Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Tăng quy mô, nâng chất lượng

Đẩy mạnh đào tạo nghề không chỉ giúp bà con vùng đồng bào dân tộc giảm nghèo, mà còn góp phần thực hiện xây dựng nông thôn mới.

Năm 2022, sau khi kết thúc khóa học nghề nông nghiệp ngắn hạn, gia đình ông Thào A Say, tại bản Sán Chá, xã Bản Công, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái đã biết vận dụng kiến thức trồng nấm sò. Nhờ tuân thủ kỹ thuật trồng chăm sóc nấm, cộng với khí hậu phù hợp nên cây nấm sò phát triển tốt, từ đó, giúp gia đình ông Thào A Say không chỉ có nguồn thực phẩm để sử dụng mà còn có thể bán ra thị trường.

Ông Thào A Say (bản Sán Chá, xã Bản Công, huyện Trạm Tấu) bên mô hình trồng nấm sò của gia đình

Ông Thào A Say (bản Sán Chá, xã Bản Công, huyện Trạm Tấu) cho biết, sau khi học nghề trồng nấm về, chúng tôi nắm bắt được kỹ thuật và đưa vào thực tiễn, do đó, nấm của chúng tôi sinh trưởng và phát triển tốt. Việc đi học nghề giúp chúng tôi có kiến thức tốt hơn, làm việc gì cũng dễ. Để làm kinh tế hiệu quả thì cần học nghề là hết sức quan trọng.

Hiện tại, tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động tại huyện Trạm Tấu khá nhiều. Do không được đào tạo nghề, không có kiến thức khoa học kỹ thuật nên trước đây đa phần họ ở nhà và làm nông lâm nghiệp, hàng hóa làm ra chủ yếu tự cung, tự cấp, chưa bán ra thị trường. Từ khi tham gia các lớp học nghề nông nghiệp, nhiều hộ đã biết mở rộng quy mô chăn nuôi theo hướng hàng hóa, mang lại thu nhập ổn định. Giúp cho những người lao động trẻ có định hướng trong phát triển kinh tế gia đình.

Ông Nhâm Xuân Trường - Chánh văn phòng Điều phối chương trình Nông thôn mới tỉnh Yên Bái - cho biết, xuất phát từ nhu cầu của thị trường lao động khu vực nông thôn, nhiều hình thức liên kết đào tạo nghề được hình thành.

Đó là đào tạo tập trung, đào tạo ngắn hạn, đào tạo tại cơ sở sản xuất kinh doanh, đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, địa phương... với các trình độ từ sơ cấp đến đại học nhằm kịp thời cung ứng đủ nguồn lao động và đáp ứng nhu cầu đa dạng ngành nghề đào tạo.

Bên cạnh loại hình đào tạo tập trung dài hạn dành cho các nghề mới về công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ chế biến, công nghệ bảo quản sau thu hoạch, hóa thực phẩm, đào tạo nghề ngắn hạn trên dưới 3 tháng được nhiều đối tượng tham gia học tập.

Tương tự, là một tỉnh miền núi, Bắc Kạn gặp khá nhiều bất lợi để phát triển kinh tế - xã hội như cơ sở hạ tầng còn nghèo nàn, ruộng đất manh mún, số lao động nông thôn, lao động là người dân tộc thiểu số chiếm tới 75%, tỉ lệ người lao động chưa qua đào tạo và làm nông nghiệp cao…

Xác định đào tạo nghề cho nông thôn nói riêng có vai trò quan trọng giúp thúc đẩy kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Vì thế, thời gian qua tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều nỗ lực trong công tác này.

Sau khi tham gia lớp dạy nghề chăn nuôi gia súc từ chương trình đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, anh Dương Đình Tú tại xã Nghiên Loan, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn cùng các nông dân ở địa phương được học kỹ năng chọn giống, phương pháp chăn nuôi khoa học, giảm dư lượng thức ăn hóa chất, cách phát hiện, chăm sóc khi gia súc ốm...

Nhờ được đào tạo nghề, hỗ trợ vay vốn đầu tư sản xuất nên anh Dương Đình Tú đã nâng đàn trâu bò của gia đình lên 15 con. Thu nhập từ công việc chăn nuôi đã mang lại cho gia đình Dương Đình Tú từ 150 - 170 triệu đồng mỗi năm, cuộc sống được cải thiện rõ rệt. Quan trọng hơn, thông qua đào tạo kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho đại gia súc, anh Dương Đình Tú và người dân ở Pác Nặm đã thay đổi tập quán chăn thả sang nuôi nhốt, trồng cỏ vỗ béo nên hiệu quả chăn nuôi gia súc đã tăng lên rõ nét.

Giờ thực hành lớp trồng rau an toàn tại huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn

Ông Lê Minh Hiền - Phó Viện trưởng Viện Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - cho biết, thông qua chương trình đào tạo nghề đã mang đến những nội dung kiến thức mới cho bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, cải thiện được cuộc sống, tạo thu nhập cho gia đình. Từ đó, giúp bà con thay đổi tư duy, thích ứng biến đổi môi trường, khí hậu, tiến tới rút ngắn khoảng cách với các vùng miền khác bằng cách nâng cao thu nhập, thay đổi cuộc sống.

Theo lộ trình, giai đoạn 2022 - 2025, Yên Bái đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn 15.800 người. Còn tại Bắc Kạn, giai đoạn 2022 - 2030, tỉnh phấn đấu tuyển mới và đào tạo nghề cho khoảng 25.000 lao động nông thôn trở lên, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề nghiệp của tỉnh đạt trên 50% vào năm 2030. Sau khi được đào tạo, ít nhất 80% số lao động được đào tạo nghề có việc làm, tăng thu nhập.

Hiện, chất lượng nguồn nhân lực không chỉ là mối quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư mà còn là một trong những công cụ trụ cột để các địa phương giảm nghèo bền vững. Do đó, các chuyên gia cho rằng, các địa phương bên cạnh việc tập trung vào quy mô đào tạo thì cần nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Việc này sẽ góp phần giúp các lao động nông thôn sau khi học nghề có thể áp dụng những kiến thức, kỹ năng đã học vào thực tế sản xuất; có việc làm và tăng thu nhập cho bản thân, gia đình, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở địa phương. Từ đó, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Thanh Hà

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dao-tao-nghe-cho-lao-dong-nong-thon-tang-quy-mo-nang-chat-luong-295099.html