Đạo diễn Trịnh Lê Phong nói về giải thưởng lớn tại LHP Tokyo

Bộ phim của đạo diễn Trịnh Lê Phong vừa giành giải Phim truyền hình nước ngoài hay nhất tại LHP truyền hình quốc tế Tokyo lần thứ 11, dù so với những phim truyền hình như 'Sống chung với mẹ chồng' hay 'Người phán xử' thì 'Chiều ngang qua phố cũ' có phần chìm hơn. Trước đó, bộ phim 'Chạy án' cũng từng đoạt giải này.

Một cảnh trong phim “Chiều ngang qua phố cũ”. Ảnh: TL

Một cảnh trong phim “Chiều ngang qua phố cũ”. Ảnh: TL

Từng bị chê ngay khi vừa phát sóng!

LHP truyền hình quốc tế Tokyo dù mới có lịch sử được gần 10 năm do Hiệp hội Truyền hình Nhật Bản (JBA) và Đài Truyền hình NHK tổ chức song các hạng mục giải thưởng tôn vinh tác phẩm điện ảnh, nghệ sĩ Nhật Bản và phim nước ngoài được đánh giá khá chất lượng. Những năm trước, tại hạng mục dành cho phim nước ngoài, chiến thắng thường thuộc về những nước như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ… Riêng năm 2017, bộ phim “Chiều ngang qua phố cũ ” của đạo diễn Trịnh Lê Phong, sản xuất bởi Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) đã vinh dự nhận giải.

“Chiều ngang qua phố cũ” lấy bối cảnh về một đại gia đình Hà Nội gốc có bốn người con là: Hà, Thành, Thanh, Lịch. Biến cố xảy đến khi họ phải rao bán căn nhà cổ do cha mẹ để lại. Trước số tài sản quá lớn, một cuộc chiến đòi quyền lợi bùng nổ, mối quan hệ trong gia đình bị chia rẽ. Vì mô tuýp này nên ngay khi vừa phát sóng vào thời điểm năm 2016, bộ phim đã bị chê “cũ”, gần giống với nội dung phim “Mùa lá rụng” của đạo diễn Quốc Trọng từng “đóng đinh” vào lòng khán giả những năm 2000. Vậy điều gì khiến một đề tài phim bị coi là cũ, dàn diễn viên đều quen mặt, kịch bản ít yếu tố xung đột lại được vinh danh? Trả lời câu hỏi này, đạo diễn Đỗ Thanh Hải nhận định, lý do là đoàn làm phim có cách tiếp cận mới cụ thể là trong kịch bản và cách khai thác của đạo diễn thông qua việc nhìn nhận những giá trị cũ bằng góc nhìn trẻ. Từ góc độ này, phim đã mang đến cho người xem những cảm xúc và cả những nhận thức mới.

“Chiều ngang qua phố cũ” có sự tham gia diễn xuất của NSND Bùi Bài Bình, NSƯT Công Lý, NSƯT Kim Oanh, NSƯT Hoàng Lan… Phim cũng đánh dấu sự trở lại màn ảnh của NSƯT Minh Trang “ngôi sao sân khấu” một thời, NSND Anh Tú và nghệ sĩ Hoa Thúy sau thời gian vắng bóng. Phim từng nhận giải Nữ diễn viên chính xuất sắc (NSƯT Nguyễn Minh Trang) và Nam diễn viên phụ xuất sắc (NSƯT Công Lý) ở lễ trao giải Cánh diều Vàng 2017. Với truyền hình Việt Nam, có thể coi đây là một bộ phim quy tụ dàn diễn viên “khủng” gồm những nghệ sĩ cá tính, từng đoạt nhiều giải thưởng và quen mặt với khán giả.

Trả lời PV Báo Gia đình & Xã hội, đạo diễn Trịnh Lê Phong cho biết: “Mỗi nghệ sĩ đều có một cá tính riêng, điều đó góp vào thành công chung của bộ phim này. Chẳng hạn, NSND Anh Tú luôn hỏi ngược lại đạo diễn nếu cảm thấy có gì khúc mắc một cách rất trực diện chứ không phải tế nhị, khéo léo. Vai diễn của NSƯT Kim Oanh ban đầu tôi đã định cho người khác nhưng vì nghệ sĩ đó bận nên tôi quyết định chọn NSƯT Kim Oanh. NSƯT Minh Trang đang sống ở Singapore thì suýt bỏ vai với lý do sức khỏe cá nhân, khoảng cách địa lý cuối cùng vì tình yêu với nghiệp diễn đặc biệt là đóng phim ở Hà Nội, nơi chị bắt đầu con đường nghệ thuật của mình nên chị quay về tham gia phim. Còn NSND Bùi Bài Bình, anh tìm thấy nhiều điểm tương đồng của nhân vật với bản thân anh nên rất hào hứng với vai diễn này và tất nhiên anh đảm nhận vai diễn rất xuất sắc”.

