Đánh thức tiềm năng 3 'viên ngọc thô'

Ngoài 'đảo ngọc' Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đang đẩy mạnh đầu tư nâng cấp 3 khu du lịch biển đảo tiềm năng - vốn được ví như 3 'viên ngọc thô' của vùng biển Tây Nam

Với mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, năm 2018, Kiên Giang đã công nhận quần đảo Hải Tặc (TP Hà Tiên), quần đảo Nam Du và xã đảo Lại Sơn (huyện Kiên Hải) là 3 khu du lịch (KDL) cấp tỉnh. Ba KDL này được xem là có tiềm năng phát triển du lịch biển đảo, thu hút du khách trong nước và quốc tế.

Còn nhiều hạn chế

Các KDL Hải Tặc, Nam Du và Lại Sơn hiện khai thác tập trung các nhóm sản phẩm du lịch chủ yếu như: Cảnh quan sinh thái, biển đảo, rừng; hoạt động sản xuất nông nghiệp, nghề truyền thống; giá trị văn hóa truyền thống, di tích lịch sử, lễ hội, phong tục tập quán cộng đồng; sản phẩm nghỉ dưỡng; tham quan các đảo, câu cá giải trí, trải nghiệm nuôi cá lồng bè, đánh bắt hải sản, thưởng thức ẩm thực, đặc sản địa phương…

Theo Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, sau 5 năm được công nhận là KDL cấp tỉnh, 3 "viên ngọc thô" này đã đón hơn 1,8 triệu lượt du khách đến nghỉ ngơi, tham quan, trải nghiệm biển đảo, trong đó có hơn 3.000 khách quốc tế. Số khách này chỉ chiếm 6,1% lượng du khách đến tỉnh, trong đó khách quốc tế chiếm tỉ lệ rất thấp - chỉ 0,17%.

Kết quả trên chưa đạt được một trong những mục đích cơ bản của việc công nhận KDL cấp tỉnh là thu hút du khách quốc tế. Bên cạnh đó, hoạt động đầu tư kinh doanh dịch vụ du lịch của các KDL này còn nhỏ lẻ, tính chuyên nghiệp chưa cao. Cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật phụ trợ tại một số điểm đến chưa được đầu tư hoàn chỉnh hoặc dù được đầu tư nhưng không bảo đảm chất lượng.

Ngoài ra, hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển du lịch như: cấp nước sạch, xử lý rác ở 3 KDL này chưa đáp ứng yêu cầu. Việc bảo vệ môi trường có lúc, có nơi còn bất cập, còn một số cơ sở kinh doanh du lịch chưa thực hiện đúng quy định về xây dựng và vệ sinh môi trường; ý thức bảo vệ tài nguyên, môi trường, rạn san hô của một bộ phận người dân và du khách chưa cao.

Ngoài ra, sản phẩm của 3 KDL Hải Tặc, Nam Du, Lại Sơn còn khiêm tốn cả về loại hình lẫn chất lượng để có thể đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường. Việc huy động các nguồn lực đầu tư, quy hoạch, kết cấu hạ tầng các KDL chưa đồng bộ; thông tin, xúc tiến quảng bá du lịch còn hạn chế, thiếu liên kết; nguồn nhân lực phục vụ du lịch chưa qua đào tạo chiếm tỉ lệ cao; nhiều điểm đến chưa có người thuyết minh...

Một góc 3 khu du lịch Hải Tặc, Nam Du và Lại Sơn. Ảnh: PHƯƠNG VŨ

Từng bước cải thiện

Ông Bùi Quốc Thái, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, cho biết với lợi thế, tiềm năng là hệ sinh thái biển đa dạng, cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, Hải Tặc, Nam Du và Lại Sơn khi được công nhận là KDL cấp tỉnh đã được đầu tư hệ thống điện lưới quốc gia, hồ chứa nước, đường giao thông, phương tiện vận chuyển hành khách… Từ đó, các hộ dân và doanh nghiệp cũng mạnh dạn đầu tư, mở rộng cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, cơ bản đáp ứng được nhu cầu của du khách.

Tuy nhiên, để 3 KDL này phát triển đúng với tiềm năng và kỳ vọng, cần phải nhận diện rõ những mặt hạn chế nhằm khắc phục, tập trung đầu tư nâng cấp chất lượng nhiều hơn nữa. Cụ thể, cần có sự quan tâm đặc biệt của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức xã hội và người dân trong việc đầu tư kết cấu hạ tầng. Đồng thời, tăng cường xúc tiến, kêu gọi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, sản phẩm du lịch để thu hút du khách đến tham quan.

Bên cạnh đó, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, hiểu biết cho cán bộ, đảng viên, người dân và các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc khai thác hiệu quả các KDL đối với sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương và sự phồn thịnh của người dân về vật chất lẫn tinh thần.

Ngành du lịch sẽ tích cực phối hợp với các địa phương tăng cường tập huấn, hướng dẫn người dân về cách làm du lịch, kiến thức bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn cho du khách. Song song đó, nâng cao hiệu quả xúc tiến, quảng bá du lịch thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin.

Theo ông Bùi Quốc Thái, tuy hệ thống cơ sở vật chất phục vụ du khách của các KDL này quy mô không lớn nhưng chất lượng dịch vụ không ngừng được cải thiện, từng bước đáp ứng nhu cầu của người đến tham quan, nghỉ ngơi trải nghiệm... Cùng với đó, việc xúc tiến luôn được quan tâm thực hiện thông qua hội nghị, hội thảo và hội chợ do tỉnh tổ chức gắn với đào tạo nguồn nhân lực, từng bước cải thiện, đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch và yêu cầu ngày cao của du khách.

"Đây là cơ sở để ngành du lịch và chính quyền địa phương tập trung đầu tư nâng cấp 3 KDL này phát triển đúng với tiềm năng sẵn có" - ông Bùi Quốc Thái nhấn mạnh.

Không "chặt chém", chèo kéo du khách

3 KDL Hải Tặc, Nam Du và Lại Sơn hiện có 118 cơ sở lưu trú với 1.448 phòng. Trong đó, Lại Sơn và Nam Du có 35 cơ sở được công nhận đủ điều kiện tối thiểu phục vụ du khách. Các KDL này có 19 tàu vận chuyển du khách tham quan, trải nghiệm các đảo; 5 ca nô và gần 7.000 xe máy; 24 cơ sở dịch vụ ăn uống; 30 điểm mua bán hải sản...

Điểm mạnh của 3 KDL này là bãi biển sạch, nước trong xanh, không khí trong lành, hải sản tươi ngon và giá cả dịch vụ thấp hơn nhiều so với các KDL nổi tiếng ở Kiên Giang như Hà Tiên, Phú Quốc... Đặc biệt, tình trạng chèo kéo, "chặt chém" du khách hầu như không có. Những cơ sở lưu trú trên các KDL này thoáng mát, sạch đẹp, phục vụ thân thiện và tận tụy; phương tiện đến các đảo là tàu cao tốc hiện đại, rộng rãi, an toàn...

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

DUY NHÂN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/danh-thuc-tiem-nang-3-vien-ngoc-tho-20231126204702654.htm