Đạo diễn Trần Anh Hùng: Người đánh thức giác quan khán giả

Phim nào của đạo diễn Trần Anh Hùng cũng đẹp và thơ bởi tính duy mỹ, tỉ mỉ và cầu toàn trong từng khung hình. Đến Muôn vị nhân gian (tên tiếng Anh: The Pot-au-Feu) - tác phẩm giúp anh giành giải Đạo diễn xuất sắc tại Liên hoan phim Cannes 2023, khán giả còn như được 'ngửi, sờ, nếm' từng thước phim sống động như thật trên màn ảnh.

1. Ẩm thực luôn có một vị trí đặc biệt trong những thước phim của đạo diễn Trần Anh Hùng. Khán giả hẳn còn nhớ, khi thực hiện Mùi đu đủ xanh (1993), chỉ một phân cảnh cố nghệ sĩ Ánh Hoa xào rau - món ăn bình dị, dân dã tưởng đơn giản, dễ làm nhưng khiến không ít người té ngửa, hóa ra đây mới là xào rau… đúng chuẩn.

Và đến Muôn vị nhân gian, ẩm thực không chỉ mang tính chất làm nền. Nó chính là hồn cốt, sợi dây gắn kết câu chuyện tình yêu giữa những con người với tình yêu vô bờ bến dành cho ẩm thực, đồng điệu từ suy nghĩ, lời nói cho đến hành động.

Trong cuộc trò chuyện, đạo diễn Trần Anh Hùng bày tỏ: “Thử thách đầu tiên là làm sao tạo được sự cân bằng giữa câu chuyện tình yêu và ẩm thực. Thông thường, người ta làm phim về ẩm thực, bắt đầu với ẩm thực rồi dần dần câu chuyện càng lúc càng quan trọng nên lướt mất những cảnh về ẩm thực. Tôi muốn nó phải đạt được độ cân bằng và thực sự là một thử thách lớn”. Anh cũng đặt ra mục tiêu: “Những phân cảnh phải hay đến độ những người sau này khi muốn làm phim về ẩm thực sẽ rất khó cho họ để vượt qua phim này. Tôi tự nói với mình và mong kết quả như thế”.

Đạo diễn Trần Anh Hùng trên phim trường Muôn vị nhân gian. Ảnh: ĐPCC

Ẩm thực trong Muôn vị nhân gian trải suốt từ đầu đến cuối phim. Khán giả chưa kịp vơi bụng, nghỉ mắt lại dồn dập những phân cảnh với các món ăn đầy đủ cao lương mỹ vị cùng hành trình của sự cầu kỳ, nghiêm ngặt trong chế biến và cả cách ăn… không giống ai. Như phân cảnh nhân vật chính Dodin (Benoit Magimel thủ vai) cùng nhóm bạn khi ăn một con chim, nhiều người thắc mắc sao phải dùng khăn ăn trùm kín đầu. Theo lý giải, đó là một phong tục đặc biệt ở miền Tây Nam nước Pháp. Chim sau khi được chiên, phải dùng khăn ăn trùm kín đầu che lại để mùi thơm không bay đi. Dưới tấm khăn trùm, khách cầm con chim, đặt lên má cho đến khi chịu được độ nóng sẽ bắt đầu ăn. Vì cả con chim sẽ được bỏ vào miệng, mỡ có thể chảy ra khiến cách ăn có thể xấu xí nên họ sẽ che lại. Cách ăn vừa giấu, vừa trốn này sẽ khiến thực khách thưởng thức trọn vẹn tinh hoa. Hay phân cảnh khi Dodin nấu cho Eugénie (Juliette Binoche) món gà hầm, để được một phần lườn gà ưng ý, ông phải tốn đến 2 con gà khác làm nước dùng. Cảnh kết phim, món bò hầm kiểu Pháp lại cần đến 40kg thịt. Mỗi cảnh quay như thế được thực hiện rất nhiều lần... Thế mới thấy sự dụng công, mỗi món ăn chẳng khác nào hành trình khám phá đầy bất ngờ. Vì quá ngon, quay xong phim, các diễn viên thậm chí không thể... cài nút áo do tăng cân.

Trong Muôn vị nhân gian, đạo diễn Trần Anh Hùng dùng rất nhiều cú máy dài (long take) để tái hiện không khí trong gian bếp đầy mỹ vị, nên thơ. Như phân cảnh đầu tiên, kéo dài khoảng 15 phút được kết hợp từ 3 cú máy dài như thế. Các cảnh nấu bếp phải chuẩn bị thật kỹ từ trước vì rất phức tạp ở khâu kỹ thuật.

