Đánh thuế nước ngọt có giảm được béo phì, tiểu đường?

Đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với nước ngọt nổi lên như một vấn đề 'nóng' được sự quan tâm của đông đảo doanh nghiệp (DN), đại diện các hiệp hội và các chuyên gia.

Ảnh minh họa

Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 luật thuế do Bộ Tài chính ban hành, đề xuất thay đổi với 30 nhóm chính sách được nhìn nhận sẽ tác động lớn đến nhiều nhóm ngành hàng như: Bất động sản, ô tô, đồ uống, ngân hàng…

Trong đó, với lý giải áp dụng thuế tiêu thụ đặc biêt (TTĐB) đối với nước ngọt để cơ cấu lại nguồn thu ngân sách, phù hợp xu hướng và thông lệ quốc tế và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, cụ thể là giảm thiểu tỷ lệ bệnh nhân mắc béo phì và tiểu đường, Bộ Tài chính đã đề nghị “bổ sung nước ngọt bao gồm loại có ga, không ga, tăng lực, thể thao, trà, cà phê uống liền được đóng gói theo dây chuyền sản xuất công nghiệp, trừ: Nước trái cây, nước rau quả 100% tự nhiên, sữa và các sản phẩm sữa vào đối tượng chịu thuế TTĐB” với 2 phương án thuế suất 10% hoặc 20% từ năm 2019.

Chưa thuyết phục được DN

Trước đề xuất này của Bộ Tài chính, ông Vũ Tú Thành, Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN khẳng định: “Dự án luật thông qua sẽ có ảnh hưởng nghiêm trọng đến các công ty nước giải khát”.

Cụ thể các DN sẽ phải chịu các mức tăng và bổ sung như sau: Thuế VAT tăng từ 10% lên 12%; Thuế TTĐB là 10% và thuế VAT áp dụng cho đường tăng từ 5% lên 6%. Đối với thị trường giá các sản phẩm sẽ tăng lên ít nhất 12%, gây nên những hệ lụy như giảm khả năng tiêu thụ, giảm doanh thu, có thể kéo theo thu hẹp quy mô sản xuất và cắt giảm lao động. Đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất của Luật thuế này sẽ là các DN vừa và nhỏ.

Ông Thành nhận định, tờ trình của Bộ Tài chính chưa trả lời được câu hỏi là khi luật ban hành, người tiêu dùng, ngành công nghiệp nước giải khát và cả nền kinh tế sẽ “được gì và mất gì?”.

Bên cạnh đó, các cơ sở để áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt chưa thuyết phục. “Từ đâu Bộ Tài chính cho rằng, nước ngọt là nguyên nhân chính gây ra bệnh tiểu đường và béo phì, nếu đánh thuế lên nước ngọt thì liệu có giảm được tỷ lệ béo phì và tiểu đường hay không?”

“Nếu cơ quan soạn thảo quan tâm đến sức khỏe người dân, đặc biệt là bệnh béo phì và tiểu đường, cần phải đánh thuế tất cả các thực phẩm có thể là nguyên nhân gây ra các bệnh đó, không nên có sự phân biệt”, ông Thành nêu quan điểm.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Huy, Tiểu ban Thực phẩm dinh dưỡng, Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cho biết, các nghiên cứu trên thế giới chỉ ra béo phì có nhiều nguyên nhân, có thể do lượng calo đưa vào lớn hơn lượng calo tiêu thụ; chế độ dinh dưỡng không hợp lý, ăn quá nhiều các đồ ăn nhanh, những đồ ăn có hàm lượng chất béo cao, không phải chỉ do lượng đường trong đồ uống gây nên.

Ông Huy cho hay, ở châu Âu có nước đã áp dụng thuế TTĐB với các mặt hàng nước giải khát có đường nhưng sau đó đã phải điều chỉnh giảm hoặc bỏ chính sách thuế này như tại Đan Mạch, Ireland. “Vì vậy, chúng tôi rất mong Ban soạn thảo xem xét lại những căn cứ áp thuế đã xác đáng, đủ thuyết phục hay chưa”.

