Đạo, nhái trong nghệ thuật chưa hạ nhiệt

Mặc dù là chuyện 'biết rồi, nói mãi' nhưng đạo nhái trong nghệ thuật vẫn gây bức xúc cho nhiều người yêu nghệ thuật chân chính.

Những ngày qua, trên các diễn đàn mạng xã hội ồn ào việc ông N.T.V (tỉnh Phú Yên) sao chép tác phẩm điêu khắc Tình biển của tác giả Lê Huy Hạnh và “đạo” tác phẩm điêu khắc Đồng đội của điêu khắc gia Vương Hữu Tư, để trang trí tại các tiểu cảnh ở công viên biển thành phố Tuy Hòa. Trong đó, bức tượng Đồng đội của nhà điêu khắc Vương Hữu Tư thể hiện hình tượng 3 chiến sĩ đại diện cho 3 miền Bắc - Trung - Nam đã chiến đấu, anh dũng hy sinh tại thành cổ Quảng Trị đã được ông N.T.V tự tiện đổi tên thành Mẫu tử khiến tác giả rất bức xúc. Còn Tình biển đã được biến tấu một số chi tiết, để tên tác giả N.T.V và đem dự thi một giải thưởng văn học nghệ thuật của địa phương.

Bức tượng Tình biển của tác giả Lê Huy Hạnh (bên trái) và tác phẩm đạo nhái đặt ở công viên biển Tuy Hòa (bên phải).

Bức tượng Tình biển của tác giả Lê Huy Hạnh (bên trái) và tác phẩm đạo nhái đặt ở công viên biển Tuy Hòa (bên phải).

Đặc biệt gần đây, Bộ VH-TT&DL đã ra quyết định thu hồi giải Nhì đối với thí sinh T.H.L tại “Cuộc thi Tài năng biểu diễn múa 2020”. Nguyên nhân bởi sau khi cuộc thi múa này khép lại không lâu, nhiều ý kiến phản ánh tác phẩm biểu diễn của thí sinh này bị tố đạo tác phẩm nước ngoài. Cụ thể, tác phẩm Số không khi được đưa lên mạng xã hội, đại diện Công ty MN Dance Company đã vào xem và bình luận: “Thật buồn khi người biên đạo điệu múa sao chép phần vũ đạo của chúng tôi và ký tên dưới tác phẩm này”.

Theo MN Dance Company, tác phẩm của họ được thực hiện vào năm 2017 với tên gọi S/HE... Trong màn múa Số không của T.H.L, thí sinh đã sử dụng âm nhạc từ màn trình diễn của S/HE do Diaphane sáng tác. “Tác phẩm của chúng tôi có thể được sử dụng như khơi gợi nguồn cảm hứng chứ không phải để sao chép. Nếu muốn sử dụng tác phẩm của chúng tôi, các bạn cần xin phép. Xin cảm ơn” - MN Dance Company bình luận.

Ngay sau khi có ý kiến tố màn múa Số không đạo nhái tác phẩm của nước ngoài, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT&DL) đã vào cuộc. Ban tổ chức, Ban giám khảo cuộc thi múa đã cùng ngồi lại, cùng xem và so sánh thì nhận thấy hình ảnh, chuỗi tổ hợp, âm nhạc của hai tác phẩm giống nhau. Giải trình từ phía biên đạo múa của thí sinh T.H.L cũng thừa nhận, nhóm biên đạo và diễn viên thể hiện tác phẩm Số không đã không xin phép bản quyền trước khi thi, sau khi nhận được phản hồi của Dance Company, ê-kíp đã gửi lời xin lỗi tới công ty sở hữu tác phẩm gốc... Tuy nhiên điều này cũng không thể giữ lại được giải Nhì từ màn múa Số không, bởi thí sinh biểu diễn đã vi phạm quy chế “Cuộc thi Tài năng biểu diễn múa 2020”.

Thực tế phản ánh, chuyện “mượn” tác phẩm của người khác để sáng tạo từng dấy lên những bức xúc trong giới nghệ sĩ, trong đó có các loại đạo nhái: tranh, ảnh, thơ, nhạc... Với những người làm nghề chân chính, hầu hết không thể chấp nhận tình trạng người này người kia “mượn” một vài chi tiết, thậm chí toàn bộ ý tưởng của tác phẩm gốc để xào xáo, lắp ghép lại thành tác phẩm của mình. Không chỉ thế, các tác phẩm đạo nhái còn tự tin tham gia các cuộc thi và rồi có thể may mắn được trao giải, hoặc ngang nhiên xuất hiện ở nơi công cộng. Chỉ khi bị phát hiện, những tác phẩm đạo nhái mới bị tháo dỡ, rút khỏi hoặc thu hồi giải thưởng.

Quan điểm của những người làm nghệ thuật đích thực, đó là dù với lý do và mục đích gì thì việc đạo nhái tác phẩm là không thể chấp nhận. Bởi đây là hành vi vừa xâm phạm bản quyền, đồng thời cũng cho thấy đạo đức của một số người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật chưa cao, ỉ lại, thiếu sự sáng tạo... Sự tồn tại của các tác phẩm đạo nhái khiến cho môi trường sáng tạo trở nên hỗn tạp và không còn lành mạnh. Công chúng đến với một tác phẩm nghệ thuật là để thưởng thức yếu tố khác biệt, mới mẻ, độc đáo mà mỗi tác giả đem lại. Còn khi tác phẩm chỉ là “hàng nhái”, vay mượn từ tác phẩm của người khác thì sớm muộn cũng bị đào thải, dư luận tẩy chay.

Mộc Lan

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dao-nhai-trong-nghe-thuat-chua-ha-nhiet-n183859.html