Đào tạo nghề là khâu đột phá trong xây dựng nông thôn hiện đại, văn minh

Ngày 16/6/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết nhấn mạnh, nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Đồng thời xác định, thời gian tới, cần phải coi đào tạo nghề là một trong những khâu đột phá trong xây dựng cơ cấu nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại. Mục tiêu hàng năm mà Nghị quyết 19 đưa ra là đào tạo nghề cho khoảng 1,5 triệu lao động nông thôn.

Ngày 27/2/2023, Chính phủ thông qua Nghị quyết số 26/NQ-CP ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/ TW, nêu rõ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn; nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống của nông dân và cư dân nông thôn.

Quảng Trị là tỉnh thuần nông, khoảng 70% dân số sống nhờ nông nghiệp nên việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn được xem là khâu đột phá trong xây dựng nông thôn mới. Qua đào tạo không những góp phần nâng cao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi để người dân ứng dụng trong sản xuất, gia tăng lợi nhuận mà còn tạo ra sinh kế cho người dân ở khu vực nông thôn.

Vì thế, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra mục tiêu đến năm 2025, tỉ lệ lao động đã qua đào tạo đạt từ 75% - 80%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ trên 33%; đến năm 2030 85% - 90%, có bằng cấp, chứng chỉ trên 36%. Tỉ lệ lao động có việc làm mới bình quân hàng năm giai đoạn 2020 - 2025 là 12.000, giai đoạn 2025 - 2030 là 12.500 lao động.

Để thực hiện mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra, UBND tỉnh thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh, đồng thời phân cấp rõ vai trò, trách nhiệm trong quản lý, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của UBND cấp huyện, cấp xã và các cơ quan chuyên môn.

Theo đó, ngay từ đầu năm, các huyện đã xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn với các nội dung cụ thể, rà soát nhu cầu, xác định chỉ tiêu, ngành nghề gắn với đề án tái cấu trúc nông nghiệp, đề án phát triển sản xuất, tình hình phát triển KT - XH, xây dựng nông thôn mới của từng địa phương, đơn vị; các ngành nghề đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng lao động tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh; đào tạo các nghề nông nghiệp gắn với đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, sản phẩm chủ lực của tỉnh, của từng địa phương và gắn với các mô hình phát triển sản xuất theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới tại các xã, phường, thị trấn.

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) đã công khai danh sách số lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề theo các chính sách của đề án, các cơ sở có đủ năng lực và điều kiện dạy nghề để các địa phương chủ động lựa chọn, phối hợp tổ chức đào tạo; tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, tổ chức ngày hội tư vấn học nghề và việc làm giúp người dân hiểu ý nghĩa, sự cần thiết của việc dạy nghề, học nghề.

Nhiều mô hình đào tạo nghề triển khai hiệu quả, mang lại thu nhập cao cho người lao động như mô hình chăn nuôi gà thả vườn; kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hồ tiêu, cây lạc, cây dược liệu…, gắn với thương hiệu đặc sản địa phương.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh Quảng Trị thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đặc biệt, năm 2022, tỉnh Quảng Trị cũng đã tuyển sinh, đào tạo cho 9.654 lao động (đạt 107% kế hoạch). Đến cuối năm 2022, tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 70,28% (100% kế hoạch); tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 50%; lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt 32,5%.

Đồng thời, trong năm 2022, toàn tỉnh Quảng Trị đã giải quyết việc làm mới cho 16.103 lượt lao động, đạt 134,2% kế hoạch. Lao động nông thôn sau khi học nghề đã áp dụng kiến thức được học vào phát triển kinh tế, góp phần nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm chi phí sản xuất; được tiếp nhận làm việc tại các doanh nghiệp; thu nhập, năng suất lao động được cải thiện; nhiều lao động biết vận dụng kiến thức được học vào phát triển kinh tế hộ gia đình, bước đầu thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Năm 2023, ngành LĐ,TB&XH tỉnh Quảng Trị đặt chỉ tiêu tạo việc làm mới cho 12.000 lao động, trong đó có 1.200 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tuyển sinh, đào tạo nghề cho 9.000 người theo các cấp trình độ.

Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn còn một số hạn chế nhất định như: nhận thức về việc làm, dạy nghề ở một số địa phương vẫn chưa được quan tâm đúng mức; ngành nghề đào tạo chưa đa dạng; nguồn ngân sách địa phương thực hiện chương trình còn hạn chế; công tác kiểm tra, giám sát ở một số địa phương thiếu thường xuyên; thực hiện chương trình việc làm, dạy nghề ở một số địa phương còn thiếu tính cụ thể; giải quyết việc làm cho lao động chuyển đổi nghề sau đào tạo còn nhiều khó khăn...

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Nghị quyết số 19-NQ/TW, nhằm xây dựng nông thôn ngày càng hiện đại, văn minh, trước hết, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người lao động về vị trí, vai trò của công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và tạo sự lan tỏa, từng bước thay đổi được nhận thức của người lao động về công tác đào tạo nghề, giúp người lao động xác định được đào tạo nghề vừa là nghĩa vụ vừa là quyền lợi của mình để chủ động và tích cực tham gia học nghề, giải quyết việc làm. Cần coi trọng công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp gắn với giải quyết có hiệu quả việc làm cho người lao động sau khi đào tạo.

Tiếp tục đổi mới chương trình, phương pháp dạy nghề cho lao động nông thôn. Nội dung chương trình, kế hoạch đào tạo phải phù hợp với điều kiện, tình hình phát triển KT - XH, tình hình phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, dịch vụ, thương mại, đặc điểm vùng miền, đề án tái cấu trúc nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và điều kiện của người học nghề. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ và giáo viên dạy nghề, nâng cao chất lượng, đảm bảo cơ cấu và số lượng; chuẩn hóa trong công tác tuyển chọn, sử dụng cán bộ quản lý, giáo viên dạy nghề.

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về dạy nghề; tăng cường sự phối hợp, chỉ đạo của các cơ quan chuyên môn và chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở. Đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực dạy nghề; triển khai có hiệu quả đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững gắn với đào tạo nghề. Chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Thực hiện có hiệu quả chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư, trong đó, ưu tiên ngành nghề nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu nông lâm sản và lĩnh vực phi nông nghiệp sử dụng nhiều lao động như may mặc, dịch vụ du lịch.

Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trong việc giám sát đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn. Thường xuyên tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với từng lớp đào tạo trước khi mở lớp, trong quá trình đào tạo, việc sử dụng kinh phí và thực hiện các chính sách của Nhà nước đối với người học nghề, công tác giải quyết việc làm sau đào tạo của người học góp phần thực hiện có hiệu quả đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Hải Đăng

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/van-de-binh-luan/dao-tao-nghe-la-khau-dot-pha-trong-xay-dung-nong-thon-hien-dai-van-minh/176622.htm