Đất ở ổn định bỗng dưng có người tới 'đòi'

Những mảnh đất đã được thu hồi và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cán bộ tỉnh Bạc Liêu từ lâu, nhưng người dân đang ở ổn định hơn 30 năm không hề hay biết. Chỉ đến khi có người tới đòi đất, nhiều hộ dân mới tá hỏa vì đất mình đang ở nhưng chủ quyền lại của… 'người lạ'.

Tá hỏa vì "người lạ” đứng tên chủ quyền

Theo đơn cầu cứu của ông Nguyễn Châu Long, đất của gia đình ông đang sử dụng có nguồn gốc do UBND tỉnh Minh Hải (nay là Bạc Liêu và Cà Mau) cấp cho ông Ngô Xuân Mạc theo quyết định (QĐ) số 13, ngày 02/01/1985.

Cuối năm 1988, ông Mạc bán lại cho ông Nguyễn Châu Long bằng giấy tay toàn bộ phần diện tích được cấp là 496m2. Đến năm 1993, ông Mạc và ông Long làm hợp đồng mua bán, được UBND phường 7 xác nhận, khi đó diện tích đo thực tế là 946,9m2.

Ông Long xây dựng nhà ở và sử dụng đất ổn định, không có bất cứ tranh chấp nào. Năm 1998, ông Long được Sở Địa chính (nay là Sở Tài nguyên và Môi trường) xem xét giải quyết cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) 300m2, loại đất ở đô thị, phần diện tích còn lại chưa được cấp giấy và gửi cơ quan chức năng xem xét.

Ngày 16/11/2000, Cục thuế Bạc Liêu gửi công văn tới Sở Địa chính, yêu cầu làm đúng luật. Cụ thể: "... đối với các trường hợp được cấp đất trước ngày 15/10/1993, chủ SDĐ có nhu cầu thì nộp 100% tiền SDĐ (không phải thông qua các ngành chức năng xem xét). Nhưng phần đất của ông Long không được duyệt dù được cấp đất từ năm 1985".

Từ đó đến nay, gia đình ông Long sinh sống ổn định trên phần đất này và không hề xảy ra tranh chấp, ông cũng hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ đóng thuế đất. Đầu năm 2010, có dự án nâng cấp, mở rộng đường Võ Văn Kiệt, một phần đất của ông Long nằm trong lộ giới. "Diện tích đất của tôi bị ảnh hưởng phải thu hồi là 106,2m2. Tôi đã giao đất cho Nhà nước và được hưởng đền bù hơn 46 triệu đồng. Hiện phần đất còn lại của tôi là 872,3m2", ông Long cho biết.

Đến cuối năm 2016 đầu năm 2017, khi đoạn đường phía trước làm xong, ông tiến hành san lấp phần diện tích ao đìa đang quản lý sử dụng thì bất ngờ ông Nguyễn Minh Bỉ đến tranh chấp đất với gia đình ông Long. Hết sức ngạc nhiên, ông Long hỏi ông Bỉ vị trí, mốc giới đất của ông ở đâu thì ông Bỉ trả lời không biết...

Phần đất của ông Nguyễn Châu Long đang tranh chấp

Cấp đất cho cán bộ "chồng chéo" lên đất dân đang ở

Qua tìm hiểu, ông Long bất ngờ khi được biết, năm 1999, tỉnh Bạc Liêu đã có quyết định thu hồi đất của ông để giao và cấp giấy CNQSDĐ cho ông Bỉ. Hiện nay, phần đất 240m2 mà ông Bỉ đang tranh chấp với ông Long và một hộ dân khác đã được ông Bỉ bán cho người thứ 3 với giá cả tỷ đồng.

Ông Long bức xúc: "Đất của gia đình tôi bị thu hồi mà tôi không hề hay biết. Tại sao có quyết định thu hồi đất mà không ai triển khai đến nhà tôi. Ông Bỉ được giao đất, cấp giấy CNQSDĐ cũng không thấy tiến hành đo đạc, xác định vị trí hay ký tứ cận với các hộ giáp ranh. Đây cũng là nguyên nhân mà năm 1998, tôi không được cấp giấy CNQSDĐ".

Theo Báo cáo liên ngành số 2123 ngày 02/7/2018 gửi UBND tỉnh về kết quả kiểm tra liên quan đến khiếu nại của 6 hộ dân có nêu: "UBND tỉnh có ban hành QĐ thu hồi và quyết định giao đất cho ông Bỉ là thực hiện đúng quy định... Tuy nhiên, trước khi thu hồi đất, cơ quan chức năng không có thông báo cho người đang quản lý sử dụng đất biết lý do, thời gian, kế hoạch di chuyển, lập phương án đền bù thiệt hại tài sản, cây trái, hoa màu là chưa đúng quy định".

"Việc Sở địa chính trình UBND tỉnh giao đất cho ông Bỉ, nhưng không căn cứ vào quy hoạch được duyệt, không có dự án đầu tư xây dựng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, không có phương án đền bù, là trái quy định của Chính phủ về quản lý sử dụng đất đô thị”.