“Trong cùng một cú máy, đi từ món ăn này qua món kia phải đạt độ chính xác để tất cả phải chín đúng lúc mình đưa lên bàn. Các nhân vật cũng phải đạt đến sự hoàn hảo khi di chuyển trong bối cảnh, ngôn ngữ cơ thể, độ duyên dáng, phối hợp tay chân, việc quyết định đặt con dao ở đây, cái thìa ở kia… để không mất nhịp. Khó nhưng thú vị”, đạo diễn Trần Anh Hùng phân tích. Điều thú vị là, dù một bộ phim đặc sệt chất ẩm thực Pháp nhưng khán giả vẫn nhận ra những tiểu tiết rất Việt Nam. Như phân cảnh người hầu gái dùng gáo kéo nước giếng bằng tay, đổ ra chậu rửa từng cọng rau rất quen thuộc và gần gũi.

2. Đạo diễn Trần Anh Hùng nói, anh mất 7 năm từ khi có ý tưởng đầu tiên cho đến khi hoàn thành xong Muôn vị nhân gian. “Đó là một thời gian quá dài. Tôi không thích chuyện đó nhưng không tránh được”, anh chia sẻ.

Khi được hỏi, có trong tay vô số giải thưởng danh giá, việc xin tiền không “dễ thở” hơn chút nào, đạo diễn Trần Anh Hùng thẳng thắn: “Không dễ để kiếm tài trợ vì càng ngày càng khó”. Anh tiết lộ, tại Pháp có hệ thống rất rõ ràng, các nhà sản xuất đều phải đi qua. Họ không bỏ tiền, mà sẽ phải đi tìm kinh phí từ những hãng phim lớn, nếu bị từ chối mới tiếp tục với các hãng phim nhỏ. Họ cũng sẽ tìm đến những đại lý bán phim quốc tế, ước chừng số tiền mình cần và trao quyền phát hành cho đối tác. Anh giải thích thêm: “Nó không phải công việc của tôi. Nhưng nhà sản xuất vẫn cần tôi đến gặp những người đó để thuyết phục nếu họ có bất kỳ thắc mắc nào về kịch bản hay cách làm phim”. Theo anh, với một nhà làm phim có giải thưởng vẫn tốt, vẫn có thể làm phim nhưng sẽ không được thường xuyên. Ngay cả khi được cấp kinh phí, số tiền nhận được cũng ít hơn. “Phải làm và chấp nhận với chuyện đó”, anh chia sẻ.

Đặt lên bàn cân giữa tính thương mại và nghệ thuật, đạo diễn Trần Anh Hùng thừa nhận anh không thay đổi. Anh hóm hỉnh, lần nào cũng nghĩ phim mình sẽ ăn khách nhưng rồi lại thất bại. Tuy nhiên, anh hạnh phúc vì thành công vừa đủ để được làm phim kế tiếp. Tính đến nay, sau hơn 2 tuần phát hành, Muôn vị nhân gian thu về doanh số khá khiêm tốn, chỉ hơn 2,4 tỷ đồng. Thống kê từ Box Office Mojo, trên toàn cầu, phim hiện có doanh thu gần 7,3 triệu USD. Trong sự nghiệp của anh, ở phương diện phòng vé, thành công hơn cả là Rừng Na Uy (năm 2010) với doanh thu hơn 19 triệu USD.

“Nhiều đạo diễn lừng danh như Steven Spielberg có thể làm phim vừa ăn khách vừa có chất lượng điện ảnh cao. Họ có tài riêng, nắm bắt được sự chờ đợi của khán giả. Đó là cái mình cần nhìn thấy, hiểu về ngôn ngữ chuyên biệt của điện ảnh để khai thác trong việc làm phim thương mại. Cũng có thể vì tôi không quá quan tâm nên không thể làm phim ăn khách. Tôi thường chỉ quan tâm đến cái mình nghĩ là đúng cho phim của mình. Với tôi, mỗi bộ phim như một món quà, chứ không phải để tạo ra doanh thu”, đạo diễn Trần Anh Hùng nêu quan điểm.

Sau Muôn vị nhân gian, đạo diễn Trần Anh Hùng dự định thực hiện một bộ phim về Đức Phật. Ngoài ra, anh cũng đang kết hợp với biên kịch Nguyễn Khắc Ngân Vi để thực hiện một câu chuyện chỉ toàn phụ nữ với những tình huống đời thường. “Tôi mất 9 tháng từ sau Liên hoan phim Cannes để quảng bá cho phim, với 59 chuyến bay đi khắp nơi. Vợ tôi - Yên Khê nói phải nhanh lên. Tôi nghĩ nhịp tốt nhất của tôi là 2 năm 1 phim, quãng thời gian đó là đủ để duy trì sức khỏe và sự sáng tạo”, đạo diễn Trần Anh Hùng chia sẻ.

VĂN TUẤN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/dao-dien-tran-anh-hung-nguoi-danh-thuc-giac-quan-khan-gia-post734192.html