Dấu ấn bóng hồng ở từng khung hình...

Bằng thế mạnh của mình, các nhà làm phim nữ đã kể nên những câu chuyện đầy duyên dáng và mạnh mẽ, góp phần tạo sự đa thanh cho điện ảnh thế giới và Việt Nam...

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp (ở giữa). Ảnh: FBNV

Cộng đồng làm phim của điện ảnh Việt Nam đương đại có đến hàng chục gương mặt nữ ấn tượng: Đoàn Minh Phượng, Nguyễn Hoàng Điệp, Đặng Thái Huyền, Bùi Kim Quy, Síu Phạm, Ngô Thanh Vân, Hồng Ánh, Kathy Uyên, Luk Vân, Đinh Hà Uyên Thư, Nguyễn Phương Anh (Ash Mayfair), Đoàn Hồng Lê, Nguyễn Thị Thắm, Hà Lệ Diễm…

Họ là thế hệ đạo diễn nữ thời hội nhập, dấn thân vào nghệ thuật thứ bảy với kỹ thuật bài bản, tư duy thẩm mỹ sắc sảo, những góc nhìn mới mẻ, táo bạo.

Trau chuốt và thẩm mỹ

Có lẽ, một trong những yếu tố tạo nên ấn tượng của các nữ đạo diễn Việt Nam chính là sự duy mỹ trong từng thước phim, khung hình. Hiện thực, qua cảm nhận của phụ nữ bao giờ cũng đầy cảm xúc. Vì vậy, khi làm phim, họ thường tái hiện điều này bằng những hình ảnh trau chuốt, khơi gợi rung động thẩm mỹ sâu sắc.

Lứa đạo diễn nữ sau năm 2000 phần lớn đều có xuất phát điểm thuận lợi cho việc làm phim: họ được đào tạo hoặc tự học về nghệ thuật, làm nhiều công việc liên quan đến điện ảnh, truyền thông. Dù theo đuổi thể loại nào, từ phim điện ảnh (cả dòng phim nghệ thuật lẫn dòng phim thương mại) hay phim tài liệu, người xem cũng dễ dàng nhận ra dấu ấn nữ quyền ở cách kể chuyện mềm mại, đẹp đẽ ở từng khung hình.

Khởi nghiệp với vai trò đạo diễn phim truyền hình, từng làm nhà sản xuất cho bộ phim “Bi đừng sợ” của đạo diễn Phan Đăng Di, Nguyễn Hoàng Điệp đã tích lũy những trải nghiệm điện ảnh chất lượng.

Bộ phim đầu tay của chị - “Đập cánh giữa không trung” là tác phẩm điển hình cho tính thẩm mỹ của giới nữ làm điện ảnh. Bối cảnh của bộ phim vừa hiện thực vừa hư ảo: đó là một Hà Nội huyên náo, xô bồ, là bãi bồi, ngôi nhà hoang, cánh rừng xuyên nắng huyền hoặc xa vắng – tất cả đều nhằm khắc họa cảm giác chơi vơi giữa hiện thực và tâm tưởng người phụ nữ.

Từ màu phim u trầm đến các thiết kế ánh sáng, góc quay, tỷ lệ khung hình đều được tính toán để diễn tả cảm giác lạc lõng, ngập ngừng của người trẻ giữa không gian đô thị và trong chính nội tâm của họ. Chỉ với bộ phim đầu tay, Nguyễn Hoàng Điệp đã đạt tới độ chín trong sáng tạo hình ảnh – điều mà nhiều đạo diễn nam vẫn đang chật vật trau dồi.

Ngay cả ở thể loại tưởng chừng khô khan như phim tài liệu, các đạo diễn nữ cũng lựa chọn khắc họa hiện thực trữ tình ở từng góc máy. Cụm từ “phim tài liệu nghệ thuật” ở Việt Nam có lẽ được nhắc đến nhiều kể từ khi phim tài liệu “Những đứa trẻ trong sương” của đạo diễn Hà Lệ Diễm “làm mưa làm gió” tại các liên hoan phim trong nước và quốc tế. Hình ảnh, góc quay đều mộc mạc, tự nhiên nhưng lại giàu chất thơ, rất phù hợp với những cảm xúc trong trẻo, hồn nhiên của câu chuyện.

