Đạo diễn Lê Cung Bắc với Đà Lạt

Ít người biết lý do khiến đạo diễn Lê Cung Bắc (1946 - 2021) chọn học đại học ở Đà Lạt vì có người em con của ông chú ruột đang dạy học tại đây.

Cố đạo diễn Lê Cung Bắc. Ảnh: Tư liệu

Điều ấy đã được chính đạo diễn Lê Cung Bắc thổ lộ trong cuốn hồi ký Bụi cát chân mây, NXB Hội Nhà văn - năm 2023: "Đó là vào niên khóa 1966 - 1967, tôi quyết định vào học ở Viện Đại học Đà Lạt, vì ở Đà Lạt có người em con chú ruột tên là Lê Phỉ. Gọi là em chứ thực sự ông Lê Phỉ lớn hơn tôi 19 tuổi. Lúc đó ông Lê Phỉ đang là Hiệu trưởng Trường Tư thục Việt Anh, ở số 2 Hai Bà Trưng, TP Đà Lạt". Tại Viện Đại học Đà Lạt, sinh viên Lê Cung Bắc theo học khoa Chính trị Kinh doanh. Ngoài thời gian lên giảng đường, chàng sinh viên trẻ còn tham gia giảng dạy tại Trường Tư thục Việt Anh. Nhờ đó, Lê Cung Bắc vừa có tiền đóng học phí, vừa có tiền trang trải chi tiêu cá nhân. "Khoảng thời gian học tại Viện Đại học Đà Lạt vỏn vẹn chỉ có 3 năm (năm thứ 4 chúng tôi phải về Sài Gòn học tiếp) nhưng đã để lại trong tôi nhiều dấu ấn tươi đẹp của thời sinh viên đầy nhiệt huyết. Điều tuyệt vời nhất là tôi đã gặp được Giang - vợ yêu dấu của tôi", đạo diễn Lê Cung Bắc chia sẻ.

Không chỉ có con đường học vấn, cả sự nghiệp nghệ thuật sân khấu và điện ảnh sau này của ông đều là dư vang ở miền đất lạnh. Đang học năm 3 Viện Đại học Đà Lạt, niên khóa 1969 - 1970, Lê Cung Bắc và các bạn cùng khóa 4 gồm Nguyễn Hữu Anh Tuấn, Uông Bình Minh và Nguyễn Hữu Tuân đứng ra thành lập Ban kịch, thuộc khoa Chính trị Kinh doanh. Vở diễn đầu tiên của Ban kịch có tên Người viễn khách thứ 10 (tác giả: Nghiêm Xuân Hồng) do Nguyễn Hữu Anh Tuấn làm đạo diễn, Lê Cung Bắc và Uông Bình Minh, Khánh Liễu làm diễn viên. Vở diễn còn có sự tham gia của Diệp Văn Phinh (sinh viên khóa 5, Viện Đại học Đà Lạt). Ban kịch diễn tiếp vở Thành Cát Tư Hãn (tác giả Vũ Khắc Khoan). Lê Cung Bắc đóng vai tráng sĩ Sơn Ca, Uông Bình Minh vai Thành Cát Tư Hãn và Nguyễn Hữu Anh Tuấn làm đạo diễn. Trần Quốc Toản và Trần Trí (sinh viên khóa 4), cùng Dư Bích Văn (sinh viên khóa 6) cũng đã tham gia diễn vở Thành Cát Tư Hãn. "Ban kịch khóa 4 thành lập trong nửa giờ, diễn được 2 vở, sống được hơn 3 tháng, rồi tự giải tán", đạo diễn Lê Cung Bắc nhớ lại.

Sau khi ban kịch giải tán, Lê Cung Bắc đã gặp Phạm Văn Lại (sinh viên khóa 6) lúc đó đang học năm nhất, qua 1 ngày trao đổi, cả hai đi đến thống nhất thành lập ban kịch sinh viên của khoa Chính trị Kinh doanh. Tháng 5-1970, Ban kịch Trường Giang ra đời. Lê Cung Bắc làm Trưởng Ban phụ trách nghệ thuật sân khấu, trình diễn và Phạm Văn Lại giữ chức Phó Ban phụ trách tài chính, tiếp thị, hậu cần. Ngày 25-12-1970, Ban kịch Trường Giang ra mắt kịch phẩm Những người không chịu chết (tác giả Vũ Khắc Khoan). Vở kịch này, Lê Cung Bắc làm đạo diễn, kiêm đóng vai Người đàn ông - pho tượng và Phạm Văn Lại đóng vai Sơn. Tiếp đó, Ban kịch Trường Giang trình diễn lại vở Thành Cát Tư Hãn (tác giả Vũ Khắc Khoan). "Rồi đến lúc tôi phải về Sài Gòn học tiếp năm thứ 4 và Cao học. Tôi chia tay với Ban kịch Trường Giang, sau khi bàn giao tất cả cho Phạm Văn Lại", đạo diễn Lê Cung Bắc cho hay.

