ĐẠO DIỄN NGUYỄN THỊ MINH NGỌC: Tôi mang ơn những bậc tiền bối

Dù đa đoan nhiều nghề nhưng có hai công việc mà tác giả - đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc đam mê nhất là viết văn và diễn xuất

Tác giả - đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc đã dựng trên 30 vở, viết trên 70 kịch bản sân khấu, trên 30 kịch bản điện ảnh, hàng trăm tập phim truyền hình và một số công trình nghiên cứu về sân khấu, cải lương.

Phóng viên: Bà chia thời gian ra sao cho các công việc sáng tác kịch bản phim, kịch nói, đạo diễn sân khấu...?

- Đạo diễn NGUYỄN THỊ MINH NGỌC: Thật ra, tôi viết kịch bản rồi để đó, đủ duyên thì dàn dựng thành vở diễn, thành phim. Khi chúng đồng loạt xuất hiện, nhiều người thấy vậy tưởng tôi viết "sung".

Chẳng hạn, NSƯT Hữu Châu sắp dàn dựng vở "Lời thề" mà tôi đã viết hơn 10 năm trước, dựa theo tác phẩm của nhà văn Hồ Biểu Chánh. Kịch bản "Tâm bút Trần Hữu Trang" tôi cũng viết rồi để đó, khi đủ duyên thì gia cố và đưa lên sàn tập.

Đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc. Ảnh: THANH HIỆP

Vừa ra mắt sách "Cô đào hát", hẳn bà có nhiều cảm xúc?

- Sau bao nhiêu năm, tôi mới có cơ duyên với "Cô đào hát". Nhà tôi có người mất vì dịch COVID-19 nên tôi cảm thấy sự sống và cái chết mong manh quá. Hôm nay là vậy song không biết ngày mai sẽ ra sao. Vậy nên, hôm nay làm được điều gì thì cứ làm.

Nay đã ở tuổi 70, tôi thấy mình là người còn đầy khiếm khuyết nhưng luôn có khát vọng viết để nói giùm những người không có khả năng tự nói về họ.

Với "Cô đào hát", tôi hạnh phúc khi có nhiều nghệ sĩ, báo chí, nhà nghiên cứu... đến tham dự buổi ra mắt sách lần đầu tiên của mình.

Bà tâm sự bản thân thường bị "bom kịch bản" nhưng cũng cho rằng điều này lại làm nên chuyện?

- Trước đây, một đạo diễn trẻ đặt hàng viết kịch bản tốt nghiệp về đề tài kinh dị, tôi nhận lời và hì hục viết. Bẵng đi một thời gian, bạn ấy nói do dịch COVID-19 nên đã chọn kịch bản khác để dựng.

Tất nhiên, tôi không nhận được thù lao nhưng vẫn không buồn. Tôi nghĩ nếu người này chưa đủ duyên thì mình sẽ đủ duyên với người khác. Cũng có khi kịch bản để đó rồi lại đủ duyên với chính mình. Có khi tôi viết, dựng và diễn luôn.

Trong sáng tác của bà thường có rất nhiều chất liệu hay. Bà có được những chất liệu này như thế nào?

- Tôi sinh ra trong một gia đình có người mẹ tham gia hoạt động phong trào, từng bị giam trong Khám Lớn Sài Gòn - nơi nữ anh hùng Nguyễn Thị Minh Khai từng bị giam cầm. Chính vì ngưỡng mộ tinh thần kiên cường của người chiến sĩ cách mạng này mà má đặt tên lót cho chị em tôi là Minh (Minh Ngọc, Minh Phượng - PV).

Đạo diễn Tôn Thất Cần, Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, tặng hoa chúc mừng tác giả Nguyễn Thị Minh Ngọc tại buổi ra mắt sách “Cô đào hát”. Ảnh: THANH HIỆP

Má tôi đi đâu cũng hoạt động phong trào, ba tôi làm việc cũng không yên, phải chuyển nhà đi khắp nơi. Vì vậy, chị em tôi mỗi người sinh ra ở mỗi tỉnh. Má tôi khi bị bắt vào trong khám còn tham gia diễn kịch, từng đóng với các bạn tù vở "Tống Nhân Tông và Bàng Quý Phi".

Do hoàn cảnh gia đình như vậy nên tôi được tiếp xúc nhiều tính cách văn hóa khác nhau. Mỗi khi dọn nhà đi, ba tôi bán sạch mọi thứ nhưng sách thì ông giữ lại và tôi đã đọc gần hết các đầu sách này. Tôi cũng học được ở má cách kể chuyện. Má tôi kể chuyện rất hay, từ chuyện cổ tích đến chuyện trong tù.

Có lẽ những điều vừa kể đã giúp tôi có nhiều chất liệu khi sáng tác.

Kịch bản hay về sử Việt ngày càng khan hiếm, bà có thể lý giải vì sao?

