Đào tạo về quản lý, kinh tế lĩnh vực thể thao ở 5 trường ĐH có gì khác nhau?

Trường Đại học Đại Nam giới thiệu về mức thu nhập sau tốt nghiệp của người học ngành Quản lý thể thao khởi điểm là 15-20 triệu/tháng.

Trong những năm qua, sự phát triển của thể thao nước nhà và các hoạt động kinh doanh xung quanh lĩnh vực thể thao được nhiều người quan tâm. Theo tìm hiểu của phóng viên, một số trường tư thục những năm gần đây đã mở ngành, chuyên ngành liên quan lĩnh vực thể thao. Đơn cử, năm 2021 Trường Đại học Hoa Sen mở ngành Kinh tế thể thao. Năm 2022, Trường Đại học Đại Nam mở Ngành Quản lý Thể dục thể thao - Chuyên ngành Kinh tế & Marketing thể thao.

Trong khi đó, một số trường đại học đã mở ngành Quản lý Thể dục thể thao từ lâu như Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh, Trường Đại học Thể dục thể thao Đà Nẵng, Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Cụ thể, ngành, chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực này có chương trình đào tạo ra sao, thu nhập và tỷ lệ việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp như thế nào?

Trường Đại học Hoa Sen

Ngành Kinh tế thể thao chính thức được Trường Đại học Hoa Sen tuyển sinh từ năm 2021, sinh viên được đào tạo trong 3,5 năm.

Ngành Kinh tế thể thao có 3 chuyên ngành: Quản lý các loại hình kinh doanh thể thao; Quản lý Chăm sóc sức khỏe; Quản trị truyền thông và Marketing thể thao.

Sinh viên học ngành đào tạo trên được trang bị các kỹ năng và chuyên môn về ngành Kinh tế thể thao, quản lý và kinh doanh dịch vụ thể thao; Quản lý, vận hành kinh doanh câu lạc bộ thể thao; Chuyên viên tư vấn tài chính và khai thác thị trường thể thao; Quản lý truyền thông, tổ chức sự kiện thể thao…

Sinh viên tốt nghiệp cử nhân Kinh tế thể thao tại Trường Đại học Hoa Sen có thể công tác tại các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thể dục thể thao, trường học… [1]

Năm học 2021, 2022 Trường Đại học Hoa Sen không tuyển sinh ngành Kinh tế thể thao. (Ảnh: cắt màn hình từ Đề án tuyển sinh 2023)

Theo Đề án tuyển sinh 2023, trong năm 2021, 2022, ngành Kinh tế thể thao có chỉ tiêu tuyển sinh lần lượt là 28 và 20. Tuy nhiên, trong hai năm học này, nhà trường không có sinh viên nhập học.

Về việc này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, đại diện nhà trường cho hay, trong hai năm trên, nhà trường không thực hiện tuyển sinh do dịch Covid-19. Năm 2023, nhà trường tuyển được 25/28 em. Mức học phí của ngành học này là 60 triệu đồng/năm học.

Trường Đại học Đại Nam

Ngành Quản lý Thể dục thể thao được đào tạo chính quy bắt đầu từ năm 2022. Chương trình đào tạo trong 3 năm (9 học kỳ) gồm 123 tín chỉ. [3]

Học phí của sinh viên ngành học trên là 13.500.000/ kỳ (đóng theo kỳ, một năm có 3 kỳ).

Bản mô tả chương trình đào tạo đại học ngành Quản lý Thể dục thể thao (sau rà soát) được Trường Đại học Đại Nam ban hành vào tháng 7/2023. (Ảnh: cắt màn hình)

Về kỹ năng, sinh viên sẽ được đào tạo các kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng các phương tiện kỹ thuật và công nghệ mới trong hoạt động quản lý kinh doanh và tổ chức sự kiện của doanh nghiệp thể thao trong và ngoài nước.