Tuy nhiên, vì máu văn nghệ đã thấm trong người, nên cứ có dịp là ông lại dựng những vở kịch ngắn, những hoạt cảnh rồi tập hợp bạn bè, phân vai cùng chơi trò diễn kịch. Trong thời gian học cao học, Lê Cung Bắc tình cờ gặp tác giả kịch Vũ Đức Duy. Tác giả Vũ Đức Duy đã viết cho ông một vở kịch: Những kẻ có lòng, và giao Lê Cung Bắc đóng vai chính (vai vũ sư Trác) cùng với Bích Thủy. Sau vai diễn vũ sư Trác, báo chí kịch trường đã gọi ông là "một khuôn mặt lạ xuất hiện". Thật vậy, tài năng diễn xuất của Lê Cung Bắc đã được ghi nhận qua các vai diễn trên sân khấu và truyền hình. Nhờ thế, ông được cử đi Pháp và Canada năm 1974 để nghiên cứu về ngành kịch nói. Sau ngày đất nước thống nhất, Lê Cung Bắc cộng tác với Đoàn kịch nói Bông Hồng, cùng lúc tham gia đóng phim. Từ năm 1982 đến năm 1992, ông đã tham gia trên 200 vai diễn. Năm 1993, Lê Cung Bắc rời hẳn sân khấu, chọn điện ảnh làm sự nghiệp. Phim Trên cả hận thù là bài thi tốt nghiệp đạo diễn của ông. Năm 1994, Lê Cung Bắc tiếp tục gây ấn tượng với công chúng và giới chuyên môn bằng phim truyện nhựa Nhịp đập trái tim. Sau đó, ông còn làm đạo diễn nhiều bộ phim nổi tiếng khác như: Người đẹp Tây Đô, Dòng đời, Vó ngựa trời Nam, Duyên trần thoát tục, Không rẽ trái, Cõi tình, Xóm cũ, Những chiếc lá thời gian, Bẫy tình, Đóa hoa tình yêu, Nơi trái tim ở lại, Ngược sóng... Lê Cung Bắc từng thừa nhận, phim của ông nặng về tính nhân bản. Những nhân vật chính trong phim của ông đều là những người mang nặng trên vai lòng nhân ái. "Một đạo diễn, khi làm phim cần phải trải lòng ra, chuyển tải tâm thức, mang cái đẹp đến cho người xem. Muốn vậy, người đạo diễn phải có lòng nhân ái với con người và bao dung với cuộc đời. Phim của tôi thiên về triết lý sống cao đẹp, tôn vinh giá trị chân - thiện - mỹ", đạo diễn Lê Cung Bắc tâm niệm.

Ông nói rõ thêm: "Trong những bộ phim của tôi, tôi luôn cố gắng vừa vì nghệ thuật vừa vì nhân sinh. Tôi không chấp nhận sự dung tục mà luôn tìm cách lãng mạn hóa tình dục để hướng thiện con người. Tôi quan niệm nghệ thuật là cái bóng của cuộc sống mà ánh sáng của nó chính là trí tuệ và lương tâm con người. Tôi thích những nhân vật mang triết lý sâu sắc, ngay cả những cảnh gọi là hot cũng phải được xử lý thăng hoa chứ không trần trụi. Bởi nó là cái bóng của cuộc sống, chứ không phải cuộc sống". Cả cuộc đời làm nghệ thuật của đạo diễn Lê Cung Bắc chính là sự thể nhập tâm niệm ấy. Ông coi nghệ thuật như là cách lập ngôn của mình và tìm cách lan tỏa nó trong cuộc sống đời thường. Một lần nữa, đạo diễn Lê Cung Bắc đã gửi gắm thông điệp đó qua cuốn hồi ký Bụi cát chân mây bằng kết luận: "Cuộc sống không phải chỉ 3 chìm 7 nổi mà đến tận 108 cái lênh đênh. Ở Đông Nam Á có thuyết cho rằng nhân gian có 108 phiền não. Dù cuộc đời này làm cho người ta đau đớn, bầm dập như thế nào đi nữa thì cuộc đời vẫn đáng sống. Cái quan trọng là ta phải biết làm gì khi gặp đau khổ, khi gặp khó khăn trong đời sống".

Thế rồi, sáng 13-6-2021, ông đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng ở cư xá Bắc Hải, TP Hồ Chí Minh. Ông ra đi nhưng tên tuổi cùng những bộ phim của ông thì ở lại mãi trong lòng người hâm mộ.

Trịnh Chu

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/dao-dien-le-cung-bac-voi-da-lat-post278926.html