Đánh thức Phong Thổ

QĐND - Đoàn Kinh tế-Quốc phòng (KT-QP) 356 thuộc Bộ CHQS tỉnh Lai Châu đứng chân trên địa bàn 8 xã vùng cao huyện Phong Thổ. Đây là một trong những vùng khó khăn nhất của cả nước. Đời sống đồng bào các dân tộc nơi đây đi liền với cái “nghèo”, cái “khó”. Song, do làm tốt công tác vận động quần chúng, giúp dân từng bước thay đổi tập quán canh tác, đời sống bà con từng bước được cải thiện. Nhiều hộ gia đình đã biết cấy lúa nước, quy hoạch vườn, chuồng, đưa các giống cây công nghiệp trồng trên diện tích đất hoang hóa… Không ít hộ đồng bào người Mông, người Dao giờ đây đã đủ lương thực. Có hộ ăn 3 năm không hết một vụ lúa; thóc xếp cao tận mái nhà...

Hiệu quả từ việc chuyển đổi tập quán

Xã Mù Sang, huyện Phong Thổ là một trong những xã cheo leo nhất vùng Tây Bắc ở độ cao 1.650m so với mặt nước biển. Ông Lùa A Tủa, Chủ tịch Hội Nông dân xã hồ hởi nói: Hơn 50% hộ dân xã Mù Sang đã học theo cách Đoàn KT-QP 356 bày, quy hoạch lại vườn chuồng, vệ sinh nơi ăn, chỗ ở, dùng trâu cày ruộng ở những chỗ đất mềm chứ không dùng cuốc như trước. Tất cả bà con dân tộc Mông ở bản Xín Chải, xã Mù Sang đã biết ngâm mạ, xuống giống; học cách chăm bón lúa. Bà con trong bản nhà nào cũng đủ thóc ăn. Nhiều nhà ăn 3 năm không hết một vụ lúa. Tất cả các hộ ở bản Xín Chải có xe gắn máy, ti-vi. Điện thoại nhà nào cũng có 4-5 chiếc; đến trẻ chăn trâu trên núi cũng mang điện thoại di động đi để thường xuyên gọi điện liên hệ với gia đình.

Hướng dẫn cách chăm sóc lúa LC25 cho bà con trên địa bàn huyện Phong Thổ. Ảnh: CTV

Theo tìm hiểu của chúng tôi, bản Xín Chải có tất cả 47 hộ đều là đồng bào Mông. Đây lại là bản tiến bộ nhất trong các bản đồng bào dân tộc xã Mù Sang. Nguyên nhân của sự đổi mới, khởi sắc này chính là việc đưa giống lúa LC25 vào cấy hai vụ/năm ở các thửa ruộng vùng cao. Thượng tá Nguyễn Tiến Bốn, Phó đoàn trưởng Đoàn KT-QP 356 chỉ tay xuống vạt mạ xuân LC25 đang bén rễ trên sân của gia đình ông Lùi Chinh Páo chia sẻ:

- Mất công lắm anh em trong Đoàn KT-QP 356 mới thuyết phục được Páo và đồng bào người Mông trên này bỏ lối canh tác cũ để áp dụng tiến bộ khoa học vào trồng các loại cây nông nghiệp có sản lượng cao như: Lúa, ngô, khoai, sắn. Đây là một việc làm rất khó bởi bà quen lối canh tác truyền thống. Huyện Phong Thổ cách đây mấy năm đã từng cử đoàn cán bộ đến vận động bà con cấy lúa nước nhưng bà con không nghe, sợ làm theo không được thất thu. Vì vậy, Đoàn KT-QP 356 đã quyết định làm đối chứng, làm mẫu, làm thí điểm các giống lúa, ngô mới để bà con học tập, so sánh với cách làm truyền thống của mình xem cách nào mang lại hiệu quả. Bản Hoang Thèn, xã Vàng Ma Chải được Đoàn KT-QP 356 lấy làm mẫu để trồng thử nghiệm 11ha lúa nước giống LC25, cấy hai vụ/năm bên cạnh cách làm truyền thống của người dân. Kết quả, cách làm thử nghiệm với những tiến bộ khoa học kỹ thuật được áp dụng vào trồng trọt, chăm sóc đã cho sản lượng gấp đôi, gấp ba cách làm truyền thống của bà con.

Mở ra những tiềm năng mới

Sau khi làm mẫu, làm đối chứng giống lúa LC25 ở bản Hoang Thèn thành công, Đoàn KT-QP 356 đã nhân rộng mô hình lúa nước xuống thôn bản các xã: Mù Sang, Mồ Sì San, Sì Lờ Lầu, Pa Vây Sử, Ma Ly Chải… Giờ đây rất nhiều hộ gia đình người Mông, người Dao, người Hà Nhì ở các xã này học cách trồng lúa nước, quy hoạch vườn, chuồng theo hướng dẫn của bộ đội. Đại tá Ngô Văn Đang, Đoàn trưởng Đoàn KT-QP 356 cho biết:

