Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Khởi động học, tăng cường kiểm traTin khácMời bạn đọc, cộng tác viên gửi bài, ảnh cho Báo Lạng Sơn số Tết Dương lịch và Xuân Nhâm Dần 2022Doanh nghiệp nhỏ và vừa vững vàng vượt qua đại dịch

Học viên lớp sửa chữa máy nông nghiệp của thôn Lộc Hồ, xã Phú Xá, huyện Cao Lộc thực hành sửa chữa máy

– Sau một thời gian dài ảnh hưởng do dịch COVID-19 cũng như chờ Trung ương phê duyệt nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia cho công tác đào tạo nghề lao động nông thôn (LĐNT), hiện nay, trung tâm giáo dục thường xuyên – giáo dục nghề nghiệp (GDTX-GDNN) các huyện đã, đang tích cực khởi động tổ chức các lớp học nghề. Cùng với đó, Phòng GDNN, Sở LĐTB&XH cũng tăng cường kiểm tra các lớp học nhằm đảm bảo công tác tổ chức, giảng dạy, cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu, nâng chất lượng đào tạo.

Nửa tháng nay, người dân thôn Lộc Hồ, xã Phú Xá, huyện Cao Lộc đăng ký tham gia học lớp nghề sửa chữa máy nông nghiệp đang tích cực thực hành sau những tiết học lý thuyết cơ bản. Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch nên bà con cũng không có nhiều cơ hội học nghề, tập huấn kỹ năng để ứng dụng vào sản xuất. Tại nhà văn hóa thôn, gần chục máy cày, máy gặt lúa đang được những nhóm “thợ” là học viên lớp nghề LĐNT miệt mài tháo, lắp, lau chùi, sửa chữa.

Ông Liễu Văn Trần, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Lộc Hồ, xã Phú Xá kiêm lớp trưởng lớp nghề LĐNT chia sẻ: Toàn thôn có 72 hộ với 324 nhân khẩu. Hiện nay, thôn còn 11 hộ nghèo, 11 hộ cận nghèo. Thời gian qua, 95% số hộ dân trong thôn đã đầu tư mua các loại nông cụ để phục vụ sản xuất nông nghiệp, phổ biến là máy cày, máy gặt lúa nên nhu cầu của bà con là được học kỹ thuật sửa chữa máy để có thể tự sửa chữa thiết bị của gia đình mình, đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất. Cuối tháng 10/2021, Phòng LĐTB&XH huyện phối hợp với Trung tâm GDTX-GDNN Cao Lộc tổ chức lớp nghề sửa chữa máy nông nghiệp tại thôn, lớp có 35 học viên tham gia. Lớp nghề này thực sự đúng, trúng với mong muốn của người dân, bởi hiện nay sắp vào vụ gặt, nhà nào cũng cần kiểm tra, sửa lại máy trước khi vào vụ thu hoạch.

Thôn Nà Liệt Trong, xã Bắc Hùng, huyện Văn Lãng là thôn có điều kiện tự nhiên phù hợp với trồng các cây dược liệu như: thạch đen, cát sâm nên nhiều hộ dân trong thôn đã đăng ký lớp học nghề kỹ thuật trồng cây dược liệu. Ông Triệu Văn Thắng, Trưởng thôn Nà Liệt Trong – học viên lớp học nghề cho biết: Đầu năm 2021, xã cấp cho thôn giống cây thạch đen để Nhân dân trồng thí điểm 5 sào. Nhưng do loại cây trồng mới, 5 hộ dân tham gia trồng thí điểm cây thạch đen lại chưa nắm vững kỹ thuật nên tỷ lệ cây bị chết nhiều. Tháng 8/2021, các hộ thu hoạch cho sản lượng trung bình từ 1 tạ đến 1,2 tạ/sào. Lớp học kỹ thuật này đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của bà con, vì nếu làm chủ được kỹ thuật rồi thì nhiều người dân yên tâm sản xuất.

