Đất liền hướng về đảo xa nơi vùng biển Tây Nam

Chúng tôi cùng đoàn công tác của Bộ tư lệnh Vùng 5 Hải quân vừa có chuyến hành trình vượt hơn 600km đường biển đến 5 đảo tiền tiêu vùng biển Tây Nam. Đến với mỗi đảo, đoàn công tác đã thăm, chúc Tết và tặng quà các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo với ý nghĩa cổ vũ, động viên, khích lệ, tiếp thêm sức mạnh cho những người lính nơi đảo xa kiên trung, vững vàng trên tuyến đầu để bảo vệ vững chắc từng tấc đảo, sải biển thiêng liêng của Tổ quốc.

Hành trình đến 5 đảo tiền tiêu

Trước khi lên tàu đến với các đảo, chúng tôi được Chuẩn đô đốc Nguyễn Hữu Thoan, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ tư lệnh Vùng 5 Hải quân giới thiệu: “Vùng 5 Hải quân được giao quản lý, bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo Tây Nam, có diện tích hơn 150.000km2, đường bờ biển dài hơn 450km (tính từ cửa sông Gành Hào tỉnh Bạc Liêu đến thành phố Hà Tiên của tỉnh Kiên Giang), với hơn 140 hòn đảo lớn, nhỏ.

Trong đó có 5 quần đảo lớn: An Thới, Thổ Chu, Nam Du, Bà Lụa và Hải Tặc. Đây là vùng biển có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế - chính trị, quốc phòng, an ninh, được giao cho Bộ tư lệnh Vùng 5 Hải quân là lực lượng nòng cốt quản lý, bảo vệ. Chuyến công tác lần này của đoàn đến thăm và chúc Tết các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân 5 đảo: Thổ Chu, Hòn Khoai, Hòn Chuối, Nam Du, Hòn Đốc”.

Vận chuyển quà Tết lên đảo Thổ Chu.

Trên con tàu số hiệu 924 thuộc Hải đội 511, Lữ đoàn 127, Vùng 5 Hải quân, chúng tôi đến với điểm đảo đầu tiên trong hành trình là đảo Thổ Chu. Đảo Thổ Chu có diện tích khoảng 14km2, nằm cách Phú Quốc hơn 100km, là đảo lớn nhất trong 8 hòn đảo thuộc quần đảo Thổ Chu.

Ngoài cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể của xã Thổ Châu, trên đảo có các đơn vị dân sự và quân đội đứng chân. Trên đảo hiện có 536 hộ với 1.836 nhân khẩu, người dân trên đảo sinh sống chủ yếu bằng nghề nuôi trồng, khai thác hải sản và kinh doanh buôn bán. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn cơ bản ổn định.

Đoàn đại biểu thực hiện nghi lễ chào cờ trên đảo Hòn Khoai.

Rời đảo Thổ Chu, chúng tôi đến Đảo Hòn Khoai nằm ở phía Đông Nam mũi Cà Mau thuộc địa bàn xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, có diện tích khoảng 4km2, nằm cách đất liền khoảng 14km; điểm cao nhất so với mực nước biển khoảng 318m. Hòn Khoai là một đảo có điều kiện tự nhiên rất phong phú; đồng thời có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh.

Nơi đây được ví như một trạm tiền tiêu canh giữ vùng trời, vùng biển và dải đất phía Tây Nam của Tổ quốc. Hòn Khoai không chỉ được biết đến với phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, đa dạng mà còn nổi tiếng với cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai của Anh hùng liệt sĩ Phan Ngọc Hiển trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và ngọn hải đăng hơn 100 tuổi được xây dựng từ thời Pháp thuộc.

Hòn Khoai là đảo không có dân cư sinh sống, hiện nay trên đảo có các lực lượng của Vùng 5 Hải quân, Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau, Trạm Hải đăng Hòn Khoai (Bộ Giao thông vận tải) và Hạt Kiểm lâm Hòn Khoai (Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau) đứng chân. Thời tiết khí hậu ở đây tương đối khắc nghiệt, hiện chưa có phương tiện giao thông khai thác ra tuyến đảo Hòn Khoai nên việc đi lại của các lực lượng trên đảo còn rất nhiều khó khăn. Để đến với cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng trên đảo, đoàn công tác đã phải di chuyển từ Tàu 924 sang thuyền nhỏ để vào đảo, sau đó đoàn tiếp tục hành quân thêm quãng đường dốc khoảng 3km.

