Đất lành chim đậu

Tập trung nguồn lực hoàn thành mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, thời gian qua, tỉnh Phú Thọ luôn quan tâm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động. 'Đất lành chim đậu', theo thời gian, số lượng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư vào tỉnh ngày càng tăng cao, thiết thực đưa Phú Thọ trở thành điểm đến hấp dẫn, tin cậy của các nhà đầu tư.

Sản xuất thiết bị và linh kiện điện tử tại Công ty TNHH BANDO VINA (Khu công nghiệp Thụy Vân, thành phố Việt Trì).

Miền đất giàu tiềm năng

Đến hết năm 2023, Phú Thọ đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 1.170 dự án DDI, 192 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 176.678,7 tỷ đồng và 3.093,6 triệu USD; đã có 859 dự án hoàn thành đầu tư đi vào hoạt động, trong đó 687 dự án DDI vốn thực hiện 44.530 tỷ đồng và 172 dự án FDI vốn đầu tư 2.285 triệu USD.

Trong năm 2023, tỉnh đã cấp chủ trương cho 50 dự án DDI với tổng vốn 6.906 tỷ đồng (bằng 137% so với cùng kỳ); 6 dự án FDI với tổng vốn 51 triệu USD. Toàn tỉnh có 1.024 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 13.194 tỷ đồng nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn lên 11.604 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh với tổng vốn đăng ký 107.978 tỷ đồng.

Sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh mẽ, lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao phát triển tích cực, tạo động lực tăng trưởng quan trọng cho kinh tế của tỉnh. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 17,3% so cùng kỳ, đứng thứ 3/63 tỉnh, thành phố và đứng thứ 2/14 tỉnh trong vùng Trung du miền núi phía Bắc. Cải cách hành chính được chú trọng, tạo thuận lợi giải quyết nhanh chóng các thủ tục đầu tư, đất đai, chuyển sử dụng đất...

Kết quả này có được là nhờ sự vào cuộc quyết liệt với hàng loạt các giải pháp đồng bộ, hữu hiệu của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ như ưu đãi thuế, giảm giá lãi suất và các biện pháp khác để thúc đẩy tăng trưởng ngành công nghiệp. Tỉnh Phú Thọ đã tích cực thực hiện công tác cải cách hành chính gắn với trách nhiệm người đứng đầu; nâng cao hiệu lực, hiệu quả kỷ luật, kỷ cương hành chính, trọng tâm là rà soát, ban hành quy trình, thủ tục đầu tư rõ ràng, minh bạch; giảm tối đa thủ tục, thời gian, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư và thu hút đầu tư.

Gia công sản phẩm cơ khí chính xác tại Công ty TNHH Công nghệ Cosmos 1 (Khu công nghiệp Thụy Vân, thành phố Việt Trì).

Nhiều dự án lớn được bổ sung thêm năng lực mới, hoàn thành đầu tư xây dựng cơ bản, chính thức đi vào hoạt động, bắt đầu có doanh thu, tạo tăng trưởng mạnh mẽ cho sản xuất công nghiệp của tỉnh như: Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử Namuga Phú Thọ; Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử JNTC Vina; Nhà máy sản xuất hàng may mặc xuất khẩu Yida Việt Nam; Nhà máy sản xuất dệt may Thygesen Việt Nam; Nhà máy sản xuất linh kiện điện thoại của Công ty Almus Vina; Nhà máy sản xuất và gia công module bộ nhớ cho máy chủ và máy tính cá nhân của Tập đoàn Hanyang DGT PTE. LTD;...

Các dự án này của nhiều nhà đầu tư chiến lược đến từ nhiều quốc gia như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và khu vực Hồng Kông, Đài Loan (Trung Quốc)... Tỉnh đã đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, làm việc với các tập đoàn lớn như: Sojitz, BYD, Wingtech, Foxconn, Blackstone minerals Australia... và lựa chọn được các nhà đầu tư vào các ngành công nghiệp, công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn như: Công ty Hanyang Digitech Vina; Công ty TNHH công nghệ Namuga, Công ty TNHH Innochip Vina, Công ty TNHH JNTC Vina...

