Đánh thức 'tài nguyên văn hóa' ở vùng đất lịch sử

Những ngày này, trên khắp các miền đất vang danh một thời máu lửa như Đồi A1, cầu Mường Thanh, đồi Him Lam, Tượng đài kéo pháo... của tỉnh Điện Biên, lại rộn vang, náo nức dấu chân của biết bao du khách tìm về. Mảnh đất với thiên nhiên hùng tráng, lịch sử đầy tự hào, thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu hiền hòa, là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của vùng Tây Bắc, đang trở thành điểm đến đầy hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.

Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là điểm đến không thể thiếu của du khách trong hành trình khám phá Điện Biên. Ảnh: Lê Thủy

Là tỉnh nằm ở địa đầu Tây Bắc của Tổ quốc, Điện Biên có vị trí đặc biệt quan trọng đối với vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ và của cả nước về nhiều lĩnh vực như: Kinh tế, văn hóa, chính trị, quốc phòng và an ninh. Theo đó, du lịch Điện Biên cũng nằm trên các hành lang du lịch quan trọng mang tầm quốc gia. Nơi đây cũng là khu vực có nhiều tiềm năng nổi bật về du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch lịch sử và du lịch biên giới. Vì vậy, Điện Biên là một trong những nơi trọng điểm phát triển du lịch của vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ nói riêng và cả nước nói chung.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Điện Biên nhiệm kỳ 2020 - 2025 chỉ rõ, để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh xác định khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế và dựa trên ba trụ cột chính: Du lịch lịch sử, tâm linh; du lịch bản sắc văn hóa dân tộc, khám phá cảnh quan thiên nhiên; du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe.

Nói đến tiềm năng du lịch của Điện Biên về du lịch lịch sử, tâm linh, đầu tiên phải kể đến Quần thể di tích lịch sử Điện Biên Phủ. Quần thể bao gồm các điểm di tích chính như: Đồi A1; Hầm Đờ Cát; Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng; Hận thù Noong Nhai; Di tích Đồi E, đồi D, Đồi Him Lam và một số nghĩa trang liệt sĩ đã anh dũng hy sinh tại chiến trường Điện Biên Phủ. Đây chính là yếu tố khởi điểm cho phát triển du lịch của Điện Biên. Bởi hầu hết các đoàn khách du lịch khi lựa chọn đến với Điện Biên, họ đều xác định là du lịch mang tính chất về nguồn.

Phát triển ngay sau du lịch lịch sử là du lịch sinh thái. Nhiều du khách bày tỏ sự thích thú khi đến với Điện Biên, bởi nơi đây có du lịch sinh thái tương đối phong phú và nhiều loại hình nghỉ dưỡng với các điểm đến như: Him Lam Resort; Suối khoáng Hua Pe, U Va; Cột mốc số 0 A Pa Chải tại huyện Mường Nhé và một số điểm du lịch sinh thái mới hình thành trên địa bàn huyện Điện Biên, huyện Mường Ảng. Trong đó, điểm đến nổi bật trong hình thức du lịch này là Hồ Pá Khoang. Nơi đây như một Hạ Long thu nhỏ, với những đảo nhỏ có hệ sinh thái phong phú, nằm xen nhau giữa lòng hồ mênh mông nước với tổng diện tích hơn 2 nghìn ha.

Du khách khi đến đây được thỏa sức hòa mình với thiên nhiên thơ mộng cùng sự hùng vỹ của rừng trên đảo và trên những cánh rừng nguyên sinh bao quanh hồ. Thích thú hơn là được hòa mình với dòng nước mát khi du ngoạn Hồ Pá Khoang trên những chiếc xuồng máy. Cảnh đẹp, môi trường canh quan trong lành là điều kiện lý tưởng khiến du khách phải mê đắm và thú vị khi đến với nơi này. Nhất là khi nơi đây có thêm Đảo hoa, khu du lịch sinh thái Pá Khoang lại càng thu hút du khách nhiều hơn. Điểm chủ đạo tại Đảo hoa này là hoa anh đào - loài hoa đặc trưng của đất nước Nhật Bản, khiến cho du khách thập phương đều muốn ghé thăm.

Hoa ban nở trên các sườn núi - "đặc sản" của vùng đất Điện Biên luôn hấp dẫn du khách bốn phương. Ảnh: Lê Thủy

Cùng với du lịch sinh thái, Điện Biên cũng khá hút khách từ hoạt động du lịch cộng đồng. Du lịch cộng đồng tại Điện Biên được bắt nguồn từ những bản Văn hóa các dân tộc thiểu số, trong đó, các bản người dân tộc Thái chiếm đa số. Đến với mỗi bản văn hóa, du khách được hòa mình vào không gian sống của bà con: Từ thăm quan, tìm hiểu các nét văn hóa đặc trưng; trải nghiệm các hoạt động trong cuộc sống sinh hoạt và lao động của đồng bào các dân tộc; thưởng thức những sản vật sẵn có từ thiên nhiên hoặc do chính người dân bản địa làm nên và chính bàn tay họ chế biến theo cách truyền thống của dân tộc họ.

Nổi bật là huyện Tủa Chùa với hệ thống các hang động được công nhận di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh; quần thể 100 cây chè Tuyết Shan cổ thụ hàng trăm năm tuổi tại xã Sín Chải được công nhận là Cây di sản Việt Nam. Đến với Tủa Chùa, du khách sẽ được trải nghiệm các nét văn hóa đặc sắc bản địa đã được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như: Khèn Mông, xòe Thái, nghề làm giày thêu của người Xạ Phang, nghề thêu trang phục của dân tộc Mông và hòa mình vào không gian văn hóa vùng cao đặc trưng ở Hội xuân, chợ phiên, chợ đêm. Đặc biệt hơn, du khách được hòa mình và có thể say với những câu hát, điệu múa qua các tiết mục dân ca, dân vũ độc đáo truyền thống của các dân tộc.

Thêm một trong những chuỗi hoạt động du lịch cộng đồng được du khách ư chuộng là dịch vụ Homestay - dịch vụ ăn nghỉ tại chính các gia đình người dân bản địa. Hiện nay, tại Điện Biên, dịch vụ này phát triển hơn nhờ xây dựng hệ thống nhà nghỉ riêng biệt cho khách du lịch nhưng đều thể hiện đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Bản sắc văn hóa được thể hiện từ kiến trúc nhà nghỉ cho đến các trang thiết bị, đồ dùng sinh hoạt và cả ẩm thực phục vụ thực khách đều gắn liền với đời sống thường nhật của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Điện Biên.

Tiềm năng du lịch Điện Biên đã và đang được khai thác ngày càng hiệu quả, có chiều sâu, phát huy được giá trị nguyên bản của nó. Bởi vậy, với Điện Biên hiện nay, du lịch đã thể hiện rõ là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Điện Biên có 19 dân tộc anh em, chứa đựng giá trị văn hóa truyền thống phong phú, vô cùng độc đáo, hấp dẫn về phong tục, tập quán, tín ngưỡng, các lễ hội truyền thống, trở thành tiềm năng, lợi thế về du lịch văn hóa, đang được các cấp, ngành trong tỉnh bảo tồn, tôn vinh, phát triển, phấn đấu xây dựng Điện Biên thành một trong những trung tâm du lịch của vùng Trung du miền núi phía Bắc.

Lê Thủy

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/danh-thuc-tai-nguyen-van-hoa-o-vung-dat-lich-su-post474700.html