Đào tạo lao động chất lượng cao ở 'thủ phủ' công nghiệp Đồng Nai - Bài cuối: Tháo gỡ khó khăn

Trong bối cảnh hội nhập và phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đối với công tác đào tạo nghề, bên cạnh nhiều kết quả ấn tượng đã đạt được, tỉnh Đồng Nai còn gặp một số khó khăn, đòi hỏi địa phương có giải pháp quyết liệt, căn cơ hơn để góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các nhà đầu tư ở tỉnh Đông Nam Bộ này.

Sinh viên Trường Đại học Lạc Hồng, tỉnh Đồng Nai thực hành tại Phòng thí nghiệm (PLC Lab). Ảnh: Minh Hưng/TTXVN

Còn điểm nghẽn

Theo ông Phạm Văn Cộng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, một trong những khó khăn trong công tác dạy nghề, đào tạo nguồn lao động chất lượng cao hiện nay ở tỉnh Đồng Nai cũng như nhiều địa phương khác chính là trong quan niệm, nhận thức của nhiều người dân về việc học nghề có lúc, có nơi vẫn tồn tại tình trạng cho rằng học nghề, học cao đẳng, trung cấp là kém cỏi. Bên cạnh đó, đối với học sinh tham gia các chương trình đào tạo nghề chất lượng cao theo tiêu chuẩn của nước ngoài cũng đòi hỏi học sinh phải nỗ lực hơn rất nhiều trong suốt quá trình học để lĩnh hội kiến thức nền tảng, các kỹ năng thực hành, tác phong công nghiệp và nhất phải đạt được trình độ ngoại ngữ theo quy định của đào tạo chất lượng cao.

Đề cập về trang thiết bị các cơ sở đào tạo, ông Phạm Văn Cộng cho rằng, việc đầu tư trang thiết bị đào tạo nghề của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thuộc tỉnh trong thời gian qua được Nhà nước quan tâm đầu tư, có rất nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, ở một số cơ sở đào tạo, các trang thiết bị vẫn chưa theo kịp tốc độ đổi mới công nghệ của doanh nghiệp, trong đó các trang thiết bị đào tạo một số nghề kỹ thuật, nhất là các nghề chất lượng cao theo chuẩn của nước ngoài đòi hỏi nguồn kinh phí lớn để đầu tư, do đó sau khi tốt nghiệp nhiều trường hợp người lao động chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động có tay nghề cao của doanh nghiệp.

Ngoài ra, hiện nay, trong công tác đào tạo lao động, mối quan hệ giữa một số cơ sở đào tạo và doanh nghiệp chưa thực sự chặt chẽ, hoạt động liên kết đào tạo chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia khiến cho sự phối hợp xây dựng chương trình đào tạo chưa sát với vị trí việc làm mà doanh nghiệp cần tuyển dụng lao động. Một số doanh nghiệp chưa thấy được lợi ích từ các hoạt động liên kết đào tạo với các trường đào tạo nghề, do đó còn “dè dặt” đối với vấn đề liên kết đào tạo. Họ cho rằng việc đầu tư cho liên kết đào tạo rất tốn kém, lợi ích mà doanh nghiệp thu được lại không nhiều, trong khi doanh nghiệp lại có thể tự đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp của mình.

Đại diện một số doanh nghiệp ở tỉnh Đồng Nai cũng bày tỏ băn khoăn: Thực tế, nhiều doanh nghiệp đã và đang tham gia vào các khâu như tư vấn hoàn chỉnh, cập nhật chương trình đào tạo cho sát với thực tế sản xuất của doanh nghiệp, thậm chí tham gia hội đồng trường, tạo môi trường cho học sinh, sinh viên đến thực tập,… Song có tình trạng sau khi được thực tập, thậm chí được nhận vào làm việc một thời gian ở doanh nghiệp, nếu có lời mời hấp dẫn hơn, lao động chất lượng cao sẵn sàng rời bỏ doanh nghiệp mà mình đã được tạo điều kiện thực tập khi còn là sinh viên, do đó nhiều doanh nghiệp thực sự chưa” mặn mà” tham gia công tác đào tạo cùng với nhà trường.

Tháo gỡ bằng các giải pháp căn cơ

Để tháo gỡ khó khăn, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác đào tạo nguồn lao động chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, ông Phạm Văn Cộng cho biết: Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về việc học nghề, huy động các nguồn lực xã hội tham gia công tác dạy nghề gắn với tuyển dụng. Đồng Nai cũng chú trọng xây dựng mối quan hệ gắn kết chặt chẽ hơn giữa các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp, đặc biệt là đẩy mạnh việc hợp tác, liên kết với các nước đã thành công trong phát triển dạy nghề trên thế giới để đào tạo đạt chuẩn khu vực và quốc tế. Tỉnh Đồng Nai ưu tiên tập trung đào tạo lao động kỹ thuật cao phục vụ các lĩnh vực ứng dụng công nghệ nguồn (ứng dụng công nghệ 4.0) tại các dự án lớn trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới như: Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh như Khu công nghiệp Long Đức và Khu Công nghiệp Amata tại huyện Long Thành...

Liên quan đến công tác phân luồng, hướng nghiệp để tạo nguồn tuyển chất lượng hơn cho các cơ sở đào tạo nghề, theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai, bà Trương Thị Kim Huệ: Thời gian tới ngành Giáo dục và đào tạo tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền, thông tin về chủ trương giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở vào học nghề phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế của địa phương cũng như cả nước. Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai cũng phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để nâng cao chất lượng học văn hóa cho những học sinh sau trung học cơ sở vào học hệ giáo dục thường xuyên trên địa bàn, các trường trung cấp, cao đẳng nghề có liên kết dạy hệ giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông.

Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Nai phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng phương án thành lập 2 trường trung học phổ thông cho đối tượng là học sinh sau trung học cơ sở vừa học văn hóa vừa học nghề trong các trường như Trường Cao đẳng cơ giới và Thủy lợi và Trường Đại học Lâm nghiệp phân hiệu Đồng Nai; đồng thời khuyến khích các trường trung học cơ sở áp dụng phương thức hướng nghiệp có sự tham gia của các cơ sở giáo dục dạy nghề và các doanh nghiệp.

Thanh Trà - Minh Hưng - Lê Xuân - Hồng Nhung (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/dao-tao-lao-dong-chat-luong-cao-o-thu-phu-cong-nghiep-dong-nai-bai-cuoi-thao-go-kho-khan-20201115075753784.htm