Đạo diễn phim 'Biệt động Sài Gòn' qua đời

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho biết, đạo diễn Long Vân qua đời ngày 24/12, sau thời gian điều trị ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô, hưởng thọ 87 tuổi.

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã chia sẻ, những năm cuối đời, đạo diễn Vân Long phải ngồi xe lăn do bị tai nạn gãy chân. Vợ ông - bà Kim Cương là người chăm sóc đạo diễn ở nhà riêng trên phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội.

Đạo diễn Long Vân.

Đạo diễn Long Vân sinh năm 1936 tại Hà Nội. Năm 14 tuổi, ông được gửi sang Khu học xá Trung ương ở Trung Quốc, học tập cùng GS.TS Nguyễn Lân Dũng; GS. Hồ Ngọc Đại... Sau năm 1954, ông tốt nghiệp Trường Sư phạm và làm việc tại Bộ Giáo dục.

Giữ trong lòng niềm đam mê với nghệ thuật, khi biết tin Trường Điện ảnh Việt Nam tổ chức tuyển sinh khóa đầu, Long Vân lập tức dự thi và trúng tuyển. Tuy vậy, do thừa số lượng người theo học, nhà trường gợi ý ông chuyển sang lớp diễn viên và học thêm ngành đạo diễn.

Đạo diễn Long Vân từng có gần 20 năm làm trợ lý đạo diễn, phó đạo diễn cho các bậc đàn anh như Phạm Kỳ Nam, Huy Thành, Bạch Diệp, Nông Ích Đạt…. Sau đó, ông bắt đầu được chú ý khi dàn dựng bộ phim Tiếng gọi phía trước, đoạt Giải Đặc biệt tại Liên hoan phim quốc tế tại Moskva, năm 1979. Một năm sau, đạo diễn Long Vân làm phim Nơi gặp gỡ của tình yêu, Cho cả ngày mai.

Sự nghiệp của đạo diễn Long Vân thăng hoa với Biệt động Sài Gòn - bộ phim màu đầu tiên của nền điện ảnh Việt Nam được công chiếu năm 1985 gồm 4 tập có tên lần lượt là Điểm hẹn, Tĩnh lặng, Cơn giông, Trả lại tên cho em. Biệt động Sài Gòn thời điểm ra mắt gây tiếng vang lớn và nằm trong số những bộ phim ăn khách nhất của điện ảnh Việt Nam một thời. Phim cũng được coi là huyền thoại điện ảnh nước nhà.

Nói về cơ duyên làm đạo diễn phim Biệt động Sài Gòn, nghệ sĩ Long Vân từng thổ lộ: Hơn 30 năm về trước, trong một chuyến bay, ông tình cờ gặp Thiếu tướng Trần Hải Phụng, nguyên Tư lệnh Biệt động Sài Gòn. Thiếu tướng Trần Hải Phụng cho biết rất thích một số phim đạo diễn Long Vân làm, đồng thời gợi ý ông nên làm một bộ phim về những người biệt động Sài Gòn. Sau đó, ông bắt đầu hành trình gặp các chiến sĩ biệt động nguyên mẫu như Tư Chu, Bảy Bê, Năm Nè... và tiến hành dàn dựng bộ phim.

Không chỉ có sự nghiệp thành công, đạo diễn Long Vân còn được biết đến với câu chuyện tình ngọt ngào cùng nghệ sĩ Kim Cương. Nhắc tới vợ, ông luôn dành sự trân trọng, biết ơn người nghệ sĩ của Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã cùng chồng vượt qua bao nhiêu khó khăn gian khổ, giúp ông có thể dành thời gian, tâm huyết cho những tác phẩm nghệ thuật.

Trích 'Biệt động Sài Gòn':

Tình Lê

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/dao-dien-long-van-biet-dong-sai-gon-qua-doi-2230835.html