Đạo diễn Hoàng Công Cường ra mắt dự án tâm huyết 'Ngàn năm gốm Việt'

Trung tâm 'Ngàn năm gốm Việt' đã chính thức ra mắt tại Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội cuối tuần qua với sự tham dự của đông đảo khách mời cùng những người yêu gốm Việt.

Trung tâm “Ngàn năm gốm Việt” là tâm huyết của nghệ nhân ưu tú Phạm Đạt, Chủ tịch “Ngàn năm gốm Việt”, CEO Nguyễn Trung Thành – Tổng Giám đốc, đạo diễn Hoàng Công Cường - Phó Chủ tịch và các đồng sáng lập khác, với ước mong phục hồi di sản gốm hoa nâu ngàn năm của người Việt, đồng thời kiến tạo nên các bộ quà tặng độc bản, các đồ gia bảo để lưu lại muôn đời sau. Mỗi một sản phẩm được ra đời là một công trình về văn hóa, một biểu tượng của lịch sử và thời gian, những dấu ấn của các cá nhân sẽ được hiện thực hóa trong các sản phẩm của Trung tâm “Ngàn năm gốm Việt” (Vietnam Ceramics Centre).

Các nhà sáng lập trung tâm mong ước gây dựng một ngôi nhà chung, nơi hội tụ của người yêu gốm, những nghệ nhân, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu và đặc biệt là những người sưu tầm trong lĩnh vực gốm và nghệ thuật thủ công. Tại đây, các chuyên gia, nghệ nhân và khách hàng cùng nhau thảo luận, cùng nhau bàn thảo để cùng nhau sáng tạo ra những mẫu sản phẩm độc bản, cùng sáng tạo nên những câu chuyện, đặc biệt là tạo ra những bộ sưu tập có giá trị gia bảo lưu truyền từ đời này sang đời khác.

Cắt băng ra mắt trung tâm

Phát biểu tại lễ ra mắt, ông Nguyễn Trung Thành, Tổng Giám đốc của “Ngàn năm gốm Việt” cho hay ông đọc được trong cuốn sách của sư ông làng Mai - Thiền sư Thích Nhất Hạnh một câu nói mà ông rất tâm đắc "chúng ta là sự tiếp nối của tổ tiên”.

“Vì vậy, tôi và những cộng sự luôn văng vẳng câu hỏi: “Chúng ta sẽ để lại gì cho mai sau? Mỗi người chúng ta ngồi đây không ít lần nếm trải những niềm vui và nỗi buồn, nếm trải thăng trầm của cuộc sống...Vậy làm sao để lưu giữ lại những cảm xúc đặc biệt đó? Chúng tôi đã nghiên cứu và tạo ra những chiếc bình gốm độc bản, cá nhân hóa gắn liền với tâm tư, nguyện vọng, câu chuyện riêng của từng chủ nhân. Chiếc bình như là một bảo vật may mắn lưu giữ quá khứ - hiện tại - tương lai của những người có duyên sở hữu và được truyền từ đời này sang đời khác... giống như một gia bảo truyền đời để giáo dục con cái và thế hệ sau...”, ông Nguyễn Trung Thành chia sẻ.

Trong khi đó, đạo diễn Hoàng Công Cường tâm sự anh và các cộng sự tại “Ngàn năm gốm Việt” muốn nâng tầm gốm Việt, đặc biệt là sản phẩm của Bát Tràng, bằng cách đưa những sản phẩm tinh xảo này đi ra thế giới.

“Mỗi sản phẩm gốm của chúng tôi đều độc bản, nó mang câu chuyện riêng của mỗi cá nhân, được đắp thêm tâm huyết, sự tinh xảo của những bàn tay người thợ thủ công. Mỗi sản phẩm đều là báu vật của người tiêu dùng cũng như người đam mê sưu tầm gốm”, đạo diễn Hoàng Công Cường cho biết.