- Đó là do mình không biết cách làm. Tôi xem tác phẩm nhạc kịch thuần Việt "Tiên Nga" do NSƯT Thành Lộc biểu diễn, đến lúc thể hiện cảnh nàng Kim Liên đối mặt quân giặc, bài "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" của cụ Nguyễn Đình Chiểu vang lên, khán giả đã bật khóc, trong đó có nhiều bạn trẻ. Nếu thực hiện những vở diễn hay, chất lượng cao như vậy thì khán giả sẽ mua vé xem thôi.

Vừa rồi, khi về Bến Tre, tôi đã đến thắp hương cụ Nguyễn Đình Chiểu, đến viếng mộ nữ sĩ Sương Nguyệt Anh - nhân vật mà tôi từng được thể hiện trên sân khấu trong một chương trình do đạo diễn Vũ Minh dàn dựng. Viết kịch bản sử Việt thì phải truyền đến khán giả lòng tự hào về cội nguồn dân tộc.

Nhìn qua các nước, họ viết kịch bản phim dựa theo sử rất "rộng tay" - có thể phim này nhân vật đó là chính diện, còn ở phim khác lại là phản diện. Trong sáng tác kịch bản sử Việt của ta hiện nay còn một vài định kiến khó thể thay đổi. Điều đó ít nhiều gây khó cho nguồn kịch bản sử Việt.

Viết kịch bản "Tâm bút Trần Hữu Trang" phải chăng là cách mà bà trả ơn đơn vị nghệ thuật mà mình gắn bó gần 20 năm?

- Không chỉ là chuyện đã ăn lương gần 20 năm, tôi còn mang ơn những bậc tiền bối đã dày công vun đắp cho sự nghiệp văn hóa - nghệ thuật của nước nhà. Thầy Đoàn Bá lúc đó là Giám đốc Nhà hát Trần Hữu Trang đã kêu tôi về giúp ông kết nối giữa thế hệ nghệ nhân lớn tuổi với lớp diễn viên trẻ, bởi khoảng cách thế hệ quá xa. Nhờ vậy mà tôi chạm vào nghề hát khi được làm việc với những nghệ sĩ tâm huyết truyền nghề.

Tôi vẫn nhớ những bài học triết lý của NSND Phùng Há, nghệ sĩ Kim Cúc, NSƯT Tấn Đạt, NSƯT Hoàng Ba… và tác giả Trần Hữu Trang. Đó là những bài học sống động, vì một đất nước độc lập, mang giá trị tinh thần rất lớn. Tác giả Trần Hữu Trang vốn sống trong lòng địch nên đã gửi gắm những tiếng lòng dân tộc vào các tác phẩm của mình. Vì thế, tôi lấy tên "Tâm bút Trần Hữu Trang" để giãi bày những nỗi niềm mà ông gửi vào kịch bản.

Bà có hài lòng với sự nghiệp chưa, hay còn điều gì chưa làm được? Với những học trò đã đào tạo, bà tâm đắc với ai nhất?

- Tôi không nỡ từ chối nên còn ôm đồm quá nhiều việc.

Còn về những học trò mà mình đã đào tạo, tôi hài lòng nhất với NSƯT Hữu Châu và nghệ sĩ Hồng Đào. Cả hai đã vững vàng trên con đường nghệ thuật và có sức ảnh hưởng lớn đến thế hệ diễn viên trẻ.

Đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc đã chấp bút hồi ký "Tâm thành và Lộc đời" của NSƯT Thành Lộc; viết kịch bản để Hãng phim Trẻ thực hiện bộ phim chân dung về thân sinh của anh, NSND Thành Tôn - người đã tạo dấu ấn đậm nét trong lòng công chúng về một nghệ sĩ hát bội đã tận hiến cho đời nhiều vai diễn hay.

Trong hàng loạt sáng tác của mình, đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc có nhiều vở diễn ăn khách như: "Tía ơi, má dìa", "Tiên Nga", "Hãy yêu nhau đi", "Trái tim nhảy múa", "8 người đàn bà", "Người đàn bà đức hạnh"... (diễn tại Sân khấu IDECAF); "29 anh về", "Hãy khóc đi em", "Mơ trăng bóng nước", "Sài Gòn có một ngã tư" (Sân khấu Hoàng Thái Thanh); "Nắng chiều", "Vàng hay bạc nhái" (Sân khấu Quốc Thảo); "Bản chúc thư" (Sân khấu Kịch Hồng Vân); "Tiếng hát học trò" (Sân khấu Quốc Thảo - Minh Nhí); "Cô đào hát" (Nhà hát Trần Hữu Trang)...

THANH HIỆP thực hiện

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/van-nghe/dao-dien-nguyen-thi-minh-ngoc-toi-mang-on-nhung-bac-tien-boi-20230923202725903.htm