Mặt khác, báo cáo cũng nêu: "Ông Bỉ có QĐ giao đất, nhưng không được các ngành liên quan cắm mốc thửa đất có vị trí, ranh giới, kích thước, đồng thời chưa giải quyết các mối quan hệ giữa các bên là không thực hiện đúng theo quy định của QĐ thu hồi đất và QĐ giao đất, cấp giấy CNQSDĐ của UBND tỉnh Bạc Liêu".

Ngoài ra, "khi xác minh, làm việc với các hộ được giao đất thì từ thời điểm giao đất (trên giấy) đến nay, ông Bỉ không trực tiếp quản lý, sử dụng đất (không xác định được vị trí cụ thể phần đất được giao nằm ở vị trí nào, tứ cận giáp với ai...). Theo Điều 19 Nghị định số 88 của Chính phủ: "Nếu trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày nhận đất, người SDĐ không tiến hành sử dụng mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép thì quyết định giao đất không còn giá trị pháp lý”. Báo cáo cũng khẳng định : "Việc UBND tỉnh ban hành QĐ giao đất và cấp giấy CNQSDĐ cho ông Bỉ là chưa đúng quy định pháp luật".

Quyền lợi người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng

Hiện phần đất đang tranh chấp đã được ông Bỉ chuyển nhượng cho người thứ 3, nên vụ việc được Tòa án giải quyết. Ngày 28/8/2020, TAND TP.Bạc Liêu đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án tranh chấp đòi QSDĐ và hủy giấy CNQSDĐ giữa nguyên đơn là ông Lý Hồng Hưng (người nhận chuyển nhượng đất từ ông Bỉ) và bị đơn là ông Long với một hộ dân khác là ông Nguyễn Tiến Luật.

Theo đó, TAND TP.Bạc Liêu đã nhận định: QĐ thu hồi đất số 505 ngày 12/11/1999 và QĐ giao đất số 506 ngày 12/11/1999 của UBND tỉnh Bạc Liêu đối với phần đất tranh chấp không thực hiện đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật. Khi UBND tỉnh ban hành QĐ về việc giao đất và cấp giấy CNQSDĐ cho ông Bỉ, thì thời điểm này ông Nguyễn Châu Long và một hộ dân khác (ông Nguyễn Tiến Luật) đang trực tiếp quản lý, sử dụng. Do đó, có căn cứ để chấp nhận yêu cầu hủy giấy CNQSDĐ đã cấp cho ông Bỉ.

Tuy nhiên, tại bản án Phúc thẩm số 16/2022 của TAND Cấp cao tại TPHCM lại tuyên xử: "Buộc ông Nguyễn Châu Long và hộ dân khác (ông Nguyễn Tiến Luật) tháo dỡ công trình trên đất đối với phần đất tranh chấp", bác yêu cầu của ông Long và ông Luật về việc hủy giấy CNQSDĐ.

Các quyết định này của TAND Cấp cao ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của ông Long và ông Luật, 2 hộ dân đã mua và sử dụng ổn định thửa đất trên 30 năm nay.

Được biết, ngoài trường hợp tranh chấp đất giữa ông Bỉ và ông Long, còn có 5 hộ dân khác tại khu vực này cũng phát sinh tranh chấp do các quyết định thu hồi và cấp đất trước đó. Thanh tra tỉnh Bạc Liêu cũng đã kịp thời làm rõ và gửi Báo cáo số 168 ngày 28/12/2018 tới UBND tỉnh Bạc Liêu về kết quả làm việc với những người được giao đất trên phần đất của 6 hộ dân đang khiếu nại. Trong đó, một số trường hợp trước đây bị cấp chồng chéo lên đất của các hộ dân đang quản lý sử dụng được tỉnh đề xuất hủy giấy CNQSDĐ cũ và cấp đổi sang vị trí mới với diện tích tương đương.

Luật sư Nguyễn Quốc Cường - Công ty Luật TNHH Infinity Việt Nam - Đoàn Luật sư TPHCM:

Cơ quan cấp giấy CNQSDĐ có quyền đính chính, thu hồi giấy CNQSDĐ đã cấp theo quy định tại Điều 106 của Luật Đất đai năm 2013. Tuy nhiên, cũng theo Luật Đất đai, cơ quan cấp giấy CNQSDĐ không có quyền hủy giấy CNQSDĐ mà chỉ duy nhất tòa án mới có thẩm quyền này. Bên cạnh sự khác biệt về thẩm quyền thì bản chất khái niệm "hủy" và "thu hồi" trong trường hợp này cũng khác nhau. Tòa án cấp phúc thẩm áp dụng Khoản 2 Điều 106 Luật Đất đai 2013 quy định về thu hồi giấy CNQSDĐ của cơ quan hành chính Nhà nước để làm cơ sở, căn cứ nhận định và tuyên xử theo hướng bác yêu cầu hủy giấy CNQSDĐ của ông Long, ông Luật mà không xem xét đến các tài liệu chứng minh nguồn gốc đất tranh chấp; quá trình quản lý, sử dụng đất tranh chấp là không phù hợp với quy định pháp luật.

NGỌC TUẤN - PHÙNG BẮC

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/thong-tin-ban-doc/dat-o-on-dinh-bong-dung-co-nguoi-toi-doi_155480.html