Dấu ấn đậm nét của Việt Nam cho sự phát triển của ASEAN

Bà Arancha González – Giám đốc điều hành Trung tâm Thương mại Quốc tế: Việt Nam có thể trở thành cầu nối, một cửa ngõ để các nước ASEAN tiến vào EU và ngược lại, nhất là trong tương lai, hợp tác giữa ASEAN và EU sẽ phải chuyển đổi từ hợp tác giữa quốc gia với khu vực sang hợp tác giữ khu vực với khu vực. Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh: Là một thành viên ASEAN, Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các nước trong khối nhằm duy trì vai trò dẫn dắt của ASEAN, vừa thúc đẩy đàm phán vừa bảo vệ tối đa lợi ích của các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, trong đàm phán Hiệp định RCEP.Ông Choi Shing Kwok - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á: 'Việt Nam có tầm nhìn chiến lược mạnh mẽ mà ASEAN cần vào thời điểm này để có được hướng đi trong bối cảnh bất trắc mà chúng ta đang nói đến hiện nay trong lĩnh vực địa chính trị. Chúng tôi kỳ vọng Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy vai trò của ASEAN và đưa quan điểm của ASEAN ra cộng đồng quốc tế.'Tổng thư ký ASEAN Lim Jock Hoi: 'Theo tôi, Việt Nam cần tập trung vào việc tiếp tục chương trình nghị sự của khối, như thúc đẩy phát triển bền vững, hay đối phó với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần thúc đẩy hợp tác nội khối, trong đó có hợp tác phát triển kinh tế. Ngoài ra, trong năm làm chủ tịch ASEAN, Việt Nam cũng có thể tập trung vào nội dung về quản trị nhân sự, hay giáo dục.'

Về xây dựng định hướng, quyết sách của khu vực, Việt Nam cùng các nước thành viên đã xây dựng và đưa ra Kế hoạch tổng thể Kết nối ASEAN, Sáng kiến hội nhập ASEAN về thu hẹp khoảng cách phát triển, Tuyên bố Hòa hợp ASEAN II hình thành Cộng đồng ASEAN, Hiến chương ASEAN, Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN 2009-2015, Tầm nhìn ASEAN 2020, Tầm nhìn ASEAN 2025.

Về đảm nhiệm các nhiệm vụ luân phiên, Việt Nam đăng cai thành công Chủ nhà Hội nghị Cấp cao ASEAN 6 (1998); đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Ủy ban Thường trực ASEAN 2000-2001; đặc biệt Năm Chủ tịch ASEAN 2010 đã có dấu ấn đậm nét ; điều phối quan hệ đối tác với Trung Quốc, EU, Ấn Độ, Nhật Bản.

Về tham gia đề xuất sáng kiến hướng tới người dân, Việt Nam đã chủ động đi đầu trong các nội dung có lợi thế và kinh nghiệm như hợp tác viễn thông, nông nghiệp, giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu, xóa đói giảm nghèo và thu hẹp khoảng cách phát triển…

Về hội nhập kinh tế khu vực, Việt Nam là 1 trong 2 quốc gia có tỷ lệ thực hiện cao nhất (95,5%) các cam kết trong kế hoạch tổng thế xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN; xây dựng, triển khai các thỏa thuận hợp tác kinh tế nội khối và làm cầu nối hợp tác ASEAN với các đối tác, thúc đẩy đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Về cơ chế hợp tác chung, Việt Nam đã tham gia và đóng góp tích cực vào việc hình thành lập trường chung của ASEAN, củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng như thế giới; cùng với các nước ASEAN tham gia tích cực quá trình đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc nhằm sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả.

Năm 2020, Việt Nam sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN với nhiều thuận lợi song hành cùng khó khăn trong bối cảnh toàn cầu cũng như khu vực có nhiều biến động.

Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam mong muốn tiếp tục đóng góp thực chất hơn nữa vào tiến trình xây dựng và phát triển Cộng đồng ASEAN đoàn kết, có vai trò trung tâm ở khu vực, hướng tới một ASEAN hài hòa, gắn kết, bản sắc, có khả năng thích ứng cao, ngày càng phát triển thịnh vượng, có vai trò và trách nhiệm trong giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Nguồn VNEWS: http://vnews.gov.vn/dau-an-dam-net-cua-viet-nam-cho-su-phat-trien-cua-asean