Đào tạo nghề lao động nông thôn - hướng giảm nghèo hiệu quả

Anh Ngọc

BPO - Công tác đào tạo nghề nông thôn đã trao cho nhiều người, nhất là lao động đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và khu vực miền núi chiếc “cần câu” để phát triển kinh tế, tăng thu nhập, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, khi được đào tạo kỹ năng, được hướng dẫn những tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong chăm sóc các loại cây trồng, vật nuôi sẽ giúp lao động nông thôn có thêm nhiều việc làm tại chỗ và thu nhập ổn định.

“Trao” nghề

Sau khi tham gia lớp học nghề vào năm 2015, anh Sùng Bá Giờ đã thành thạo công việc và làm công nhân tại Công ty TNHH MTV cao su Bình Phước cho đến nay. Qua thời gian làm việc, những lao động nông thôn như anh Giờ đã phát huy kiến thức về lĩnh vực mình được đào tạo. “Từ Nghệ An vào Bình Phước, tôi được tạo điều kiện học nghề cạo mủ cao su và gắn bó đến hôm nay. Tôi tự nhủ phải cố gắng làm tốt công việc hơn nữa, đóng góp cho đơn vị và tăng thu nhập gia đình” - anh Giờ bộc bạch.

Lao động nông thôn sau khi đượchọc nghề cạo mủ cao su đã phát triển nghề ổn định, góp phần tăng thu nhập kinh tế gia đình

Việc làm và giải quyết việc làm luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu của bất cứ địa phương nào nhằm đảm bảo nhu cầu phát triển bền vững cho xã hội, góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo. Không có việc làm là trở ngại lớn khiến các hộ đồng bào DTTS và miền núi khó có thể vươn lên thoát nghèo. Anh Điểu Hiệp ở thôn 4, xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng cho biết: Được tạo điều kiện học nghề đã giúp tôi rất nhiều. Tôi biết được kỹ thuật để làm tốt công việc và khi có việc làm sẽ ổn định cuộc sống, lo cho gia đình, con cái.

Phát huy ngành nghề được đào tạo sẽ góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập. Trong ảnh: Một giờ thực hành của thầy, trò Trường cao đẳng Công nghiệp cao su

Những năm qua, từ chính sách hỗ trợ của Nhà nước về các mô hình chăn nuôi, trồng trọt gắn với lợi thế địa phương, những nông dân, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh đã thay đổi phương thức sản xuất, chuyển dần từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa. Qua đó, công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn cũng phát huy hiệu quả. Sau khi được đào tạo, nhiều lao động nông thôn có thêm kỹ năng, tự tin làm việc trong các cơ sở chăn nuôi, trồng trọt, mô hình trang trại, tham gia hợp tác xã nông nghiệp. Chị Thị Lớt ở xã Quang Minh, thị xã Chơn Thành bày tỏ: Tôi làm việc ở gần nhà, thu nhập khá ổn định. Công việc là trồng cây, chăm sóc vườn, bón phân cho cây trồng… phù hợp với điều kiện bản thân.

Thu hẹp khoảng cách

Trong mối quan hệ mật thiết giữa nông nghiệp, nông dân và nông thôn thì nông dân là chủ thể, nhân tố quan trọng nhất trong quá trình phát triển. Thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, các địa phương trên địa bàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, bền vững theo hướng liên kết sản xuất, góp phần tạo việc làm cho người dân địa phương. Người lao động từng bước đáp ứng được nhu cầu cho quá trình hình thành các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Anh Nguyễn Viết Vị, chủ trang trại S’tiêng Farm, xã Quang Minh chia sẻ: Trang trại ưu tiên người lao động tại địa phương, đặc biệt là đồng bào DTTS. Ở đây, chúng tôi cũng có những chính sách động viên, thăm hỏi người lao động trong cuộc sống hằng ngày, luôn gần gũi, quan tâm; đồng thời nâng cao ý thức canh tác, hướng dẫn làm việc, tạo nên giá trị kinh tế.

Được học nghề trồng, chăm sóc các loại cây công nghiệp, nhiều hộ dân tộc thiểu số ở xã Quang Minh, thị xã Chơn Thành đang nỗ lực lao động, nâng cao thu nhập và vươn lên phát triển kinh tế gia đình

Hiện nay, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo và được giải quyết việc làm ở các địa phương trên địa bàn tỉnh năm sau đều tăng so với năm trước. Ước đến hết năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo 65%; uớc thực hiện từ năm 2021-2023, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 131.906 lao động, đạt 65,95% nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh.

Người lao động chính trong gia đình là nhân tố quan trọng để phát triển kinh tế hộ đồng bào DTTS và miền núi. Vậy nên, khi trải qua các lớp đào tạo nghề sẽ phát huy kiến thức về lĩnh vực được đào tạo, tăng năng suất lao động, tạo việc làm tại chỗ hoặc tự tìm việc làm, nâng cao thu nhập cho gia đình, đáp ứng yêu cầu mới trong phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn. “Đối với việc làm cho người dân địa phương, trên địa bàn có những nông trường của một số công ty cao su nên khi người dân được học nghề thì xin vào cạo mủ cao su ở công ty. Còn một số phụ nữ thì làm tách nhân hạt điều cho các doanh nghiệp chế biến hạt điều tại địa phương” - ông Điểu Dũng, Bí thư Chi bộ thôn 4, xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng cho biết.

Chế biến hạt điều có nhu cầu lao động rất lớn, đặc biệt người lao động có tay nghề, siêng năng - Ảnh: Trương Hiện

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 1 từ năm 2022-2025, Bình Phước phấn đấu tăng mức thu nhập bình quân, cũng như giảm hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS. Vậy nên, khi được đào tạo, người lao động sẽ có việc làm, nâng cao thu nhập và trình độ sản xuất, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi.

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/149598/dao-tao-nghe-lao-dong-nong-thon-huong-giam-ngheo-hieu-qua