Đạo diễn Hoàng Công Cường (ngoài cùng bên phải) và các cộng sự

Trung tâm “Ngàn năm gốm Việt” đã và đang nghiên cứu, chế tác nhằm tiến tới khôi phục lại dòng gốm hoa nâu, một dòng gốm thuần Việt được chế tác và phát triển rực rỡ dưới thời Lý - Trần, với mong ước đưa những sản phẩm gốm hoa nâu này trưng bày trong các không gian đương đại, cũng như trở thành những quà tặng văn hóa của quốc gia.

“Gốm hoa nâu trở thành nguồn cảm hứng to lớn cho sự ra đời của thương hiệu “Ngàn năm gốm Việt”. Những sản phẩm gốm hoa nâu độc bản, mang đượm bản sắc thuần Việt và khơi gợi về một ký ức vàng son của văn minh Đại Việt sẽ được những người yêu văn hóa Việt sử dụng làm vật phẩm quà tặng trong những dịp quan trọng như nghi lễ đối nội, đối ngoại trong nước và quốc tế. Đặc biệt, các du khách quốc tế sẽ được chạm tay vào các tác phẩm gốm hoa nâu độc bản được chế tác khéo léo, tỉ mỉ bởi bàn tay của các nghệ nhân Bát Tràng, được ngắm nhìn những nét chạm trổ điêu khắc trên thân gốm với những đường nét và hoa văn đượm tâm hồn người Việt”, ông Nguyễn Trung Thành cho biết thêm.

Các doanh nhân, một người nổi tiếng, các nhà chính trị có thể sử dụng các vật phẩm gốm Hoa nâu thuần Việt và các tác phẩm độc bản khác của trung tâm để tặng cho các đối tác nhằm ghi dấu ấn trong những lần gặp gỡ, trao đổi bởi các sản phẩm này gắn liền với thương hiệu cá nhân và câu chuyện độc lạ của mỗi người.

“Ước mơ của chúng tôi là mỗi sản phẩm của “Ngàn năm gốm Việt” khi đi ra thế giới có thể sánh ngang với những thương hiệu xa sỉ của các quốc gia trên thế giới. Adidas đã thuê nhiều nghệ sĩ Việt Nam vẽ lên những đôi giày. Chúng tôi cũng có tham vọng các thương hiệu lớn trên thế giới làm vỏ hộp cho gốm hoa nâu của “Ngàn năm gốm Việt” để sản phẩm Việt Nam có thể đi nhiều hơn, ấn tượng hơn. Chúng tôi kỳ vọng gốm Việt sẽ được kết hợp với các thương hiệu lớn nổi tiếng toàn cầu để khẳng định tầm vóc và vị trí gốm Việt trên thế giới”, đạo diễn Hoàng Công Cường nhấn mạnh.

Một sản phẩm trong bộ sưu tập độc bản “Long Phi vận hội”

Cũng nhân dịp này, bộ sưu tập độc bản “Long Phi vận hội” đã được giới thiệu đến những người yêu gốm Việt với 100 sản phẩm độc bản điêu khắc rồng trên gốm. Đón năm Giáp Thìn 2024, các nghệ nhân và chuyên gia của “Ngàn năm gốm Việt” đã dày công nghiên cứu, phục dựng và hồi sinh hình tượng rồng Việt qua ngàn năm lịch sử, từ thời Lý, thời Trần, thời Lê đến thời Nguyễn. Các tác phẩm Long Phi với cảm hứng từ hình tượng rồng Việt, thể hiện ước mong về một năm Giáp Thìn đầy may mắn và mạnh mẽ để nắm bắt những vận hội mới, ước vọng về những kỳ tích “cá chép hóa rồng” hay “cá chép vượt vũ môn”.

Thiếu Anh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/dao-dien-hoang-cong-cuong-ra-mat-du-an-tam-huyet-ngan-nam-gom-viet-post1058730.vov