'Đạo' và 'diễn' kiểu Trần Lực

'Danh hiệu NSND là vinh dự rất lớn của tôi vì tôi coi đó là sự ghi nhận sự nghiệp của bản thân và cũng là sự nối tiếp truyền thống đầy tự hào của gia đình...', nghệ sĩ Trần Lực chia sẻ.

Trong số những nghệ sĩ được số phận ưu ái thì chắc là phải nhắc tên Trần Lực. Dịp này anh đang đón nhận niềm vui mới, một sự ghi nhận những cống hiến cho điện ảnh và sân khấu Việt Nam: Danh hiệu NSND.

Con nhà nòi, được đào tạo bài bản

Trần Lực (SN 1963), khác với khá nhiều nghệ sĩ khác là anh được đào tạo hết sức bài bản và hàn lâm. Anh sinh tại Hà Nội, là con nhà nòi, con trai của giáo sư, NSND Trần Bảng, nhà nghiên cứu, soạn giả và đạo diễn chèo với giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2017, với biệt danh "ông trùm của nghệ thuật chèo".

Bố và con trai Trần Lực.

Mẹ của Trần Lực là một diễn viên chèo, NSUT Trần Thị Xuân. Ông nội của Trần Lực chính là nhà văn Trần Tiêu nổi tiếng với tác phẩm tiểu thuyết "Con trâu" trước năm 1945. Nhà văn Trần Tiêu là em trai ruột của nhà văn Khái Hưng.

Một người khác cũng rất nổi tiếng trong gia tộc họ Trần là đạo diễn, NSND Trần Đắc, giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2012, chính là em họ NSND Trần Bảng.

Trần Lực theo học ngành đạo diễn sân khấu tại Bulgaria, nhưng khi về nước, anh lại thành danh với điện ảnh, không chỉ nhờ ở khả năng diễn xuất mà còn chắc là vì vẻ đẹp trai làm sáng bừng màn ảnh Việt một thời.

Trước khi nổi tiếng, Trần Lực từng làm diễn viên trong đoàn kịch của Tổng cục Hậu cần. Năm 1983 là một năm ghi dấu ấn trong đời Trần Lực. Năm ấy anh có vai diễn điện ảnh đầu tiên, vai Hoành trong bộ phim "Sẽ đến một tình yêu" của NSND Phạm Văn Khoa.

Cũng trong năm này anh đi học lớp đạo diễn sân khấu và tu nghiệp 7 năm ở Bulgaria. Trở về nước, anh lại tiếp tục làm diễn viên điện ảnh và được đông đảo công chúng biết đến qua một loạt phim đình đám thời đó như: "Anh chỉ có mình em", "Chuyện tình bên dòng sông", "Hoa ban đỏ", "Giải hạn", "Hôn nhân không giá thú", "Mùa ổi", "Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông", "Chiến dịch trái tim bên phải", "Long Thành cầm giả ca"...

Gần đây vai nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong bộ phim "Em và Trịnh" do Trần Lực đóng cũng đã khuấy động dư luận. Còn thành công mới nhất của Trần Lực là bộ phim "Đào, phở và piano" có anh tham gia diễn xuất vừa đạt giải Bông sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23.

Trong lĩnh vực phim truyền hình, Trần Lực cũng ghi dấu ấn với những bộ phim như "Mẹ chồng tôi", "Người yêu đi lấy chồng" "Vòng xoáy cuộc đời"…

Diễn xuất kiểu Trần Lực

Từ trước đến nay tôi thường xuyên xem Trần Lực trong vai trò diễn viên và tôi từng nhận xét: "Anh Trần Lực diễn xuất một cách rất Trần Lực".

Đạo diễn Trần Lực (ngồi ghế) và sinh viên Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội.

Có thể hiểu là anh đã tạo ra một phong cách riêng trong lối diễn xuất và đây là điều chỉ có diễn viên giỏi mới làm được. Cũng có thể hiểu là khi anh diễn, khán giả chỉ nhìn thấy anh chứ không nhìn thấy vai anh đóng.

Những vai diễn của Trần Lực rất đa dạng và đầy tính cách, song gần như đều có chung một mẫu số: Thường là những vai chính diện, mang đầy tâm trạng. Gương mặt anh khó đóng vai ác và ánh mắt nhìn hay cái nheo mắt, nhún vai của anh đều chỉ để biểu đạt một điều: Hãy nhìn tôi đi, tôi là một diễn viên.

Cách diễn xuất ấy khiến cho Trần Lực chỉ được các đạo diễn đo ni đóng giày vào những vai rất… chính kịch. Đó là tiểu đoàn trưởng Phương trong phim "Hoa ban đỏ" của nữ đạo diễn, NSND Bạch Diệp. Đó là vai Tống Văn Sơ trong phim "Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông", vai Nguyễn Khản trong phim "Long Thành cầm giả ca" của đạo diễn, NSND Đào Bá Sơn…

Nhưng những nỗ lực của Trần Lực để hóa thân, nhập vai vào các nhân vật là điều không thể phủ nhận. Anh cũng là người được bạn bè, đồng nghiệp quý mến không chỉ bởi tài năng, mà còn bởi sự lịch lãm, chân tình.

Đạo diễn Lê Hoàng khi nhận xét về Trần Lực vẫn với phong cách tưng tửng hài hước quen thuộc của ông: "Đây là người đàn ông duy nhất đẹp trai mà tốt"!

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã thốt lên: "Trần Lực là một nghệ sĩ "từ trong trứng". Lực làm nghệ thuật bởi nhu cầu tự nhiên, như ăn và thở. Lực sợ cái "cũ" trong nghệ thuật và không sợ làm mới mình.