Lớp học tình thương trên đảo Hòn Chuối do Thiếu tá QNCN Trần Bình Phục đứng lớp.

Trong khi đó, Hòn Chuối là một trong những đảo tiền tiêu quan trọng phía Tây Nam của Tổ quốc; đồng thời là một trong năm đảo của Đề án "Xây dựng đảo Thanh niên toàn quốc giai đoạn 2013-2020" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 24-1-2014. Đảo Hòn Chuối thuộc thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, nằm cách đất liền gần 32km về phía Tây, diện tích đảo khoảng 7km2, điểm cao nhất so với mực nước biển là gần 170m.

Hiện nay trên đảo có 1 tổ nhân dân tự quản với gần 70 hộ dân và hơn 200 nhân khẩu, người dân sinh sống trên đảo chủ yếu bằng nghề nuôi cá lồng và đánh bắt thủy hải sản. Trên đảo chưa có trạm y tế và hệ thống trường học quốc gia, để trẻ em trên đảo được học tập, tổ nhân dân tự quản đã phối hợp với Đồn Biên phòng 704 (Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau) và Trạm Radar 615 (Trung đoàn 551, Vùng 5 Hải quân) mở một lớp học tình thương do đồng chí Thiếu tá QNCN Trần Bình Phục, Đội phó Đội công tác vận động quần chúng Đồn Biên phòng Hòn Chuối đứng lớp. Hiện nay, lớp học tình thương với các em học sinh từ lớp 1 đến lớp 7 đã được công nhận là một điểm trường trong hệ thống giáo dục của Thị trấn Sông Đốc.

Các chiến sĩ trên đảo Nam Du.

Khác với Hòn Chuối, quần đảo Nam Du có cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khá tốt, với hệ thống cầu cảng, đường giao thông vòng quanh đảo, trường học, trạm y tế và các công trình an sinh xã hội. Quần đảo Nam Du còn được ví như Vịnh Hạ Long trên vùng biển Tây Nam của Tổ quốc với 21 hòn đảo lớn, nhỏ, trong đó 11 đảo có cư dân sinh sống, hai đơn vị hành chính cấp xã là xã An Sơn và xã Nam Du.

Hiện trên hai xã đảo của quần đảo Nam Du có hơn 1.100 hộ dân với hơn 4.100 nhân khẩu. Đến Nam Du, đoàn đại biểu đã dâng hương tưởng niệm các nạn nhân cơn bão số 5 và đến thăm, tặng quà các cán bộ, chiến sĩ Trạm Radar 600, Tiểu đoàn 551, Vùng 5 Hải quân, cùng tham gia gói bánh chưng với các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nơi đây.

Chiến sĩ trên đảo Hòn Đốc chăm sóc cây hoa trong đơn vị.

Điểm đảo cuối cùng chúng tôi đặt chân đến là Hòn Đốc. Đảo lớn nhất trong số 16 đảo nằm trong quần đảo Hải Tặc, nằm cách đất liền khoảng 20km với diện tích 11km2. Hiện trên đảo còn lưu giữ cột mốc chủ quyền được xây dựng tại phía Tây của đảo năm 1958. Hòn Đốc có vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên rất thuận lợi, nơi có nhiều tuyến đường giao thông quan trọng giữa hai nước Việt Nam và Campuchia. Đây là bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền quốc gia và biên giới biển, đảo của Tổ quốc ta. Trên đảo hiện có gần 450 hộ dân, với hơn 1.700 nhân khẩu.

Tiếp sức cho quân và dân vững vàng trên tuyến đầu

Thượng úy Nguyễn Tuấn Anh, Trạm trưởng Trạm Radar 625 (Trung đoàn 551, Vùng 5 Hải quân) cho biết, những năm qua, nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các địa phương và doanh nghiệp, cuộc sống sinh hoạt, công tác của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo vùng biển Tây Nam trong đó có Hòn Đốc đang ngày càng đổi mới và phát triển.

