Đặt người dân và doanh nghiệp ở trung tâm của sự phát triển

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã phát biểu chỉ đạo như vậy tại “Đối thoại nhiều bên về APEC hướng tới 2020 và tương lai” trong khuôn khổ Hội nghị các quan chức cấp cao APEC lần thứ hai (SOM 2) và các sự kiện liên quan được tổ chức sáng qua (16/5).

Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại đối thoại.

Tái định hình tiến trình toàn cầu hóa mang tính nhân văn

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đặc biệt là công nghệ số, đang làm thay đổi bức tranh kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh phát triển mới, người dân và trong khu vực APEC, đang đặt ra câu hỏi cần được giải đáp thấu đáo là APEC đang và sẽ làm gì cho họ?

Chủ tịch nước cho rằng: “Hơn bao giờ hết, đây là thời điểm các nền kinh tế APEC đưa ra thông điệp khẳng định tiếp tục cam kết duy trì mở cửa thị trường, đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực và ủng hộ một tiến trình toàn cầu hóa mới tiến bộ hơn. Chúng ta cần xây dựng tầm nhìn mới sau 2020 nhằm đem lại cho APEC một giá trị và vai trò mới trong cấu trúc kinh tế khu vực và toàn cầu đang thay đổi”.

Theo Chủ tịch nước: “Chúng ta cần thúc đẩy phát triển bền vững, bao trùm và sáng tạo, đưa các thành phần trong xã hội cùng tham gia và thụ hưởng từ sự phát triển và thịnh vượng chung. Đồng thời chúng ta cần làm tốt công tác thông tin để công chúng thấy được những lợi ích của toàn cầu hóa, của tự do thương mại và đầu tư, chung tay thúc đẩy một mô hình tăng trưởng mới bền vững hơn”.

Chủ tịch nước đề nghị và cho rằng APEC cũng cần hết sức chú trọng thúc đẩy giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và một hệ thống các giải pháp chính sách xã hội tích cực, chủ động nhằm bảo đảm mọi thành phần xã hội và lao động có thể tham gia tích cực và thụ hưởng thành quả từ cách mạng công nghệ trong kỷ nguyên số.

Đối phó với thông tin bất cân xứng

Cũng trong ngày 16/5, bên lề Hội nghị các quan chức cao cấp tài chính APEC (SFOM), tại Ninh Bình, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tổ chức Hội thảo “Trao đổi thông tin tín dụng xuyên biên giới”.

Các nội dung được trao đổi tại Hội thảo được đánh giá là đặc biệt quan trọng và cần thiết đối với Việt Nam trong bối cảnh nước ta đang phát triển với các khuôn khổ pháp lý, các chuẩn mực trong hoạt động thông tin tín dụng nói chung và vấn đề chia sẻ thông tin tín dụng xuyên biên giới nói riêng còn chưa được đầy đủ. Ngoài ra, các khuôn khổ pháp luật liên quan về bảo vệ người tiêu dùng, bảo mật dữ liệu cá nhân cũng chưa được đồng bộ.

Do đó, việc xây dựng mô hình “Trao đổi thông tin tín dụng xuyên biên giới” thành công sẽ góp phần đảm bảo công bằng, minh bạch trong hợp tác đầu tư, giảm thiểu tối đa những rủi ro do thông tin bất cân xứng mang lại.

Việc trao đổi thông tin tín dụng xuyên biên giới đồng thời cũng sẽ mở ra cơ hội lớn đối với các tổ chức thông tin tín dụng trong việc tăng cường mở rộng hợp tác, học hỏi kinh nghiệm và có thêm nguồn thông tin minh bạch, tin cậy, chính xác, thúc đẩy hoạt động đầu tư, kinh doanh và mở rộng cơ hội tiếp cận tín dụng của người dân ở mỗi quốc gia.

Minh Ngọc

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/thoi-su/dat-nguoi-dan-va-doanh-nghiep-o-trung-tam-cua-su-phat-trien-334911.html