Dạt dào tình cảm những vần thơ về quê hương Cách mạng Tháng Mười

Liên Xô là quê hương của V.I.Lênin, của Cách mạng Tháng Mười. Đất nước này còn là thành trì hòa bình của thế giới, là ngọn cờ cổ vũ cho phong trào công nhân quốc tế và phong trào giải phóng dân tộc. Bởi vậy, những vần thơ của các thi sĩ Việt Nam về quê hương Cách mạng Tháng Mười luôn chứa chan một tình cảm đặc biệt.

Người dân và lực lượng khởi nghĩa diễu hành tại Saint-Peterburg chúc mừng thành công của cuộc Cách mạng ngày 07/11/1917 (Ảnh: Internet)

Chứa chan tình cảm đặc biệt

Viết về Cách mạng Tháng Mười Nga, nhà thơ Tố Hữu dành một tình cảm đặc biệt thiêng liêng: Cách mạng Tháng Mười/ Đảng Cộng sản Liên Xô từ đó/ Với Lê-nin, làm lại loài người/ Với Lê-nin, làm thế kỷ hai mươi/ Trong đêm tối, mở chân trời hừng hực” (Với Lê-nin, 1958)

Hay Ta sống lại, làm người, được sống/ Ta đứng lên vĩnh viễn là người/ Trái đất bỗng giật mình chuyển động/ Từ hôm nay, Cách mạng Tháng Mười (Bay cao, 1959). Trời sắp rạng đông/ Lê-nin bước đi, sôi nổi, giữa rừng thông/ Cỏ đồng ngập lối/ Mà như cùng muôn triệu công nông/ Xông vào Cung điện Mùa Đông (Lều cỏ Lê-nin, 1970).

Nhà thơ Chế Lan Viên thì đúc kết về cuộc cách mạng vĩ đại nhất lịch sử nhân loại như một bước nhảy vọt của lịch sử: “Kìa mặt trời Nga bừng chói ở phương Đông/ Cây cay đắng đã ra mùa quả ngọt/ Người cay đắng đã chia phần hạnh phúc/ Sao vàng bay theo liềm búa công nông” (Người đi tìm hình của nước, 1960).

Viết về V.I.Lênin, nhà thơ Chế Lan Viên miêu tả sinh động về vai trò của Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin đối với cách mạng Việt Nam: “Luận cương đến Bác Hồ. Và Người đã khóc/ Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lê-nin/ Bốn bức tường im nghe Bác lật từng trang sách gấp/ Tưởng bên ngoài, đất nước đợi mong tin” (Người đi tìm hình của nước, 1960).

Còn nhà thơ Tố Hữu cảm nhận rằng V.I.Lênin sống mãi trong sự nghiệp của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới: “Tôi đã đi/ Giữa mùa hè chín mẩy/ Xi-bê-ri hay Tbi-li-xi/ Đâu đâu tôi cũng thấy Lê-nin/ Mỗi công trường xưởng máy/ Lê-nin, ấy là lò thép chảy/ Thành những óc tim, lửa cháy bừng bừng/ Trên thảo nguyên, đồng nội, núi rừng/ Lê-nin, ấy là nguồn điện lực/ Với Xô Viết, làm thiên đường sáng rực!/ Khắp những nẻo đường náo nức tôi đi/ Hiển hiện Lê-nin phơi phới diệu kỳ” (Với Lê-nin, 1958).

Ca ngợi những đóng góp

Viết về những ngày của cuộc chiến chống lại phe phát xít của Liên Xô, nhà thơ Tố Hữu đã ca ngợi: Diệu kỳ thay! Hai trăm ngày Xta-li-grát/ Nở muôn năm một thế giới hồng và Pháo đài đây, ngôi nhà Pav-lốp/ Năm mươi tám ngày bão sắt, chẳng rung./ Anh lính trẻ vào Bá-linh cùng tướng quân Chu-cốp/ Chẳng biết đâu mình cũng anh hùng! (Sta-lin-grát, một ngày xuân, 1970).