Mềm mại nhưng đầy sức nặng

Dù theo đuổi cái đẹp nhưng hầu như phim của các đạo diễn nữ Việt Nam đều không bị sa đà vào chủ nghĩa hình thức. Hình ảnh giàu tính thẩm mỹ chỉ là phương tiện để họ thể hiện tiếng nói, quan điểm của mình.

Đạo diễn Hà Lệ Diễm (ngoài cùng bên trái) cùng các nhân vật trong bộ phim tài liệu Những đứa trẻ trong sương. Ảnh: FBNV

Những tự sự lớn của văn chương, sân khấu, điện ảnh Việt lâu nay chủ yếu được kể bởi nam giới, được định hướng bởi tư tưởng nam quyền. Vì vậy, những bộ phim của các đạo diễn nữ đều đang cố gắng bày tỏ tâm tình, khát vọng của người phụ nữ trong xã hội vẫn còn quá nhiều định kiến.

Ở dòng phim thương mại, hầu như hình tượng nhân vật nữ của họ đều được xây dựng theo hình mẫu “nữ cường” - mạnh mẽ, không cam chịu. Tuy nhiên, các nhà làm phim nữ không “hô hào” nữ quyền khô cứng, giáo điều mà thường miêu tả hành trình tìm kiếm sự độc lập đầy gian truân.

Trong Bẫy ngọt ngào, nhân vật chính Camy từ cô gái nhu nhược, bị thao túng bởi người chồng gia trưởng, bạo lực đã dần cứng cỏi hơn sau những lần bị đẩy đến tận cùng đau đớn, tủi nhục.

Ngoài ra, cũng trong dòng phim này, hình tượng người nữ được khai thác ở các góc nhìn đa diện trong nội tâm con người hiện đại. Nó “phản biện” những cách nhìn phụ nữ còn đơn điệu trong phim của các đạo diễn nam.

Ở dòng phim nghệ thuật, “Đập cánh giữa không trung” và “Người vợ ba” cũng là những bộ phim nỗ lực thay đổi định kiến về hình tượng người nữ trong văn chương, nghệ thuật truyền thống. Hai bộ phim đem đến góc nhìn mới về phụ nữ, về con người. Những hoang mang, chơi vơi, tù túng của cuộc đời, hay những ẩn ức đè nén được tạo nên bởi “khí quyển” nam quyền độc hại sẽ đẩy những người đàn bà vào vực thẳm của cái ác.

Những bộ phim ấy không hề có ý định xây những biểu tượng trung hậu đảm đang như chị Tư Hậu hay cô Dần trong “Áo lụa Hà Đông”. Họ cho ta thấy những cô bé, những người phụ nữ hoang mang giữa những ranh giới, giữa cuộc đời tù đọng.

Hai đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp và Nguyễn Phương Anh đã cho ta thấy: đôi khi, với thưởng thức nghệ thuật, chúng ta nên cởi bỏ định kiến, để được nhìn thấy một hiện thực rất khác.

Để tạo nên đối trọng với nam giới trong lĩnh vực nghệ thuật đầy thách thức như điện ảnh, đạo diễn nữ đôi lúc phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba.

Tuy nhiên, chính rào cản và định kiến xã hội có lẽ lại tạo nên sức bật khiến những nữ đạo diễn thăng hoa hơn trong điện ảnh. Tác phẩm nào của các nàng “anh thư” cũng khiến các nhà làm phim nam giới phải trầm trồ bởi kỹ thuật và tư tưởng.

Lý do các nhà làm phim nữ gửi tác phẩm đi tranh giải ở nhiều liên hoan phim trong và ngoài nước, có lẽ không chỉ để tạo uy tín nhằm thuyết phục các nhà đầu tư cho những dự án tiếp theo. Việc làm này của họ còn kiêu hãnh thúc giục phụ nữ bắt tay vào hiện thực hóa những giấc mơ của đời mình...

HẠ NGUYÊN

Nguồn Quảng Nam: https://baoquangnam.vn/dau-an-bong-hong-o-tung-khung-hinh-3130933.html