Dấu ấn không thể phai mờ của miền Nam Thành đồng Tổ quốc

Cách đây 83 năm, ngày 23-11-1940, dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Nam kỳ, cuộc khởi nghĩa Nam kỳ nổ ra đã làm rung chuyển chính quyền cai trị của thực dân Pháp và tay sai ở Nam kỳ, trở thành tiếng súng báo hiệu cho sự thắng lợi tất yếu của cuộc tổng khởi nghĩa trên toàn quốc, đi vào lịch sử như một bản hùng ca về tinh thần yêu nước, ý chí quật cường, sự hy sinh oanh liệt và khát vọng cháy bỏng giành độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam.NHÂN DÂN TA LÂM VÀO TÌNH THẾ 'MỘT CỔ HAI TRÒNG'

Các chiến sĩ tham gia khởi nghĩa Nam kỳ năm xưa về thăm nhà bà Năm Dẹm - nơi họp Hội nghị Xứ ủy Nam kỳ chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa ngày 23-11-1940 (tại xã Tân Hương, quận Châu Thành).

Tháng 9-1939, chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ. Tháng 6-1940, thực dân Pháp đầu hàng phát xít Đức. Lợi dụng cơ hội này, cuối tháng 9-1940, phát xít Nhật kéo quân vào Đông Dương, từ đây nhân dân ta lâm vào tình thế “một cổ hai tròng”.

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Ðảng lần thứ 7 (khóa I) từ ngày 6 đến ngày 8-11-1939 tại Bà Ðiểm (Hóc Môn, Gia Ðịnh) nhận định: Nhật sẽ xâm chiếm Đông Dương và Pháp sẽ đầu hàng Nhật, cách mạng Đông Dương sẽ bùng nổ; do vậy, phải đoàn kết thực hiện bằng được nhiệm vụ chính là đánh đổ đế quốc, giải phóng dân tộc; chủ trương thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp, giai cấp, dân tộc và các cá nhân yêu nước.

Ðến giữa tháng 11-1940, trước tinh thần đấu tranh của quần chúng, đặc biệt là tinh thần phản chiến của binh lính Việt Nam trong quân đội Pháp, Xứ ủy Nam kỳ quyết định phát động toàn Nam kỳ nổi dậy đánh đổ chính quyền thuộc địa, giành chính quyền về tay nhân dân.

Diễn ra trong một thời gian ngắn nhưng khởi nghĩa Nam kỳ là cuộc khởi nghĩa vũ trang có phạm vi rộng nhất và mức độ quyết liệt nhất kể từ khi thực dân Pháp xâm chiếm lục tỉnh Nam kỳ.

Tuy thất bại, nhưng khởi nghĩa Nam kỳ có ý nghĩa lịch sử sâu sắc đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân ta.

Chính vì lẽ đó, ngày 14-11-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh 163 tặng thưởng Huân chương Quân công hạng nhất cho Đội quân khởi nghĩa Nam bộ năm 1940. Đó là sự khắc ghi của dân tộc đối với công lao và sự hy sinh của quân và dân Nam kỳ.

Ngày 21-11-1940, Thường vụ Xứ ủy ra thông báo cho các cấp bộ Đảng nhất loạt phát động nhân dân nổi dậy vào lúc 24 giờ ngày 22-11-1940. Thời điểm hành động nhất loạt ở các tỉnh Nam kỳ là lúc 0 giờ ngày 22, rạng 23-11-1940, hiệu lệnh là đèn Sài Gòn tắt hoặc có tiếng súng nổ.

Hội nghị Trung ương Ðảng họp tại Ðình Bảng (tỉnh Bắc Ninh) từ ngày 6 đến 9-11-1940 nhận định điều kiện khởi nghĩa ở Nam kỳ và trong cả nước chưa chín muồi, đề nghị Xứ ủy Nam kỳ chưa nên phát động khởi nghĩa.

Trung ương phái đồng chí Phan Đăng Lưu trở về truyền đạt quyết định của Trung ương cho Xứ ủy Nam kỳ. Nhưng khi đồng chí Phan Ðăng Lưu về tới Sài Gòn thì lệnh khởi nghĩa đã ban hành tới các địa phương không thể thu hồi; một số cán bộ chủ chốt của Xứ ủy đã bị địch bắt và cuộc khởi nghĩa vẫn nổ ra theo kế hoạch.

Khởi nghĩa bùng nổ đồng loạt tại hầu hết các tỉnh Nam kỳ với tinh thần quyết liệt, mạnh nhất là ở Gia Ðịnh, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Vĩnh Long... Lực lượng vũ trang và quần chúng đã nổi dậy tiến công địch ở các xã, tập kích nhiều đồn bốt, tiến đánh một số quận lỵ, phá hỏng nhiều cầu, đường...

Tại một số xã, quận, chính quyền địch hoang mang, tan rã, chính quyền cách mạng được thành lập. Ngay từ khi được tin Nam kỳ khởi nghĩa, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra thông báo khẩn cấp, chỉ thị cho các địa phương “chia lửa” với Nam kỳ. Từ việc rải truyền đơn, bãi khóa, bãi thị đến việc phát động du kích, nếu có điều kiện phá đường, cầu cống ngăn quân thù đàn áp...