Người học sẽ được đào tạo nắm vững kỹ năng khai thác được các ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm triển khai các hoạt động chuyên gia trong công nghiệp tổ chức sự kiện, có khả năng hoạch định, tổ chức, lãnh đạo, thực hiện và kiểm soát các loại hình sự kiện trong và ngoài nước với quy mô và hình thức đa dạng; nắm vững các kỹ năng thiết kế, xây dựng, quản trị hệ thống Quản lý kinh doanh và tổ chức sự kiện; giải quyết được các bài toán liên quan đến quản lý các dịch vụ, các công tác tổ chức truyền thông thể thao…, với chi phí thấp nhất và thời gian nhanh nhất.

Về năng lực ngoại ngữ, sinh viên đạt được trình độ tiếng Anh năng lực ngoại ngữ bậc 3 theo khung 6 bậc của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định (tương đương với B1 Châu Âu)...

Năm 2022, trường có 100 chỉ tiêu nhưng chỉ có 7 sinh viên nhập học ngành này. Ảnh: Theo Đề án tuyển sinh 2023 của Trường Đại học Đại Nam.

Nhà trường giới thiệu về mức thu nhập sau tốt nghiệp của người học khởi điểm của ngành này là 15-20 triệu/tháng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại Đề án tuyển sinh năm 2023, ngành Quản lý thể thao của Trường Đại học Nam trong năm 2022 có 100 chỉ tiêu tuyển sinh nhưng chỉ có 7 sinh viên nhập học.

Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh

Ngành Quản lý thể dục thể thao được Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh tuyển sinh từ năm học 2007-2008.

Chương trình đào tạo ngành Quản lý thể dục thể thao. (Ảnh: Nhà trường)

Chương trình đào tạo ngành Quản lý thể dục thể thao của trường gồm 135 tín chỉ, đào tạo trong 4 năm.

Theo thông tin từ website của trường, qua khảo sát 135 cựu sinh viên ngành Quản lý thể dục thể thao về tình hình việc làm và mức độ đáp ứng công việc sau khi tốt nghiệp thông qua phỏng vấn bằng phiếu hỏi, kết quả cho thấy đa số các sinh viên ngành này sau khi ra trường đều có việc làm (97,04%). Số chưa có việc làm là do chưa tìm được việc ưng ý, muốn đi học tiếp hoặc vì một lý do khác, không có ai là không xin được việc làm.

Cử nhân Quản lý thể dục thể thao sau khi ra trường chủ yếu làm việc ở các đơn vị sự nghiệp và các doanh nghiệp (28,89% - 41,48%), số làm việc ở cơ quan quản lý nhà nước chiếm tỉ lệ thấp (8,15%). Số cử nhân làm việc đúng ngành đào tạo cũng chiếm tỉ lệ chưa cao (37,04%).

Về kiến thức đào tạo ở trường, người học trả lời qua phiếu hỏi cho rằng là hữu ích và rất hữu ích (chiếm tới 76,29%). Khi đánh giá về công việc đang làm số đông cảm thấy hài lòng và tương đối hài lòng (30,37- 51,11%), thu nhập từ công việc chính của họ chủ yếu từ 10 - 15 triệu đồng/ tháng. [3]

Chỉ tiêu tuyển sinh và nhập học của các ngành Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh. Ảnh: Theo đề án tuyển sinh năm 2023

Theo Đề án tuyển sinh năm 2023, ngành Quản lý thể dục thể thao của trường năm 2021, 2022 đều có chỉ tiêu tuyển sinh là 25, nhưng số sinh viên nhập học rất thấp, chỉ có 6 - 7 nhập học.

Trường Đại học Thể dục thể thao Đà Nẵng

Trường Đại học Thể dục thể thao Đà Nẵng tuyển sinh ngành Quản lý thể dục thể thao từ năm 2013.

Khối lượng kiến thức đào tạo sinh viên ngành Quản lý thể dục thể thao Trường Đại học Thể dục thể thao Đà Nẵng. (Ảnh: Đề án tuyển sinh năm 2023)

Sinh viên ngành Quản lý thể dục thể thao được đào tạo 129 tín chỉ, ngoài 33 tín chỉ khối kiến thức giáo dục đại cương, sinh viên được đào tạo 96 tín chỉ khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp.