Bên cạnh đó, nhiều DN, hiệp hội cho rằng các khái niệm “đồ uống”; “nước trái cây 100% tự nhiên”; “sữa và các sản phẩm từ sữa”… trong dự thảo chưa rõ, có thể dẫn đến hiểu nhầm và đang bao hàm lên cả những sản phẩm có ích cho sức khỏe.

Theo ông Nguyễn Tiến Vỵ, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam, “nước ngọt” cần được xác định rõ là nước uống có đường hay tất cả các đồ uống có vị ngọt? Trong trường hợp nước ngọt nhưng không chứa đường thì liệu có gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng như mô tả hay không?

Ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội sữa Việt Nam bày tỏ quan điểm: “Tôi rất ngạc nhiên khi Bộ Tài chính đưa cả các sản phẩm nước uống thể thao vào để áp thuế. Tôi nghĩ những người đề xuất quy định như vậy chưa sử dụng loại nước uống này, không hiểu chút nào về thực phẩm. Nếu ai chưa tin thì mời các anh chị đi mua một chai nước uống thể thao, nếu trong đấy có đường nhiều, tôi sẽ trả tiền chai nước đó cho các anh!”.

Về những sản phẩm có lợi cho sức khỏe đang bị gộp chung với nước ngọt, đại diện Eurocham cho biết, các sản phẩm sản phẩm dinh dưỡng y học dạng lỏng, thức uống công thức cho trẻ em làm từ đậu nành, đạm Whey dành cho những trẻ bị dị ứng với đạm sữa, là những sản phẩm rất cần thiết với bệnh nhân và trẻ nhỏ.

Thêm vào đó, nước trái cây, nước hoa quả rất có ích cho cơ thể nhưng thông thường khi đóng hộp phải chứa một lượng chất phụ da để tạo hương, điều vị. Do đó, chỉ miễn trừ cho nước trái cây 100% tự nhiên là chưa hợp lý.

Trà cũng rất có lợi cho cơ thể, không chỉ ở Việt Nam mà xu hướng trên thế giới điều khuyến khích dùng, hơn nữa Việt Nam còn là nước xuất khẩu trà hàng đầu trên thế giới. “Áp thuế TTĐB vào trà có phải chính chúng ta đang đánh vào ngành thế mạnh của mình hay không?”

Về phương pháp đánh thuế, ông Nguyễn Hồng Huy cho rằng, nếu chỉ quy định chung một mức 10% mà không dựa trên hàm lượng đường cụ thể thì là một lựa chọn dễ cho cơ quan quản lý, nhưng lại không phải là lựa chọn tối ưu để thực hiện các mục tiêu chính sách.

Đại diện Eurocham gợi ý Bộ Tài chính nên phối hợp với Bộ Y tế và các cơ quan có liên quan để đưa ra các bằng chứng khoa học chứng minh sản phẩm nào gây ảnh hưởng đến sức khỏe, không khuyến khích sử dụng và nên áp thuế TTĐB. Theo đó, chỉ những sản phẩm nào có đủ bằng chứng khoa học chứng minh thì mới áp dụng thuế.

Tuy nhiên, để báo cáo này được khách quan hơn, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng phải đánh giá từ hai chiều, bao gồm ý kiến từ đơn vị đưa ra chính sách cũng như những người chịu tác động bởi chính sách là cả cộng đồng rất lớn những người dân, DN chịu thuế. “Tôi không chờ đợi bản đánh giá tác động do chính cơ quan soạn thảo chính sách làm vì sẽ không khách quan, mà phải có một đánh giá khách quan của một cơ quan độc lập”, bà Lan nói. Trong trường hợp đánh thuế vì lý do tăng ngân sách và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, các DN đề xuất Bộ Tài chính xem xét đánh một mức thuế thấp để các DN thích nghi dần, quy định rõ lượng đường trong sản phẩm ở mức nào mới phải chịu thuế. Đồng thời, bỏ đồ uống thể thao, trà, cà phê bao gói sẵn và sản phẩm khác có ích cho sức khỏe ra khỏi danh mục áp thuế.

Theo Thu Hương/Báo điện tử Chính phủ

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/danh-thue-nuoc-ngot-co-giam-duoc-beo-phi-tieu-duong-60450.html