Lực luôn mới một cách hồn nhiên, dám thử thách mình trong nghệ thuật dù là ở cương vị một diễn viên hay ở vai trò đạo diễn. Với điện ảnh hay sân khấu, Lực đam mê như nhau và có thể làm nhiều việc một lúc nhưng lại không vội vàng qua quýt".

Đạo diễn kiểu Trần Lực

Có vẻ như Trần Lực rất biết cách tận dụng thời gian khi anh luôn chu toàn được mọi thứ, mọi điều. Anh là người rất nhanh nhạy với thị trường nghệ thuật. Anh lập ra hãng phim tư nhân Đông A vào năm 2002, đạo diễn nhiều bộ phim truyền hình và điện ảnh cũng như nhiều chương trình truyền hình thành công trên VTV.

Đạo diễn Trần Lực.

Đó là những bộ phim như "Bà và cháu", "Chiều không nhạt nắng", "Chuyện nhà Mộc", "Tết này ai đến xông nhà", "Cocktail cho tình yêu", "Chàng trai đa cảm", "Đầu bếp và đại gia", "Làm chồng đại gia"…

Những thành công của Trần Lực với vai trò đạo diễn phim điện ảnh và truyền hình có lẽ là đủ cho sự nghiệp của một nghệ sĩ. Nhiều bộ phim của anh đã tạo sóng dư luận khen ngợi trong công chúng một thời.

Nhưng cũng có không ít nhà phê bình chuyên môn ngậm ngùi luyến tiếc cho cái bằng đạo diễn sân khấu của Trần Lực chưa có đất dụng võ xứng đáng. Nhưng sự nuối tiếc ấy không còn nữa khi mà Trần Lực quay lại với nghề đạo diễn sân khấu vào năm 2017.

Với xuất thân như thế, Trần Lực không xa lạ gì với cả dòng kịch phương Tây từ cổ điển đến đương đại cũng như sự quen thuộc với sân khấu truyền thống Việt Nam.

Dựa vào môi trường và vốn kiến thức sẵn có, nên đoàn kịch đương đại Lucteam ra đời như một lẽ tất yếu với mong mỏi đưa những vở kịch hay đến với khán giả, góp phần khuấy động sân khấu kịch Hà Nội từ nhiều năm nay luôn trầm lắng so với sân khấu kịch Sài Gòn.

TS Trần Ngọc Hiếu, giảng viên Khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội thổ lộ rằng: "Từ năm 2017 đến nay, bất cứ vở kịch nào của Lucteam trình diễn, tôi đều đi xem và không bỏ qua vở kịch nào cả".

Hình thức kịch của sân khấu Lucteam có điểm khác với kịch nói thông thường là kịch Lucteam theo phong cách kịch ước lệ và biểu hiện với sân khấu kịch tối giản các chi tiết, đạo cụ. Trong các vở kịch của Lucteam, thì diễn biến, tính cách, cảm xúc, cao trào của nội dung kịch không chỉ được thể hiện qua lời thoại, biểu cảm khuôn mặt mà còn qua hình thể, động tác của diễn viên, âm nhạc, tiếng động, ánh sáng.

Có thể nói sân khấu Lucteam ngoài việc thể hiện tâm lý nhân vật còn có một điều rất quan trọng là cảm xúc, tình cảm của nhân vật được thể hiện bằng hành động, sự chuyển động của cơ thể. Bản thân Trần Lực không chỉ dừng ở vai trò một đạo diễn, trong nhiều vở kịch anh còn thổi Saxophone sau cánh gà sân khấu.

Đó không chỉ là thêm một đóng góp của cá nhân anh trong việc dàn dựng kịch, mà sự hiện diện ấy còn cho thấy sự gắn bó, chăm chút của anh cho những vở kịch của Lucteam. Những vở kịch do Lucteam dàn dựng như "Quẫn", "Cơn ghen của Lọ Lem", "Bạch đàn liễu", "Kiều", "Nữ ca sĩ hói đầu", "Búp bê"… đều ở trong tình trạng cháy vé.

Trần Lực cũng là người rất biết cách giao tiếp với khán giả của mình thông qua mạng xã hội. Anh thỉnh thoảng còn livestream trò chuyện với khán giả, trổ tài đàn hát và năng động trong mọi sinh hoạt đời thường.

Năm 2024 sắp đến, anh cho biết, công việc mới nhất mà anh nhận lời và đang dồn hết tâm sức cho nó là đạo diễn một chương trình lớn của VTV phát sóng vào dịp tết Âm lịch. Trần Lực chia sẻ vui vẻ nhưng xin phép chưa đưa lên truyền thông, để bảo đảm tính bất ngờ. Nhưng anh đảm bảo đó sẽ là một chương trình mới lạ, hấp dẫn và độc đáo.

Chia vui về việc được nhận danh hiệu NSND, Trần Lực nghiêm túc: "Danh hiệu NSND là vinh dự rất lớn của tôi vì tôi coi đó là sự ghi nhận sự nghiệp của bản thân và cũng là sự nối tiếp truyền thống đầy tự hào của gia đình, của người cha là NSND Trần Bảng".

Khi đề nghị anh tự nói về bản thân mình trong một câu ngắn gọn, Trần Lực nửa đùa nửa thật bảo rằng: "Tôi chỉ là một người chăm chỉ, yêu nghề".

TS Hà Thanh Vân

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/dao-va-dien-kieu-tran-luc-192231226094317365.htm