Chuyện hậu trường đặc biệt

Hơn 30 năm trước, đạo diễn Trịnh Lê Phong chính là diễn viên nhí vào vai bé Tuấn trong bộ phim nổi tiếng “Bao giờ cho đến tháng Mười”. Diễn xuất của anh được đánh giá cao nhưng bẵng đi một thời gian, khán giả đã bất ngờ khi Trịnh Lê Phong chọn con đường trở thành một đạo diễn phim truyền hình và các chương trình như “Hành trình kết nối những trái tim”. Riêng bộ phim “Chiều ngang qua phố cũ” còn đặc biệt ở chỗ, đây đánh dấu lần đầu tiên hợp tác giữa đạo diễn Trịnh Lê Phong và biên kịch Nguyễn Hồng Trâm dù hai người quen nhau cách đây 30 năm.

Nam đạo diễn kể, ngày ấy, anh mới 10 tuổi, là cậu bé yêu thích phim ảnh được bố mẹ nhờ gia đình Nguyễn Hồng Trâm, khi ấy quản lý một rạp chiếu phim cho vào phòng thuyết minh để được xem miễn phí. Không có chỗ ngồi, Trịnh Lê Phong thường xuyên ngồi trong lòng chị Nguyễn Hồng Trâm. Đó là một ký ức đẹp và trở lại hiện tại với câu chuyện đầy bất ngờ, ý nghĩa cho điện ảnh. Đạo diễn Trịnh Lê Phong tiết lộ, sau khi phim phát sóng, anh đã nhận được nhiều phản hồi tốt từ khán giả, đặc biệt là những người sống ở Hà Nội vì họ như cảm thấy có một phần gia đình mình trong đó.

“Tôi nhận lời làm phim này cũng vì tâm đắc với câu chuyện về đời sống, con người Hà Nội của ngày hôm nay. Mọi thứ dường như đã thay đổi rất nhiều, nhưng ẩn sâu trong đời sống, trong mỗi con người vẫn là cái hồn cốt của ông bà xưa nay, đó là truyền thống sống trọng đạo lý, hướng thiện và dẫu trải qua bao biến cố thì cốt cách đó vẫn được người Hà Nội lấy làm trọng, làm điểm tựa cho họ vượt qua thách thức cuộc đời. Mỗi nhân vật trong phim là một câu chuyện nhỏ, với đời sống nội tâm phong phú tạo nên một bức tranh sinh động với những mạch chảy ngầm lúc dữ dội, lúc dịu êm”, đạo diễn Trịnh Lê Phong chia sẻ.

Còn NSND Bùi Bài Bình trải lòng, ngay khi vừa đọc kịch bản, ông đã thích vì bộ phim không hề cũ đến mức chỉ dành cho tuổi trung niên mà còn phù hợp với cách tư duy, nhận thức vấn đề của giới trẻ. NSND Anh Tú đã lâu không làm phim truyền hình, phần vì bận rộn, phần vì ông cũng khá kỹ tính trong lựa chọn kịch bản thì với “Chiều ngang qua phố cũ” cũng nhận lời ngay sau khi đọc xong kịch bản bằng niềm hứng thú với câu chuyện và nhân vật Thành trong phim.

Chia sẻ về hậu trường của bộ phim vừa đoạt giải, đạo diễn Trịnh Lê Phong kể, ngoài kỷ niệm đáng nhớ với nhà biên kịch, các nghệ sĩ gạo cội thì giữa anh và NSƯT Công Lý cũng có nhiều cơ duyên. Hai người chơi với nhau đã 20 năm, nhưng đây là lần đầu tiên NSƯT Công Lý tham gia phim của bạn mình và cũng là lần đầu tiên anh ấm ức chuyện “mình sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nhưng chưa bao giờ được đóng vai người Hà Nội”. Đây là vai diễn đậm chất Hà Nội nhất mà anh tham gia, nhưng rốt cuộc vẫn vào vai chàng rể có nguồn gốc từ vùng biển!

Chia sẻ cảm xúc về giải thưởng tại LHP truyền hình quốc tế Tokyo, đạo diễn Trịnh Lê Phong tâm sự, việc bộ phim từng được đề cử VTV Awards 2017, nay đoạt giải tại nước ngoài mang ý nghĩa động viên về mặt tinh thần rất lớn. Anh và đồng nghiệp luôn mong muốn khán giả ủng hộ phim truyền hình Việt nói riêng và phim điện ảnh nước nhà nói chung. Đó cũng là động lực để những người làm phim luôn “thúc ép” mình sáng tạo nên những tác phẩm chất lượng gửi tới công chúng.

Thành Nam

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giai-tri/dao-dien-trinh-le-phong-noi-ve-giai-thuong-lon-tai-lhp-tokyo-20171017085758852.htm