Đất lành Hải Lăng

45 năm sau ngày quê hương được hoàn toàn giải phóng, 30 năm kể từ thời điểm chia tách từ huyện Triệu Hải và trở lại với tên gọi ban đầu, Hải Lăng đã có sự chuyển mình mạnh mẽ. Mảnh đất một thời bom cày, đạn xới đã trở thành 'nơi muốn đến, chốn mong về'.

Ngày hội đua thuyền ở huyện Hải Lăng. Ảnh: Q.H

Hồi sinh từ đạn bom

Những ngày qua, người dân huyện Hải Lăng rất vui mừng khi thấy trên bầu trời xanh ngắt của quê hương từng đàn cò nhạn tìm đến. Những cánh cò chao lượn tô điểm thêm bức tranh quê thanh bình. Ban ngày, đàn chim có tên trong Sách đỏ Việt Nam kiếm ăn trên những cánh đồng, đêm về ngủ tại các lùm cây, khu rừng. Để bảo vệ đàn cò nhạn, UBND huyện Hải Lăng đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, xã, thị trấn trên địa bàn tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân. Thế nhưng, trước khi có văn bản của lãnh đạo UBND huyện, người dân địa phương đã nêu cao ý thức bảo vệ đàn chim quý. Bởi, ai cũng vui khi thấy những chú cò chọn đất lành quê hương mình để làm điểm đến.

Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, nguyên Bí thư Huyện ủy Hải Lăng Lê Văn Hoan (năm nay đã 89 tuổi) cũng nhắc đến hình ảnh những đàn chim tìm đến, trở về. Ông Hoan sinh ra và lớn lên ở xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng. Tuổi thơ ông yên ả trôi nơi miền quê đầy chim muông, cây trái. Lớn lên, thấy cảnh nước mất, nhà tan, ông Hoan sớm giác ngộ lý tưởng, đi theo cách mạng, đứng vào hàng ngũ của Đảng, rồi nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng của huyện, tỉnh. Trong số các Bí thư Huyện ủy Hải Lăng, đến nay, ông là người giữ “kỷ lục” có nhiều năm đảm nhiệm chức vụ quan trọng này nhất. Ông Hoan nhớ như in, ngày 19/3/1975, huyện Hải Lăng được giải phóng. Bấy giờ, đất quê ông mang nặng vết thương chiến tranh, tưởng chừng không mầm xanh nào có thể mọc được trên đất này. Vậy mà giữa bộn bề khó khăn đó, những đàn chim từ đâu vẫn bay về chao nghiêng giữa trời quê như báo hiệu ngày mai tươi sáng.

Chỉ ít ngày sau khi quê hương giải phóng, ông Lê Văn Hoan phấn khởi đón người dân đi sơ tán từ Cam Lộ, Gio Linh trở về. Từ Huế, Đà Nẵng, bà con nghe tin thắng trận cũng quay lại nơi chôn nhau, cắt rốn. Niềm vui chiến thắng và sự tin tưởng về ngày mai tươi sáng đã giúp lãnh đạo và người dân Hải Lăng thời bấy giờ vững vàng vượt qua mọi thử thách, khó khăn. Họ bắt tay dựng lều lán để ở. Nơi nào đội thanh niên rà phá bom mìn cắm cờ báo an toàn, ở đó những hạt giống được bà con vun trồng, nảy nở. Cũng từ đây, những bữa quắt quay đói dần lùi vào ký ức. “Đó là giai đoạn khí thế của người dân Hải Lăng dâng cao. Tất cả chủ trương, chính sách của cấp trên đều được bà con thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả. Nhiều lúc tôi nghĩ rằng, thời điểm đó nếu có giao nhiệm vụ vá trời, lấp biển thì chúng tôi cũng hoàn thành”, ông Hoan chia sẻ.

Người dân huyện Hải Lăng tham gia lễ hội phá trằm. Ảnh: Q.H

Sau này, khi được phân công giữ các chức vụ cao hơn như: Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, rồi đến lúc nghỉ hưu, ông Lê Văn Hoan vẫn thường xuyên thu xếp thời gian về thăm quê. Điều khiến ông vui nhất là quê hương ngày càng thay da, đổi thịt. Mảnh đất bom cày, đạn xới năm xưa giờ xanh tươi cây trái. Những công trình điện, đường, trường, trạm mọc lên báo hiệu cuộc sống đã sang trang. Trong từng nếp nhà, người dân không còn “ăn bữa nay, lo bữa mai” mà đã “ăn ngon, mặc đẹp”. Con em Hải Lăng nổi tiếng hiếu học. Ba gương mặt học sinh tiêu biểu mới đây của Hải Lăng là: Văn Viết Đức, Phan Đăng Nhật Minh, Lê Thanh Tân Nhật từng góp mặt trong trận chung kết cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia”. Trong đó, Viết Đức, Nhật Minh xuất sắc giành vòng nguyệt quế của năm, còn Tân Nhật về Nhì. Một điều đáng quý khác là trải qua bao biến thiên, thăng trầm, người dân Hải Lăng vẫn sống trọn nghĩa, vẹn tình. Bà con không bao giờ quên nền móng vững chắc của quê hương hôm nay kết tinh từ máu, mồ hôi, nước mắt của lớp người đi trước để rồi tự giác tri ân bằng việc làm cụ thể.

