ĐÀO RỪNG, TRỒNG MÀ CHƠI!

Khoảng 20 năm gần đây, trên không ít những chuyến xe khách, xe tải và cả xe con từ những địa bàn miền núi về xuôi đều chở theo không ít cành đào đang hé nụ.

Đào của người dân trồng trong bản, đào tự nhiên mọc trong rừng và cả đào từ bên kia biên giới chuyển qua. Cứ mỗi cành đào, gốc đào về xuôi, thì một món tiền từ vài trăm nghìn đến hàng chục triệu, trăm triệu đồng “ở lại” với bà con-những người trồng đào, khai thác đào. Tổng khoản tiền này là không nhỏ và xét về khía cạnh kinh tế, đã góp phần giúp bà con về tài chính rất nhiều. Cái được từ mỗi cành đào về xuôi cũng có, nhưng cái mất thì cũng rất nhiều.

Bởi vậy, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo: “Cấm tuyệt đối việc chặt phá đào rừng để đón Tết. Các địa phương phải tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp chặt đào rừng chở về xuôi để chơi Tết”. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã giải thích rõ hơn về chỉ đạo đó của Thủ tướng, là “cấm chặt đào trong rừng tự nhiên”. Có nghĩa với những cây đào, cành đào người dân tự trồng, thì không thuộc “phạm vi điều chỉnh” trong chỉ đạo của Thủ tướng.

Ảnh minh họa: vov.vn

Tuy nhiên, trên thực tế thật khó để lực lượng chức năng xác định đâu là đào chặt từ rừng tự nhiên, đâu là đào do người dân trồng trong bản, trong vườn...

Đào Tết là thú chơi tao nhã truyền thống của cha ông ta truyền lại. Một cành đào nhỏ, nụ chúm chím, sắc phơn phớt hồng cùng bánh chưng xanh, câu đối đỏ trong những ngày đầu xuân đoàn tụ là nét văn hóa dân tộc rất nên được bảo tồn, lưu giữ. Nhưng chẳng hiểu từ bao giờ, những cành đào Tết trong nhà, nhất là ở những gia đình điều kiện kinh tế khá giả, thậm chí tại các công sở... cứ to dần lên!

Điều gì khiến dân ta giờ đây đua nhau chơi đào rừng theo kiểu “to, độc, lạ” như vậy? Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vỹ cho rằng, ngày xưa dân mình chỉ mong muốn “ăn no, mặc ấm”, rồi “ăn ngon, mặc đẹp”, nay tiến lên “ăn lạ, mặc độc”. Đó là xu thế theo sự phát triển của đời sống. Đẹp rồi, ngon rồi, nhưng giờ cần độc, lạ. Cả làng, cả phố chơi đào thắm, đào ta cả, nhưng thế thì thường quá, nhà mình giờ có của ăn của để, nhà to rồi, đẹp rồi, phải có cành đào lạ, độc hơn, to hơn, mà phải là đào rừng, dáng tự nhiên, gợi cổ, đào lấy từ rừng sâu heo hút, non cao vực thẳm, chả ai có được, mới là nhất!... Một nhà chơi, hai nhà chơi, dần dần trở thành phong trào. Và thế là, bao nhiêu năm nay đào rừng cứ chảy về xuôi như sông, như suối. Rồi ra Tết, đào chết khô chất cả đống. Còn ở trên rừng, từ những gốc đào, nhựa trắng đang chảy ra lại nhú lên mầm xanh mới, nhưng biết đến bao giờ mới trở thành một cành đào cổ thụ, sần sùi, để rồi bị chặt bán về xuôi?

Thú chơi đào rừng “to, độc, lạ” chỉ là nhu cầu nhất thời, một tập tục, thói quen mới hình thành. Mà tập tục, thói quen văn hóa không phải là bất biến, nó có thể thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh. Công tác tuyên truyền, vận động, ý thức tuân thủ luật pháp, trình độ nhận thức, quan niệm thẩm mỹ của người dân có thể tác động làm thay đổi thú chơi, lối chơi đào rừng dịp Tết, sao cho giản dị, tiết kiệm mà vẫn văn hóa và bảo vệ được môi trường sinh thái.

Thực ra, vấn đề rất đơn giản: Đào rừng, muốn chơi thì phải trồng!

TRẦN HOÀI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/dien-dan-chu-nhat/dao-rung-trong-ma-choi-648771