Dấu ấn dòng họ Nguyễn Đăng sau cổ phần hóa

(BVPL) Là doanh nghiệp quân đội đầu tiên cổ phần hóa công ty mẹ theo chủ trương cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước của Chính phủ, Tổng công ty 36 vừa qua đã cổ phần hóa, tổ chức phiên đấu giá cổ phiếu thành công. Bức tranh doanh nghiệp này sau cổ phần hóa như thế nào?

(BVPL) Là doanh nghiệp quân đội đầu tiên cổ phần hóa công ty mẹ theo chủ trương cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước của Chính phủ, Tổng công ty 36 vừa qua đã cổ phần hóa, tổ chức phiên đấu giá cổ phiếu thành công. Bức tranh doanh nghiệp này sau cổ phần hóa như thế nào?

Số liệu tổng tài sản liên tục thay đổi

Trước khi cổ phần hóa, theo thông tin từ báo chí truyền thông, Tổng công ty 36 đã có hơn 10 năm phát triển vượt bậc, từ chỗ chỉ là một xí nghiệp thua lỗ, nợ nần trở thành một tổng công ty lớn. Theo bài báo “Bản lĩnh anh hùng” đăng trên Báo Nhân Dân ngày 02/03/2013, tổng tài sản của Tổng công ty 36 vào năm 2013 là hơn 2.200 tỷ đồng. Một năm sau, theo bài báo “Quyết đến những nơi cần đến” đăng trên Báo Quân đội nhân dân ngày 1/5/2015, tổng tài sản của Tổng công ty này lên tới hơn 3000 tỷ đồng. Con số tổng tài sản tiếp tục tăng trưởng khi theo bài “Đấu giá cổ phần tổng công ty 36: Tài sản nhiều như đất” trên Báo Đấu thầu ngày 18-3-2016 thì đến hết quý III/2015, tổng tài sản của Tổng công ty đạt 5.270,1 tỷ đồng. Trước khi cổ phần hóa 1 năm, trên nhiều báo chí và trên chính trang web tongcongty36.com của Tổng công ty này thì họ đã đầu tư 700 tỷ đồng mua trên 500 trang thiết bị hiện đại, mới tinh thuộc dạng hiện đại nhất Việt Nam.

Trụ sở Tổng công ty 36

Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau đó, theo thông tin đơn vị này đăng tải rộng rãi trên báo chí (bài “Ngày 14/4, Tổng công ty 36 đấu giá công khai 4,3 triệu cổ phần trên báo Đầu tư Online và bài “Sắp IPO 4,3 triệu cổ phần Tổng công ty 36 trên Thời báo Tài chính Việt Nam”) thì tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, tổng giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đạt hơn 329,3 tỷ đồng. Vốn điều lệ sau cổ phần hóa dự kiến đạt 430 tỷ đồng.

Những con số này khiến dư luận đặt câu hỏi, tại sao tài sản của đơn vị này trên báo chí thay đổi xoành xoạch, lúc hơn 1600 tỷ, lúc hơn 22000 tỷ, lúc hơn 3000 tỷ và lúc hơn 5000 tỷ đồng? Tại sao tổng tài sản từ chỗ hơn hơn 5000 tỷ đồng đầu năm 2015 đến đầu năm 2016 tổng giá trị thực tế phần vốn Nhà nước chỉ có 329,3 tỷ đồng? Phải chăng trong tổng tài sản của Tổng công ty 36, tỷ lệ nợ chiếm tỷ trọng quá lớn?

Vai trò gia đình ông Nguyễn Đăng Giáp

Theo số liệu sau khi cổ phần hóa, Nhà nước chiếm 40% vốn điều lệ, nhà đầu tư chiến lược nắm 42,21%, cán bộ công nhân viên nắm 7,79% và khoảng 10% chào bán công khai thông qua đấu giá. Tổng công ty 36 đã lựa chọn 2 cổ đông chiến lược là CTCP Xây lắp và Thương mại Trường Lộc (nắm giữ 14,1 triệu cổ phần) và CTCP Vận tải và thương mại Anh Quân (4 triệu cổ phần). Được biết, CTCP Xây lắp và Thương mại Trường Lộc chính là công ty riêng của ông Nguyễn Đăng Hiền, em trai ông Nguyễn Đăng Giáp, Tổng giám đốc Tổng công ty 36 hiện nay. Công ty và CTCP Vận tải và thương mại Anh Quân cũng là công ty của gia đình ông Nguyễn Đăng Ngọ, em trai ông Giáp, có trụ sở tại TP Vinh (Nghệ An).

Cơ cấu vốn điều lệ sau cổ phần hóa

Như vậy, các công ty gia đình của ông Giáp chiếm tỷ trọng lớn trong nắm giữ cổ phần tại Tổng công ty 36 hiện nay. Trong khi Nhà nước chỉ chiếm 40% vốn điều lệ thì tổng cổ phần do 2 nhà đầu tư chiến lược và các cá nhân các ông Nguyễn Đăng Giáp, Nguyễn Đăng Trung, Nguyễn Đăng Thuận...đang nắm giữ chiếm vị thế áp đảo, cao hơn nhiều so với phần vốn Nhà nước nắm. Nên có thể nói, Tổng công ty 36 sau cổ phần hóa gần như đã trở thành công ty do gia đình Nguyễn Đăng nắm giữ phần lớn cổ phiếu.

Ngoài ra, nhiều vị trí chủ chốt khác trong Tổng công ty cũng do những người mang dòng họ Nguyễn Đăng nắm giữ. Cụ thể bao gồm: 1- Ông Nguyễn Đăng Giáp, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc, 2- Nguyễn Đăng Thuận - Phó tổng giám đốc kiếm giám đốc công ty 36.67, 3- Nguyễn Đăng Trung - Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc công ty 36.66, 4- Nguyễn Đăng Hùng - Giám đốc Công ty 36-62; 5- Nguyễn Đăng Hiếu - Phó giám đốc công ty 36.67; 6- Nguyễn Đăng HIền - Giám đốc Công ty Trường Lộc, cổ đông chiến lược 8- Nguyễn Đăng Ngọ - thành viên Công ty Anh Quân - cổ đông chiến lược. Hai cổ đông chiến lược chiếm 42,21% vốn điều lệ, Nhà nước chiếm 40%, 7,79% cổ phần còn lại của cán bộ công nhân viên thì có 3 cổ đông lớn mua nhiều nhất gồm Nguyễn Đăng Giáp, Nguyễn Đăng Trung, Nguyễn Đăng Thuận...

PV

Nguồn BVPL: http://baobaovephapluat.vn/kinh-te-do-thi/doanh-nhan-doanh-nghiep/201611/tong-cong-ty-36-dau-an-dong-ho-nguyen-dang-sau-co-phan-hoa-2521703/