Bên cạnh đó, Liên Xô còn là thành trì hòa bình của thế giới, là ngọn cờ cổ vũ cho phong trào công nhân quốc tế và phong trào giải phóng dân tộc. Nhà thơ Chế Lan Viên đã viết về tinh thần quốc tế của Liên Xô với tình đồng chí thân thiết: Những đồng chí Liên Xô/ Xưởng thợ hay đồng nho…/ Các anh vừa ra khỏi máu/ Vẫn bừng bừng chiến đấu/ Cho Triều Tiên, Việt Nam/ Đổ mồ hôi trên máy, tăng giờ làm/ Tiếp sức sống cho những miền khói lửa.../ Mắt các anh là vì sao đỏ.../ Trong đêm chúng tôi, chói dọi huy hoàng...” (Những đồng chí chúng ta, 1952).

Lúc còn sống, V.I.Lênin luôn quan tâm đến việc “điện khí hóa” nước Nga rộng lớn 1/6 địa cầu. Trong đó, xây dựng các nhà máy thủy điện để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho nhân dân lao động là ước mơ từ lâu của V.I.Lênin. Bởi vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất vui mừng và làm thơ ca ngợi về thủy điện của Liên Xô: Kênh đào Vônga - Đông,/ Hôm nay mừng thành công,/ Mấy xưởng điện khổng lồ/ Tung điện ra khắp vùng/ Kênh hơn bảy trăm dặm/ Rất tiện cho giao thông,/ Hăm tám triệu mẫu cát/ Thành ruộng cho nhà nông” (Mừng kênh Vôn-ga Đông hoàn thành, 1952).

Đối với Nhà máy Thủy điện Hòa Bình ở nước ta, 750 chuyên gia Liên Xô đã sát cánh với 30.000 cán bộ, công nhân, 5.000 chiến sĩ, 1.000 cán bộ ban quản lý công trình. Nói về sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô, nhà thơ Quang Huy đã sáng tác bài thơ Tiếng đàn Balalaica trên sông Đà.

Bài thơ viết năm 1979, là thời điểm khởi công Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, có đoạn: Lúc ấy/ Cả công trường say ngủ cạnh dòng sông/ Những tháp khoan nhô lên trời ngẫm nghĩ/ Những xe ủi, xe ben sóng vai nhau nằm nghỉ/ Chỉ còn tiếng đàn ngân nga/ Với một dòng trăng lấp loáng sông Đà./ Ngày mai/ Chiếc đập lớn nối liền hai khối núi/ Biển sẽ nằm bỡ ngỡ giữa cao nguyên/ Sông Đà gửi ánh sáng đi muôn ngả/ Từ công trình thủy điện lớn đầu tiên/ Khi ấy những người bạn Nga sẽ ở đâu/ Hàn cực Véc-khôi-an/ Hay đỉnh cao I-éc-cút?/ Ở những vùng nào trên Liên bang Xô-viết/ Lại mở những công trình thủy điện vẻ vang”.

Hơn 60 năm trước, vào tối ngày 04/10/1957, cả thế giới đã phải ngước nhìn khi Liên Xô phóng Sputnik - vệ tinh nhân tạo đầu tiên trong lịch sử, một thành công vang dội mở đầu cho kỷ nguyên chinh phục vũ trụ của loài người. Nhà thơ Xuân Diệu đã viết về thành tựu khoa học vũ trụ đáng tự hào của Liên Xô: Nay tên lửa đưa lên trời vòi vọi:/ Một hành tinh mang quốc hiệu Liên Xô/ Reo, vui, bay, cả trời đất hoan hô/ Người đã đẻ một đứa con vĩnh viễn!/ Xiềng của đất buộc muôn đời chẳng chuyển,/ Một chiếc lông bay - cũng phải rơi về./ Nay nhổ neo rồi! Rời trái đất ta đi!/ Giữa vũ trụ cắm cờ đầu cộng sản! (Đẻ một hành tinh, 1959).

Cũng trong bài thơ này, tác giả tin tưởng càng về sau, Liên Xô càng đạt nhiều thành tựu hơn và đặc biệt, tác giả nhận định trong tương lai cách mạng xã hội chủ nghĩa sẽ thành công trên phạm vi toàn thế giới: Đây là hạt đầu tiên Ta gieo vào vũ trụ;/ Như nguyên tử lần đầu khi tách nổ,/ Một mầm đầu đến nở giữa đồng sao,/ Sẽ kéo theo muôn Bắc đẩu, Nam tào,/ Sẽ chuyển rúng cả bầu cao, khoảng biếc... / Và trước nhất: một Hành tinh Xô-viết!”./.

Nguyễn Văn Toàn

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/dat-dao-tinh-cam-nhung-van-tho-ve-que-huong-cach-mang-thang-muoi-a166119.html