Có thể thấy rằng, mặc dù các lớp nghề năm nay khởi động chậm do chờ kinh phí từ chương trình mục tiêu quốc gia đào tạo nghề cho LĐNT nhưng các bước tuyên truyền, vận động về học nghề đã được trung tâm GDTX-GDNN các huyện phối hợp với lãnh đạo phòng LĐTB&XH, UBND các xã tổ chức rà soát, nắm bắt nguyện vọng học nghề của người dân ngay từ đầu năm. Từ đó xây dựng kế hoạch, đăng ký nhu cầu học nghề với Sở LĐTB&XH và trình UBND tỉnh phê duyệt, khi có kinh phí thì khởi động tổ chức học ngay.

Bà Nguyễn Thúy Phương, Giám đốc Trung tâm GDTX-GDNN huyện Cao Lộc cho biết: Qua thực hiện khảo sát, rà soát nhu cầu của LĐNT từ đầu năm 2021, trung tâm đã tổng hợp và đăng ký 10 lớp đào tạo cho 350 LĐNT tham gia với các nghề: chăn nuôi lợn, gà; trồng rau sạch; trồng và nhân giống cây ăn quả; sửa chữa máy nông nghiệp với tổng kinh phí trên 795 triệu đồng. Nhưng khi tỉnh được cấp kinh phí, phân bổ và phê duyệt thì mỗi huyện chỉ được 2 lớp. Hiện nay, 2 lớp chăn nuôi lợn (xã Xuân Long) và sửa chữa máy nông nghiệp (xã Phú Xá) đang được trung tâm tổ chức đào tạo hiệu quả.

Theo thống kê của Sở LĐTB&XH, năm 2021, các huyện đăng ký nhu cầu 84 lớp nghề LĐNT với tổng kinh phí trên 6,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí đào tạo trung ương phê duyệt chậm nên tỉnh chỉ phê duyệt tổ chức được 20 lớp nghề LĐNT cho 10 huyện, mỗi huyện 2 lớp, mỗi lớp gồm 35 học viên với tổng kinh phí 1,5 tỷ đồng. Các lớp nghề chủ yếu tập trung học kỹ thuật: trồng rau an toàn; trồng cây dược liệu; chăn nuôi trâu, bò; chăn nuôi gà, lợn; sửa chữa máy nông nghiệp…

Để các lớp học diễn ra đạt chất lượng, đảm bảo theo kế hoạch đã được phê duyệt, từ cuối tháng 10/2021 đến nay, Sở LĐTB&XH đã thành lập đoàn đi kiểm tra các lớp học nghề tại các huyện, thành phố. Bà Hà Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH, Trưởng đoàn kiểm tra công tác đào tạo nghề LĐNT cho biết: Qua việc kiểm tra thực tế các lớp đào tạo nghề LĐNT tại 7 huyện cho thấy công tác tổ chức, điều kiện cơ sở vật chất, nội dung giáo trình, giáo viên, học viên tham gia giảng dạy, đào tạo đều đáp ứng đúng yêu cầu quy định. Tuy nhiên, thực tế tại trung tâm GDTX-GDNN các huyện hiện thiếu nhà xưởng thực hành, nhiều huyện thiếu giáo viên cơ hữu nên các nghề đào tạo chủ yếu mời giáo viên thỉnh giảng…

Trước thực tế này, thiết nghĩ về lâu dài, cần giải quyết những khó khăn nêu trên để có thể thực hiện tốt hơn nữa công tác đào tạo nghề cho LĐNT, nhất là trong thời dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều lao động mất việc làm, có thể được tạo điều kiện học nghề để chuyển đổi công việc phù hợp hơn

THANH HUYỀN

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/xa-hoi/lao-dong-viec-lam/461939-dao-tao-nghe-cho-lao-dong-nong-thon-khoi-dong-hoc-tang-cuong-kiem-tra.html