Đất hiếm ở Việt Nam: Trữ lượng không lớn như ước đoán?

Thông tin về việc Việt Nam bàn thảo với Nhật Bản về hợp tác khai thái đất hiếm đã làm nhiều người rất vui, bởi cánh cửa của “kho vàng” trên có vẻ như đang được mở. Nhưng trữ lượng đất hiếm của VN có bao nhiêu thì đang tranh cãi.

Khai thác quặng đất hiếm Sự phấn khởi này, thoạt tiên là điều dễ hiểu, bởi lâu nay Việt Nam - được xem là một trong ít quốc gia sở hữu nguồn tài nguyên quý giá này, nhưng chúng ta vẫn chưa chưa tận dụng được lợi thế đó. Theo TS Nguyễn Thành Sơn, chuyên gia về địa chất và mỏ, đất hiếm là nguyên liệu đầu vào của những ngành công nghiệp công nghệ cao, điển hình là việc sử dụng làm vật liệu cho sản xuất ổ cứng máy vi tính, các linh kiện bán dẫn, siêu dẫn, cáp quang, đặc biệt là vật liệu quan trọng trong sản xuất tàu vũ trụ…Hiện Việt Nam cũng đã nghiên cứu sử dụng đất hiếm trong các lĩnh vực nông nghiệp, chế tạo nam châm vĩnh cửu, chế tạo hợp kim gang, thép, thủy tinh, bột màu... nhưng đến nay vẫn chỉ dừng lại ở quy mô phòng thí nghiệm. Trước đây, Trung Quốc là nước XK đất hiếm nhiều nhất trên thế giới, với sản lượng năm 2009 ước khoảng 100 nghìn tấn, thị trường là Nhật Bản. TS Sơn cho rằng, Nhật Bản cũng chỉ mua đất hiếm của Trung Quốc về cất giữ, chứ chưa sử dụng. Thời điểm XK nhiều đất hiếm, Trung Quốc chưa chú trọng đến phát triển công nghệ cao. Nhưng hiện tại, nước này đã nhận thức được tầm quan trọng của đất hiếm nên tạm dừng XK để sử dụng cho tương lai. Theo tài liệu của Sở Địa chất Mỹ công bố liên tục trong nhiều năm gần đây thì thế giới có tổng tài nguyên đất hiếm là 150 triệu tấn. Trung Quốc là nước có trữ lượng lớn nhất, khoảng 89 triệu tấn, tiếp theo là các nước khối SNG (21 triệu tấn), sau đó đến Ấn Độ (1,3 triệu tấn), Brazil (0,84 triệu tấn)… Còn tại Việt Nam, nhiều nguồn tin cho rằng, ước tính trữ lượng tài nguyên quý này của Việt Nam có thể từ 17 đến 22 triệu tấn. Tuy nhiên, trao đổi với NNVN, PGS-TS Nguyễn Khắc Vinh, Chủ tịch Tổng hội Địa chất Việt Nam cho biết: “Hiện chưa có chương trình nghiên cứu đánh giá tổng thể về trữ lượng đất hiếm ở Việt Nam, song các nghiên cứu nhỏ lẻ cho thấy lượng khoáng sản này không dồi dào như chúng ta tưởng”. Theo ông Vinh, các kết quả nghiên cứu tìm kiếm từ năm 1958 đến nay đã phát hiện được nhiều điểm tụ khoáng đất hiếm ở Bắc Nậm Xe, Nam Nậm Xe, Đông Pao (thuộc tỉnh Lai Châu), Mường Hum (Lào Cai) và Yên Phú (Yên Bái). Tại dọc bờ biển miền Trung cũng phát hiện quặng Monazit, Xenotim đi kèm với Ilmenhit trong sa khoáng ven biển. Dù nhiều tài liệu đưa ra con số trữ lượng đất hiếm hiện có của Việt Nam khoảng khoảng từ 17 đến 22 triệu tấn, song ông Vinh cho rằng đây không phải là con số chính xác. “Những năm trước đây, hàng năm Cục Địa chất khoáng sản (Bộ TN-MT) có xin kinh phí khoảng một tỷ đồng nhưng chỉ được phê duyệt khoảng 500-600 triệu đồng nên việc đánh giá thăm dò chưa đến nơi, đến chốn”, ông Vinh phân trần. Đồng ý với ý kiến ông Vinh, TS Nguyễn Thành Sơn cũng cho rằng, xét về yếu tố không gian, trữ lượng rất khó có thể lớn. Mặc khác, "đất hiếm phải có quá trình hình thành hàng chục triệu năm, mà ở các lục địa già như châu Âu mới nhiều, chứ riêng Việt Nam thì chắc chắn trữ lượng không lớn như ta tưởng" - ông Sơn khẳng định Cũng theo TS Sơn, nếu Việt Nam khai thác đất hiếm để bán, tức là sử dụng cho mục đích thương mại, ngay thời điểm này, thì chúng ta cũng chỉ dừng lại ở việc xuất thô, tức là khai thác xong để bán, chứ không thể tinh luyện các thành tố có trong đất hiếm- TS Sơn cho biết.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-vn/61/158/1/15/15/61804/default.aspx