi, nắm bắt tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh và thông tin, làm rõ các nội dung kiến nghị cử tri gửi đến Đoàn thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương; xây dựng báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan. Các ý kiến, kiến nghị của cử tri là cơ sở thực tiễn để đại biểu nghiên cứu, tiếp thu và quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước.

Đặc biệt, tại Kỳ họp vừa diễn ra, số lượng dự án luật được xây dựng, lấy ý kiến khá nhiều, với phạm vi rộng và liên quan đến hầu hết vấn đề của đời sống. Do đó, để đảm bảo việc góp ý khách quan và chính xác, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng kế hoạch và tổ chức các hội nghị lấy ý kiến đối với từng dự án luật.

Đơn cử như với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức hội thảo và nhận được 28 báo cáo, với rất nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc của chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, những người có kinh nghiệm thực tiễn ở cơ quan Trung ương và địa phương.

Tại diễn đàn Quốc hội, đại biểu tỉnh Thái Nguyên đề nghị việc sửa đổi Luật Đất đai lần này cần tạo hành lang pháp lý đủ mạnh; có phương pháp xây dựng, xác định bảng giá đất theo nguyên tắc thị trường, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị có liên quan trong xác định giá đất.

ĐBQH tỉnh Thái Nguyên với tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri đã tích cực phát biểu, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng vào các nội dung phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách. Đồng thời tham gia các buổi hội thảo, tăng cường trao đổi thông tin, tổ chức hoạt động đối ngoại, tiếp xúc với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các vị đại biểu, các bộ, ngành để phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên.

Theo dõi các kỳ họp, đông đảo cử tri trong tỉnh đánh giá cao những đóng góp của Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên. Ông Mưu Văn Chính, ở xã Phúc Thuận (TP. Phổ Yên), nhận xét: Các đại biểu đều rất trách nhiệm, tâm huyết trong việc truyền tải ý kiến, nguyện vọng của người dân, của địa phương đến Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương. Qua đó góp phần vào việc hoàn thiện các chủ trương, chính sách gần dân, sát dân và phù hợp nhất để tạo động lực phát triển đất nước.

Đại biểu Đoàn Thị Hảo đánh giá: Từ đầu nhiệm kỳ tới nay, hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên có nhiều đổi mới. Bên cạnh nội dung xây dựng pháp luật và tham gia các kỳ họp, hoạt động giám sát được quan tâm thực hiện chặt chẽ, tập trung vào các lĩnh vực cử tri và nhân dân quan tâm; đa dạng hình thức tiếp xúc cử tri, kết hợp giữa trực tiếp, trực tuyến và tiếp xúc chuyên đề. Nhờ đó, lượng thông tin mà ĐBQH thu thập được vừa phong phú và chân thực, vừa mang tính chuyên sâu; mối quan hệ giữa đại biểu và cử tri được củng cố, thắt chặt. Nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri được Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên tiếp nhận, phản ánh tại nghị trường Quốc hội và thu được kết quả tích cực. Đáng chú ý là việc bố trí vốn để thi công hoàn thiện tuyến đường Hồ Chí Minh qua địa bàn huyện Định Hóa; xác nhận liệt sĩ và cấp bằng Tổ quốc ghi công cho quân nhân Trần Đình Thi (xã Vạn Thọ, Đại Từ)…

Đến thời điểm này, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đã đi được gần một nửa chặng đường. Trong thời gian tới, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, tạo chuyển biến quan trọng trong quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu đổi mới, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và các phong trào ở địa phương, xứng đáng với niềm tin và sự kỳ vọng của Nhân dân.

Trong năm 2022, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên tổ chức lấy ý kiến tham gia vào 18 dự án luật; thực hiện 6 cuộc giám sát chuyên đề, qua đó kiến nghị 33 nội dung với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, kiến nghị 11 nội dung với HĐND và UBND tỉnh; tổ chức 20 cuộc tiếp xúc cử tri, với trên 11 nghìn cử tri tham gia.

Tại các kỳ họp, các ĐBQH tỉnh Thái Nguyên có 76 lượt phát biểu, trong đó có 22 lượt phát biểu và chất vấn tại hội trường; 54 lượt phát biểu tại tổ.

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=72020