Nhân lên niềm hy vọng

Là một người con của quê hương Hải Lăng, Quyền Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng Phạm Đình Lợi hiểu sâu sắc những vất vả, hy sinh của thế hệ đi trước. Ông nhận thức rõ, để tri ân ông cha, việc làm ý nghĩa nhất chính là huy động sức mạnh cả hệ thống chính trị và người dân để xây dựng quê hương thêm to đẹp, đàng hoàng.

Chia sẻ về bước tiến của huyện trong thời gian qua, ông Phạm Đình Lợi khẳng định, so với thời mới giải phóng hay khi tách ra từ huyện Triệu Hải, Hải Lăng đã thực sự “cất cánh”. Một minh chứng sinh động là mảnh đất đạn bom năm xưa đã trở thành “vựa lúa” của tỉnh với 7 năm liên tục được mùa. Sống ở vùng “rốn lũ”, trước đây, người dân địa phương thường xuyên đối diện với cảnh thất bát. Trong khó khăn, bà con đã biết cách điều chỉnh lịch thời vụ để tránh lũ, chuyển sang canh tác tự nhiên, cơ giới hóa sản xuất… Không còn mất gần 2 tháng trời để làm đất, gieo cấy, người dân giờ gói gọn công việc này trong tầm 2 tuần. Cũng với khoảng thời gian ấy, bà con hoàn thành rốt ráo việc gặt hái. Không chỉ chứng minh sự phát triển bằng hạt lúa trên đất cằn, Hải Lăng đã vươn mình lớn dậy ở mọi lĩnh vực. Phần lớn các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của huyện đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, năm sau cao hơn năm trước. Cuộc sống của người dân đã thực sự sang trang. Thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 55 triệu đồng/người/năm. Tỉ lệ giảm nghèo bình quân hằng năm của huyện giảm 1,57%.

Thị trấn Diên Sanh, Hải Lăng về đêm. Ảnh: Q.H

Từng rời quê vì khó khăn, hôm nay, những người con của Hải Lăng đã trở về làm giàu trên chính quê hương mình. Ở xã Hải Xuân, câu chuyện vợ chồng anh Phan Nguyễn Thanh Chương vẫn được bà con nhắc đến. Sau khi kết hôn, anh Chương và vợ quyết định đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản để kiếm đồng vốn lập nghiệp. Nhờ cần mẫn tích góp vốn và kinh nghiệm, giờ đây anh chị đã biến ước mơ thành hiện thực. Công ty TNHH May Xuân Trung do vợ chồng anh Chương gây dựng đang tạo việc làm thường xuyên cho 45 lao động. Sản phẩm của công ty đến tay khách hàng nhiều nước trên thế giới. Anh Chương cho biết: “Cũng như nhiều con em Hải Lăng khác, quê hương luôn là miền thương nhớ đối với tôi. Trong khó khăn, chúng tôi đi làm ăn xa để kiếm đồng vốn, nay trở về để cống hiến. Không gì hạnh phúc bằng được làm giàu trên quê hương, cho quê hương”.

Không chỉ dang vòng tay đón những người con trở về, Hải Lăng còn mở cửa chào mời những nhà đầu tư lớn. Chưa tính các dự án đầu tư tại Khu Kinh tế Đông Nam, huyện Hải Lăng vừa thu hút thêm 17 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký 1.055 tỉ đồng. Trong số đó, có 12 dự án đầu tư vào 3 cụm công nghiệp: Diên Sanh, Hải Thượng, Hải Chánh, đưa tổng số dự án trong các cụm công nghiệp trên địa bàn lên con số 23, giải quyết việc làm thường xuyên cho 2.500 lao động. Tỉ lệ lấp đầy ba cụm công nghiệp của huyện được nâng lên với 77,8% ở Cụm Công nghiệp Diên Sanh; 54,7% ở cụm Công nghiệp Hải Thượng và 32,5% ở Cụm Công nghiệp Hải Chánh. Có chiến lược tốt để khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, mỗi dự án đầu tư đều mang lại rất nhiều niềm tin, hy vọng.

45 năm trôi qua kể từ ngày quê hương được hoàn toàn giải phóng, mảnh đất Hải Lăng đã chuyển mình, vươn lên mạnh mẽ như chính con người nơi đây. Lãnh đạo huyện Hải Lăng qua các thời kỳ đã làm được một việc vô cùng quan trọng là huy động sức dân để biến mọi khó khăn, thách thức thành cơ hội. Đó cũng chính là cơ sở để mọi người tin rằng Hải Lăng sẽ tiếp tục vươn cao, vươn xa, thực sự là đất lành, “nơi muốn đến, chốn mong về”.

Quang Hiệp

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=147990