- Ngoài giúp bà con làm quen với kỹ thuật trồng lúa, trồng sắn, xây dựng “mô hình điểm” về trồng trọt, chăn nuôi, Đoàn KT-QP 356 còn đưa các giống cây công nghiệp, các giống cây ăn quả như điều, mận, xoài… về trồng thí điểm trong các hộ gia đình trước, sau đó nhân rộng ra các thôn, bản. Đặc biệt là việc nuôi thử nghiệm thành công các loại cá hồi, cá tầm, cá trắng trên địa bàn xã Tung Qua Lìn đã mở ra hướng phát triển mới cho nông nghiệp ở vùng núi cao cheo leo này. Thượng úy Đoàn Hải Thịnh, Trợ lý Tham mưu kế hoạch Xí nghiệp 56 (Đoàn KT-QP 356), đơn vị được giao nuôi trồng thử nghiệm các loại cá này cho biết: Khi nuôi thử nghiệm các loại cá trên, nhiều người hoài nghi chưa tin Đoàn KT-QP 356 có thể làm được bởi đây là loại cá rất kén về điều kiện sinh trưởng, nguồn nước như nhiệt độ không được nóng, nước không được bẩn. Nhưng khi bộ đội xây bể, dẫn nước từ các khe núi, khe suối về nuôi; áp dụng các kỹ thuật, công nghệ chăm sóc cá và phòng, trừ bệnh... thì hầu như 100% các giống cá được đưa về nuôi thử nghiệm đều tăng trưởng rất tốt. Tỷ lệ sống đạt hơn 95%. Hiện 8000 con cá hồi đều có trọng lượng từ 1,5 đến 1,7kg, 50 con cá tầm có trọng lượng từ 2,5 đến 3,5kg. Nhiều cán bộ xã và người dân các dân tộc trong khu vực đã đến tham quan, học hỏi cách nuôi cá hồi, cá tầm; mở ra hướng phát triển mới trong chăn nuôi trên vùng đất nghèo, khó, khô cằn, xa xôi này.

Nuôi cá hồi, cá tầm ở Xí nghiệp 56. Ảnh: CTV

Nhiều thách thức đặt ra

Việc chuyển đổi tập quán canh tác, áp dụng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn huyện Phong Thổ thời gian qua là những cố gắng lớn của cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT-QP 356. Tuy nhiên, để Đoàn phát triển tương xứng với nhiệm vụ, trở thành nhân tố không thể thiếu trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm ổn định cuộc sống cho người dân khu vực dự án, không di dịch cư tự do, tạo thế chiến lược liên hoàn trong khu vực phòng thủ, thế trận quốc phòng, an ninh là cả một vấn đề thách thức không chỉ đối với Đoàn KT-QP 356 mà cả với Bộ CHQS tỉnh Lai Châu. Theo Đại tá Ngô Văn Đang, Đoàn trưởng Đoàn KT-QP 356, việc thiếu vốn trong xây dựng dẫn tới những ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả triển khai các dự án. Hiện nơi ăn ở, sinh hoạt của các đội sản xuất chưa có, vẫn phải mượn nhà dân; nhiều phòng, ban, cơ quan của Đoàn vẫn chưa có chỗ ở, phải quây cót ép trong nhà xe, mưa gió hắt vào tận chỗ nằm… phần nào ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công tác. Ấy là chưa kể do thiếu về kinh phí nên các hạng mục công trình làm cho dân trên địa bàn hiện nay vẫn chưa được nhiều.

Vấn đề khác mà Đoàn KT-QP 356 cũng như các Đoàn KT-QP hiện nay đang gặp phải là tình trạng biên chế các đội sản xuất rất mỏng (3 đồng chí) nên các đội hiện nay chủ yếu làm công tác dân vận và hướng dẫn sản xuất cho dân là chính không thể trực tiếp sản xuất ở những vùng khó khăn để thu hút người dân đến sinh sống. Trong khi đó sản phẩm làm ra chưa có dịch vụ cung ứng nên hầu như không tiêu thụ được. Trung tá Phạm Quang Vinh, Đội trưởng Đội sản xuất số 3, Đoàn KT-QP 356 cho biết: Mấy năm qua, bà con xã Mù Sang cấy, trồng được rất nhiều lúa, ngô, khoai sắn nhưng không thể bán được vì không có người mua và cũng không có đường vận chuyển ra chợ.

Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1391 ngày 9-8-2010 về xây dựng, phát triển các khu KT-QP đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, nhưng việc bảo đảm kinh phí cho các khu KT-QP vẫn chưa được thực hiện ở cơ sở. Đi đôi với việc bảo đảm kinh phí là việc tập huấn cho cán bộ, chiến sĩ về kinh nghiệm, phương pháp hướng dẫn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật tới nhân dân các vùng triển khai dự án, kiến thức khoa học kỹ thuật nông-lâm nghiệp, chăn nuôi, quản lý kinh tế,­ xây dựng, tổ chức sản xuất, kinh doanh của các đơn vị KT-QP. Các đơn vị cũng cần phối hợp, lồng ghép hiệu quả các chương trình, dự án của đoàn với các dự án xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể địa phương… như vậy mới giúp cho xây dựng, phát triển dự án cho các khu KT-QP dọc biên giới của Đảng, Nhà nước, trong đó có dự án KT-QP trên địa bàn huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu đạt hiệu quả.

Hoàng Gia Minh

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/2/96/96/178693/Default.aspx