Đáp án, đề thi nếu sai sót, Bộ trưởng phải cầu thị và sửa sai!

“Nếu đề thi có sai sót, Bộ phải nhận trách nhiệm về việc đó và sửa chữa. Hơn nữa, khi phát hiện sai sót thì cần truy trách nhiệm của người ra đề thi”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nêu quan điểm.

Liên quan đến những sai sót trong việc ra đề thi tại kỳ thi THPT quốc gia 2017 vừa qua, nhiều chuyên gia nhận định đề thi môn trắc nghiệm mà khiến học sinh “bâng khuâng đứng giữa hai dòng nước” thì vô cùng nguy hiểm và ảnh hưởng không nhỏ đến điểm số mà các em đạt được.

Cụ thể, môn tiếng Anh mã đề 421, câu hỏi 3, thí sinh và chuyên gia cho rằng có đến hai đáp án đúng là C và D, môn Vật lý có những mã đề phải đính chính hay môn Lịch sử và Giáo dục Công dân cũng có câu trả lời “nước đôi” khiến học sinh thắc mắc, phản ứng.

Tuy nhiên, trước những thắc mắc của thí sinh, thay vì phúc đáp thỏa đáng trên cơ sở lập Hội đồng thẩm định, bộ GD&ĐT lại chỉ dùng tư vấn của Tổ ra đề “định hướng” cho thí sinh chọn đáp án “duy nhất”.

Xung quanh vấn đề này, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng bộ GD&ĐT, Phó Chủ tịch hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng: “Việc ra đề thi phải đảm bảo tính chính xác, nếu bộ GD&ĐT ra đề thi mà có những sai sót thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về bộ chứ không thể đổ cho học sinh và xã hội”.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng bộ GD&ĐT.

Cũng theo PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ, điều tối kỵ khi ra đề thi trắc nghiệm là một đề thi có nhiều đáp án “nước đôi”. Nếu trong trường hợp một đề thi có 2 đáp án đúng (như báo chí phản ánh về đi thi môn tiếng Anh mã đề 421-PV) thì Bộ phải có phương án, thậm chí phải tổ chức chấm thi lại.

“Nếu như có hai phương án đúng trong một câu hỏi thì Bộ phải lập hội đồng thẩm định lại và đưa ra kết luận cuối cùng. Nếu cả hai đáp án đều đúng thì Bộ cũng phải chấp nhận cả hai phương án để tránh thiệt thòi cho thí sinh.

Việc sai sót trong đề thi nếu chỉ ảnh hưởng đến một cá nhân thì có thể xuê xoa nhưng đây là cả hệ thống, quyền lợi của hàng trăm, thậm chí hàng nghìn thí sinh có mã đề thi này đứng trước ranh giới có thêm hoặc mất đi cơ hội chọn trường mà mình đáp ứng đủ điều kiện. Bộ không thể làm ngơ trước quyền lợi của học sinh. Bộ trưởng bộ GD&ĐT cần nhìn nhận đây là bài học kinh nghiệm cho những kỳ thi tiếp theo”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nêu quan điểm.

Cũng theo PGS.Trần Xuân Nhĩ, bộ GD&ĐT mất cả năm để nghiên cứu một bộ đề thi, lại có sai sót thì đó là điều rất đáng tiếc. Thông tin từ dư luận cũng cho thấy trong đề thi có nhiều câu hỏi chưa tường minh. Như câu chuyện một số mã đề thi môn Vật lý phải đính chính, chúng ta phải thừa nhận, cố gắng khắc phục để không xảy ra trong các kỳ thi tiếp theo.

Nguyên Thứ trưởng bộ GD&ĐTcũng thẳng thắn nhìn nhận: “Không ai dám chắc mình hoàn hảo, ai cũng có lúc sai nhưng điều quan trọng là tinh thần cầu thị. Mặc dù Bộ trưởng là người quản lý, chịu trách nhiệm chỉ đạo chung (người chịu trách nhiệm chính trong việc có sai sót là người ra đề thi - PV), nhưng khi có thắc mắc, khiếu nại từ phía học sinh, Bộ trưởng phải biết lắng nghe. Người đứng đầu phải đứng mũi chịu sào.

Đã là người quản lý thì phải ứng xử trên nguyên tắc minh bạch, công bằng, có sai sót thì phải nhận lỗi chứ không thể chọn cách im lặng hay “thỏa hiệp” với thí sinh”.

>>>Xem toàn bộ sự kiện tại đây:

Lan Thơm

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/dap-an-de-thi-neu-sai-sot-bo-truong-phai-cau-thi-va-sua-sai-a333541.html