Chương trình đào tạo ngành Quản lý Thể dục thể thao. (Ảnh: Đề án tuyển sinh năm 2023 Trường Đại học Thể dục thể thao Đà Nẵng)

Ngành Quản lý thể dục thể thao gồm có 3 chuyên ngành để sinh viên lựa chọn như Thể thao giải trí, Golf và Quản lý Tổ chức sự kiện và truyền thông thể thao (mỗi chuyên ngành gồm 24 tín chỉ).

Thông tin điểm trúng tuyển năm 2021, 2022 của các ngành đào tạo Trường Đại học Thể dục thể thao Đà Nẵng. (Ảnh: Đề án tuyển sinh năm 2023 Trường Đại học Thể dục thể thao Đà Nẵng)

Theo Đề án tuyển sinh năm 2023 của Trường Đại học Thể dục thể thao Đà Nẵng, năm 2021, 2022 chỉ tiêu tuyển sinh của ngành này lần lượt là 50 và 100. Tuy nhiên số sinh viên nhập học rất thấp. Năm 2021 chỉ có 13 sinh viên nhập học, 2022 là 17.

Trường Đại học Tôn Đức Thắng

Chuyên ngành Kinh doanh thể thao và Tổ chức sự kiện(thuộc ngành Quản lý thể dục thể thao được mở đào tạo từ năm 2012) được Trường Đại học Tôn Đức Thắng đào tạo trong 4 năm.

Chương trình đào tạo chuyên ngành Kinh doanh thể thao và tổ chức sự kiện được xây dựng theo tiêu chuẩn kiểm định quốc tế. Với hơn 30% môn học chuyên ngành được dạy bằng tiếng Anh; chương trình có tính thực tiễn cao với 4 học phần thực tập và hơn 50% môn học chuyên ngành gắn liền thực hành thông qua học tập tại các câu lạc bộ, doanh nghiệp sẽ trang bị cho sinh viên kiến thức và kỹ năng vững vàng khi ra trường.

Sinh viên chuyên ngành Kinh doanh thể thao và Tổ chức sự kiện ngoài những môn chuyên ngành bắt buộc như Quản lý câu lạc bộ thể thao, Quản lý tổ chức sự kiện... sinh viên còn được học những môn học tự chọn như Nhiếp ảnh, Thiết kế dựng phim, Đạo diễn sự kiện...

Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành trên có cơ hội việc làm trong các agency sự kiện- truyền thông- marketing; doanh nghiệp, tổ chức, hiệp hội thể thao các cấp hay resort, khách sạn... [4]

Chỉ tiêu tuyển sinh và số sinh viên nhập học trong hai năm 2021, 2022 của nhà trường. (Ảnh: Đề án tuyển sinh năm 2023 Trường Đại học Tôn Đức Thắng)

Theo Đề án tuyển sinh năm 2023, năm 2021, chuyên ngành Kinh doanh thể thao và Tổ chức sự kiện có chỉ tuyển sinh là 70 và số sinh viên nhập học là 73. Năm 2022, chỉ tiêu là 77, số sinh viên nhập học là 91. Số lượng sinh viên nhập học trong 2 năm 2021, 2022 của trường luôn cao hơn chỉ tiêu.

Link bài viết tham khảo:

1) https://www.hoasen.edu.vn/tuyensinh/nganh-kinh-te-the-thao-hoc-truong-nao/

2) https://tdtt.gov.vn/tin-tuc-su-kien/tin-tuc-nganh/dai-hoc-tdtt-bac-ninh-thuc-trang-dao-tao-nganh-quan-ly-the-duc-the-thao-giai-doan-2011-2021

3) https://dainam.edu.vn/vi/tin-tuc/chuong-trinh-dao-tao

4) https://admission.tdtu.edu.vn/nganh/quan-ly-duc-thao-chuyen-nganh-kinh-doanh-thao-va-chuc-su-kien-7810301#:~:text=Sinh%20vi%C3%AAn%20t%E1%BB%9

Mạnh Đoàn

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/dao-tao-ve-quan-ly-kinh-te-linh-vuc-the-thao-o-5-truong-dh-co-gi-khac-nhau-post240487.gd