Đạo hiếu làm con

Phật giáo dạy chúng ta, mỗi người con nên thực hành hiếu hạnh với cha mẹ bằng sự quan tâm, chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ hằng ngày; đừng vì mải lo toan, bận rộn với cuộc sống thường nhật mà sao nhãng bổn phận làm con, để đến khi cha mẹ lìa xa cõi đời mới hối hận thì đã muộn màng.

Vào dịp lễ Vu Lan, mọi người thường cài lên ngực bông hồng nhỏ để tưởng nhớ công ơn của đấng sinh thành. Ảnh: Kim Ly

Vào dịp lễ Vu Lan, mọi người thường cài lên ngực bông hồng nhỏ để tưởng nhớ công ơn của đấng sinh thành. Ảnh: Kim Ly

Theo truyền thống Phật giáo Việt Nam, Vu Lan hay Vu Lan Bồn (15 tháng 7 âm lịch) là một lễ trọng, thể hiện sự tri ân, báo hiếu của con cháu với cha mẹ, ông bà tổ tiên. Lễ Vu Lan bắt nguồn từ sự tích về lòng hiếu thảo của Tôn giả Mục Kiền Liên, một đệ tử xuất chúng của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Chuyện kể rằng, khi Đại đức Mục Kiền Liên tu luyện thành công, ngài nhớ đến người mẹ đã khuất của mình nên dùng phép thần để tìm kiếm bà ở khắp nơi. Khi thấy mẹ bị đày ở cõi Ngạ Quỷ, phải chịu cảnh đói khát, cực khổ vì nghiệp quả đã gây ra, ngài vô cùng xót thương, liền dùng phép để dâng cơm đến địa ngục cho mẹ song đều bị biến thành lửa.

Ngài đành cầu cứu Phật tổ, Phật dạy rằng cách duy nhất để ngài cứu mẹ là nhờ sức mạnh hợp lực của chư tăng khắp mười phương. Và ngày Rằm tháng 7 là thời điểm thích hợp để chư tăng làm lễ cúng dường Tam Bảo làm phước báo cứu mẹ ngài. Phật nói: “Chúng sinh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ thì cũng dùng cách này”. Từ đó, ngày lễ Vu Lan báo hiếu ra đời.

Từ khi du nhập vào Việt Nam, Vu Lan đã trở thành ngày lễ lớn không chỉ của những người theo đạo Phật. Vào mùa lễ Vu Lan, người dân thường đến chùa, dâng hương hoa cầu mong cho cha mẹ, ông bà đã mất được vãng sanh về miền Cực Lạc; với những người còn cha mẹ, họ cầu cho cha mẹ có nhiều sức khỏe, bình an.

Những ai còn cha mẹ sẽ được cài lên áo bông hoa hồng màu đỏ, ai đã mất cha hoặc mẹ sẽ cài bông hoa màu hồng, ai đã mất cả cha và mẹ sẽ cài bông hoa màu trắng buồn thương. Việc làm này nhằm cầu nguyện cho cha mẹ đã mất được siêu thoát và nhắc nhở những người may mắn còn cha, còn mẹ hãy biết trân trọng, hiếu kính với đấng sinh thành.

Ngoài ra, nhiều người còn đến chùa nghe giảng Kinh Phật, cúng dường Tam Bảo, phóng sinh, ăn chay, giúp đỡ người nghèo để hồi hướng công đức cho cha mẹ, xem đó là những việc làm thiết thực để trả ơn đấng sinh thành.

Vào dịp lễ Vu Lan, mọi người thường đi chùa, viết lời nguyện ước treo lên cây cầu mong cho cha mẹ, ông bà được mạnh khỏe, bình an. Ảnh: Kim Ly

Vào dịp lễ Vu Lan, mọi người thường đi chùa, viết lời nguyện ước treo lên cây cầu mong cho cha mẹ, ông bà được mạnh khỏe, bình an. Ảnh: Kim Ly

Ông Bùi Văn Lập ở xã Đại Đồng, huyện Vĩnh Tường đã mất cha, chỉ còn mẹ già năm nay gần 80 tuổi. Để làm tròn đạo hiếu, ông luôn tận tình chăm sóc, phụng dưỡng mẹ già, lắng nghe lời dạy bảo của mẹ. Con, cháu noi gương ông Lập nên luôn quan tâm, kính trọng người già, ngoan ngoãn, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, học hành giỏi giang, cư xử ôn hòa, đúng mực.

Gia đình “Tứ đại đồng đường” của ông Lập luôn chung sống hòa thuận, vui vẻ. Vào mỗi mùa lễ Vu Lan, gia đình ông thường sum họp đông đủ, sắp mâm cơm thắp hương dâng lên người cha đã khuất. Cả nhà quây quần bên nhau, con cháu gửi lời chúc ông bà, cha mẹ có nhiều sức khỏe để an vui bên con cháu.

Tuy nhiên, bên cạnh những người con hiếu hạnh, vẫn có những người vì mải mê chạy theo những phù phiếm, xa hoa đời thường mà xao nhãng đạo làm con, không quan tâm, chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ.

Chị Nguyễn Thị Thùy ở phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên cho biết, trước đây, chị cho rằng việc yêu thương, chăm sóc con cái là trách nhiệm của cha mẹ. Vì thế, chị rất ích kỷ, thường chỉ biết đòi hỏi cha mẹ phải đáp ứng nhu cầu của mình mà ít quan tâm tới suy nghĩ, cảm xúc của cha mẹ.

Đến khi chị Thùy lập gia đình, có con chị mới hiểu được tấm lòng của cha mẹ, nhưng tiếc thay, cha mẹ chị đã sớm qua đời. Giờ đây, chị luôn ân hận vì đã không thể báo hiếu cha mẹ.

Mỗi mùa Vu Lan, chị thường lên chùa cầu an, thành tâm sám hối và làm nhiều việc thiện để hồi hướng công đức cho cha mẹ. Chị thường quyên góp đồ dùng, sách vở, quần áo cũ mang vào chùa nhờ các sư thầy tặng lại những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.

Chị cố gắng sắp xếp thời gian tham gia các buổi nấu cháo từ thiện cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn ở các bệnh viện. Đối với chị, làm việc thiện giúp ích cho đời là một hình thức tỏ lòng hiếu hạnh với cha mẹ.

Sư thầy Thích Đạo Tịnh, Thư ký Chánh Văn phòng Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Vĩnh Yên, chư tăng chùa Hà, thành phố Vĩnh Yên cho biết, trong Kinh Phật có dạy: "Có hai người ta không thể trả ơn được, đó là mẹ và cha".

Mùa Vu Lan là dịp để đánh thức lòng hiếu hạnh trong mỗi con người, để chúng ta tìm về với cha mẹ, thể hiện lòng biết ơn đối với đấng sinh thành, hối lỗi vì những việc xấu đã gây ra.

Mỗi người nên giữ trọn bổn phận làm con, luôn hiếu kính với cha mẹ. Việc báo hiếu cha mẹ phải được thực hiện thường xuyên, phụng dưỡng cha mẹ hằng ngày; bầu bạn, sẻ chia, tâm sự, động viên cha mẹ lúc tuổi già; làm việc thiện, tránh việc ác, trở thành người lương thiện, tài giỏi giúp ích cho đời, đó là cách báo hiếu cha mẹ một cách chân thành và đúng đắn nhất.

Và hãy báo hiếu ngay khi cha mẹ còn sống, đừng để đến khi cài bông hồng trắng nơi ngực áo đôi mắt mới rớm lệ muộn màng.

Bạch Nga

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/81815/dao-hieu-lam-con.html