Tháng 12-1940, Xứ ủy Nam kỳ họp ở Bà Quẹo (Gia Định) quyết định cuộc khởi nghĩa rút lui để tránh tổn thất, đưa lực lượng còn lại xây dựng căn cứ U Minh và Đồng Tháp Mười.

TỈNH MỸ THO - GÒ CÔNG TRONG KHỞI NGHĨA NAM KỲ

20 giờ ngày 22-11-1940, lệnh khởi nghĩa của Xứ ủy được chuyển đến địa điểm liên lạc của Tỉnh ủy tại xã Trung An. Tuy nhiên, do kế hoạch ở Sài Gòn bị lộ, sáng ngày 22-11, bọn địch ở Sài Gòn tiến hành 50 cuộc vây ráp, bắt bớ. Mặc dù bị lộ, bọn địch đã bố phòng, nhưng khi lệnh khởi nghĩa được đưa xuống Mỹ Tho thông qua hệ thống tổ chức từ trước, Tỉnh ủy Mỹ Tho phổ biến nhanh chóng xuống tận cơ sở. Cuộc khởi nghĩa ở Mỹ Tho, Gò Công nổ ra đúng kế hoạch, mỗi khu vực có các đồng chí trong Tỉnh ủy trực tiếp lãnh đạo.

Đồng chí Phan Văn Khỏe, Bí thư Tỉnh ủy, trực tiếp chỉ đạo ở Cai Lậy; đồng chí Nguyễn Văn Trọng, Phó Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo trực tiếp ở Châu Thành; đồng chí Lê Quang Sô chịu trách nhiệm tập hợp lực lượng của các làng Đạo Thạnh, Mỹ Phong, Tân Mỹ Chánh… sẵn sàng vượt sông Bảo Định “nhập thành” cùng lực lượng tại chỗ và làng Trung An (quận Châu Thành) đánh chiếm tỉnh lỵ Mỹ Tho.

Từ nửa đêm 22 đến rạng sáng ngày 23-11-1940, cuộc khởi nghĩa ở Mỹ Tho bắt đầu nổ ra ở một số trung tâm. Từ trung tâm, tiếng trống, mõ dồn dập thay tiếng pháo lệnh làm bùng nổ cuộc khởi nghĩa trên phạm vi cả tỉnh. Hàng chục ngàn quần chúng đủ mọi tầng lớp, không phân biệt già, trẻ với băng cờ, khẩu hiệu, đèn đuốc sáng trời đã tập hợp lại theo từng khu vực của một xã hoặc liên xã.

Hơn 0 giờ ngày 23-11, hàng ngàn quần chúng của khu vực Long Hưng - Thạnh Phú đã nổi dậy khởi nghĩa. Đây là địa bàn hết sức quan trọng, từ đây lực lượng khởi nghĩa có thể đánh vào Mỹ Tho, cắt đứt con đường huyết mạch nối Sài Gòn và miền Tây Nam bộ.

Tiếng trống, tiếng mõ, tiếng pháo tre vang khắp xóm làng. Quần chúng tự vũ trang bằng vũ khí thô sơ, rầm rập kéo đến những địa điểm đã quy ước trước, nghe Ủy ban Khởi nghĩa phát lệnh và kéo đến trụ sở tề xã giành chính quyền về tay nhân dân…

Tại Gò Công, nhân dân ấp Ninh Đồng B (xã Đồng Sơn) nổi lên khởi nghĩa cùng với xã Quơn Long, quận Chợ Gạo; một số làng, xã dọc lộ 24 như: Bình Phú Tây, Vĩnh Thạnh, Long Chánh đã chuẩn bị phá lộ, cưa cây khi có lệnh khởi nghĩa, nhưng chưa làm vì lệnh khởi nghĩa đến chậm. Khi nghe tiếng trống mõ khắp nơi vọng đến, một số xã tiến hành rải truyền đơn như: xã Tân Hòa, Tân Thành, Tân Niên Tây, Vĩnh Hựu và rải cả vào dinh tỉnh trưởng Gò Công.

Từ ngày 23-11 đến ngày 30-11-1940, toàn tỉnh Mỹ Tho - Gò Công có 75/124 làng (xã) đã giành được quyền làm chủ. Ngay trong ngày 23-11-1940, chính quyền cách mạng tỉnh Mỹ Tho được thành lập và đã tổ chức cuộc mít tinh có hơn 3.000 người dự tại đình Long Hưng.

Lần đầu tiên Lá cờ đỏ sao vàng năm cánh xuất hiện trên ngọn cây bàng, trước đình Long Hưng và trước cổng trụ sở (trước cổng đình) một băng rôn được treo với dòng chữ “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quốc”.

NHƯ LÊ (tổng hợp)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202311/ky-niem-83-nam-ngay-nam-ky-khoi-nghia-23-11-1940-23-11-2023-dau-an-khong-the-phai-mo-cua-mien-nam-thanh-dong-to-quoc-996395/