Trong tình cảm chung của đất liền hướng về biển đảo, Trạm Radar 625 đã được hỗ trợ xây dựng những công trình như: Vườn tăng gia, bể nước, bờ kè, các trang thiết bị phục vụ sinh hoạt, công tác của bộ đội. Hiện nay, những công trình, trang thiết bị do các địa phương, doanh nghiệp trao tặng đang hoạt động rất hiệu quả, đã góp phần thiết thực, ý nghĩa trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ. Qua đó, tiếp tục động viên quân và dân đảo Hòn Đốc nói chung và Trạm Radar 625 nói riêng khắc phục mọi khó khăn, xây dựng xã đảo phát triển, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Tây Nam của Tổ quốc.

Chị Trần Mỹ Hằng (22 năm sống trên đảo Hòn Chuối) phơi khô cá để làm thức ăn và bán cho các ghe, tàu vận chuyển vào đất liền.

Còn chị Trần Mỹ Hằng, quê Bến Tre, sinh sống 22 năm cùng chồng trên đảo Hòn Chuối chia sẻ: “Đảo Hòn Chuối có địa hình rất phức tạp, độ dốc cao, điều kiện khí hậu ở đây rất khắc nghiệt, điều kiện sinh hoạt, đi lại của người dân trên đảo còn rất nhiều khó khăn. Những năm qua, nhận được sự hỗ trợ của các đoàn công tác từ đất liền, cuộc sống của người dân trên đảo, trong đó có gia đình tôi đã được cải thiện rất nhiều. Bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, các cán bộ, chiến sĩ trên đảo cũng rất tích cực hỗ trợ người dân từ việc xây nhà, hướng dẫn nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản để phát triển kinh tế cho đến việc dạy học cho các con em tại đảo. Những sự hỗ trợ kịp thời này đã giúp người dân chúng tôi yên tâm sinh sống nơi đảo xa”.

Cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo Nam Du gói bánh chưng.

Tham gia cùng đoàn công tác đến với các đảo tiền tiêu Tây Nam, bà Nguyễn Thị Phượng, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) bày tỏ: “Được chứng kiến sự gắn bó tình quân dân, sự thay đổi về đời sống và cơ sở vật chất của các lực lượng đứng chân và người dân trên các đảo, chúng tôi rất cảm động và phấn khởi. Thời gian qua, Agribank ngoài nhiệm vụ của một ngân hàng góp phần phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, đã luôn đồng hành với các lực lượng ở các tuyến biên giới và hải đảo”.

Tính đến nay, Agribank đã hỗ trợ cho 25.000 phương tiện đánh bắt cá xa bờ, giúp ngư dân bám biển ở các ngư trường truyền thống góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo. Dịp này, Agribank cũng đã trao quà Tết trị giá gần 800 triệu đồng tặng các cán bộ, chiến sĩ Bộ tư lệnh Vùng 5 Hải quân và các cán bộ, chiến sĩ, nhân dân các đảo: Thổ Chu, Hòn Khoai, Hòn Chuối, Nam Du, Hòn Đốc.

Chiến sĩ trên đảo Nam Du bày bàn thờ Bác Hồ ngày Tết.

Cảm ơn những tấm lòng hảo tâm của đoàn đại biểu các tỉnh, thành phố phía Nam và Ngân hàng Agribank, Chuẩn đô đốc Nguyễn Hữu Thoan, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ tư lệnh Vùng 5 Hải quân nhấn mạnh: Đây là sự quan tâm đặc biệt, là tình cảm sâu sắc của Đảng bộ, chính quyền, ban ngành, đoàn thể và nhân dân các địa phương, các doanh nghiệp hướng về biển, đảo trong những ngày giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Những tình cảm đó là nguồn cổ vũ, động viên, khích lệ rất lớn, tiếp thêm sức mạnh cho cán bộ, chiến sĩ Bộ tư lệnh Vùng 5 Hải quân - những người lính biển kiên trung đang ngày đêm chắc tay súng, vững vàng trên tuyến đầu, quyết tâm bảo vệ vững chắc từng tấc đảo, sải biển thiêng liêng của Tổ quốc.

Sau 5 ngày với hải trình hơn 600km, qua 5 đảo, đoàn công tác cập cảng ở Phú Quốc, hoàn thành chuyến đi đầy ý nghĩa, mang Tết ấm, xuân về cùng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nơi biển trời Tây Nam của Tổ quốc.

Bài và ảnh: LA DUY

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/quoc-phong-toan-dan/dat-lien-huong-ve-dao-xa-noi-vung-bien-tay-nam-764687