Đón “sóng” đầu tư

Ngoài lợi thế về địa lý, tài nguyên thiên nhiên, kinh tế, xã hội,... yếu tố quan trọng trong thu hút các doanh nghiệp là sự tin cậy về cơ chế, chính sách. Những năm gần đây, môi trường đầu tư ở Phú Thọ ngày càng được cải thiện theo hướng minh bạch, cởi mở, thuận lợi và thân thiện, sẵn sàng đón nhà đầu tư. Phú Thọ cam kết “luôn lắng nghe, chia sẻ, đồng hành cùng doanh nghiệp” thông qua các cơ chế, chính sách đặc biệt về ưu đãi, thu hút đầu tư và hoạt động xúc tiến đầu tư... Đây chính là những lợi thế góp phần đưa Phú Thọ trở thành điểm sáng về thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp ở khu vực các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc.

Không chỉ chờ nhà đầu tư để “trải thảm đỏ”, với mục tiêu cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tỉnh đã tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư; chuyển từ hình thức thụ động sang chủ động tích cực, mời gọi các nhà đầu tư. Năm 2023, tỉnh tổ chức xúc tiến đầu tư tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và tiếp đón 60 lượt doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, CHLB Đức đến tìm hiểu môi trường đầu tư kinh doanh tại tỉnh như: Hiệp hội doanh nghiệp điện tử, điện thoại di động Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam; Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn kinh doanh Vnocean (Thâm Quyến, Trung Quốc); Tập đoàn Sojitz (Nhật Bản); Tập đoàn Amata (Thái Lan); Phòng công nghiệp và thương mại nam Thuringa và các doanh nghiệp bang Thuringa (CHLB Đức)...

Công ty TNHH Hwa Sung Vina (Khu công nghiệp Cẩm Khê) chuyên sản xuất linh kiện điện tử phục vụ xuất khẩu.

Hiện nay có làn sóng đầu tư mới đang vào Việt Nam, nhà đầu tư quan tâm đến mặt bằng, nguồn nhân lực, hạ tầng, công nghiệp phụ trợ, chính sách hỗ trợ của địa phương. Hội tụ đủ các yếu tố thuận lợi đó, Phú Thọ cũng xác định danh mục các dự án, ngành, lĩnh vực, địa bàn phù hợp để thu hút đầu tư gắn với phát triển kinh tế bền vững, giải quyết hài hòa các vấn đề xã hội, bảo đảm môi trường sinh thái, an ninh, quốc phòng. Với những điều kiện thuận lợi, chính sách cởi mở, môi trường đầu tư thông thoáng, khi tỉnh thu hút được các dự án lớn, nhiều nhà đầu tư khác sẽ đến với Phú Thọ, tạo thành “làn sóng” đầu tư vào tỉnh.

Đồng chí Trịnh Thế Truyền-TUV, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: “Dự báo, trong năm 2024, tình hình an ninh chính trị, kinh tế thế giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp và khả năng phục hồi chậm, do đó, ảnh hưởng rất lớn tới tình hình hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu... Những yếu tố đó sẽ tác động đến cộng đồng kinh doanh của các doanh nghiệp. Vì vậy, tỉnh sẽ tiếp tục chủ động công tác xúc tiến đầu tư, thủ tục đầu tư các nhà đầu tư lớn, tập đoàn đa quốc gia; ưu tiên các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đối ngoại, hạ tầng khu, cụm công nghiệp và chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.

Đồng thời, thực hiện tốt yêu cầu đổi mới, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo thông thoáng, minh bạch, hiệu quả; gắn trách nhiệm thực thi công vụ ở tất cả các cấp, các ngành; nâng cao năng lực kiểm tra, giám sát, phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, cán bộ, công chức trong đồng hành, hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp. Xác định danh mục các dự án, ngành, lĩnh vực, địa bàn phù hợp để thu hút đầu tư gắn với phát triển bền vững, giải quyết hài hòa các vấn đề xã hội, bảo đảm môi trường sinh thái, quốc phòng - an ninh”.

Thúy Hằng

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/kinh-te/dat-lanh-chim-dau/204938.htm