'Đánh thức' di sản văn hóa: Khơi thông dòng chảy sáng tạo

Xác định đặt sáng tạo văn hóa và phát triển nguồn lực văn hóa làm trung tâm của quá trình phát triển bền vững, kể từ khi tham gia Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO đến nay, Hà Nội luôn nỗ lực triển khai các sáng kiến, giải pháp phát huy tiềm năng sáng tạo thành nguồn lực phát triển; thực hiện có hiệu quả các cam kết của Thành phố với UNESCO. Trong đó, với hệ thống di sản dồi dào là nguồn lực để Hà Nội khai thác xây dựng sản phẩm du lịch, không gian sáng tạo mới.

Kỳ 1: Sức sống mới cho di tích cũ

Nhắc đến di tích lịch sử văn hóa, chúng ta thường nghĩ đến quá khứ thâm trầm sâu sắc. Với đặc thù về lịch sử, văn hóa dân tộc, các dấu ấn vật chất và tinh thần của ngày hôm qua thường đậm đặc nơi đền, đài, lăng, tẩm, đình, chùa, miếu, phủ, góp thêm một nét vẽ chi tiết cho hành trình tìm về quá khứ. Có lẽ bởi vậy mà di tích luôn phải thật “xưa”, thật “cũ”. Cái xưa, cái cũ ấy có đôi khi mang đến sức cuốn hút kỳ lạ, nhưng có đôi khi lại “ngủ quên” bởi sự vốn có của nó, cũ đến nhàm chán. Hà Nội hôm nay đã “đánh thức” những di tích “ngủ quên” ấy bằng sức sáng tạo không ngừng, mang đến sức sống mới cho di tích cũ!

Hơi thở đương đại trên nền di sản

Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến là nơi kết tinh những giá trị văn hiến của dân tộc gắn với đạo học, với Văn Miếu - Quốc Tử Giám - ngôi trường Quốc học đầu tiên của Việt Nam. Tất cả những giá trị sâu lắng ấy đã trở thành nguồn cảm hứng đặc biệt với những nghệ sĩ mong muốn tạo nên các tác phẩm mang hơi thở của cuộc sống đương đại, gần gũi với giới trẻ, song vẫn mang đậm những dấu ấn xa xưa.

Đó cũng là một xu hướng mà Văn Miếu - Quốc Tử Giám đang hướng tới, là trở thành một trung tâm hoạt động văn hóa, một không gian sáng tạo của thành phố Hà Nội, nơi bảo tồn, tôn vinh những di sản văn hóa của dân tộc một cách sáng tạo, độc đáo nhất.

Khúc dạo đầu nhẹ nhàng và thư thái của sắc màu và âm thanh trong khu Nhập đạo.

Khúc dạo đầu nhẹ nhàng và thư thái của sắc màu và âm thanh trong khu Nhập đạo.

Có dịp công tác từ miền Nam ra Hà Nội, cô bạn gọi điện dặn trước, “mình không có nhiều thời gian nên chỉ muốn đi thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám”. Vậy là một buổi tối đầu Đông, tôi đưa bạn đến Văn Miếu.

Ngạc nhiên khi chứng kiến “bữa tiệc đêm” đầy màu sắc tại di tích độc nhất vô nhị của Thăng Long Hà Nội này, bạn tôi thốt lên: “Tưởng Văn Miếu - Quốc Tử Giám chỉ có thể đến vào ban ngày!”

Quả vậy! Văn Miếu - Quốc Tử Giám trước đây chủ yếu chỉ đón khách vào ban ngày, giờ đây lượng khách đã tăng dần nhờ chương trình trải nghiệm đêm với “bữa tiệc” âm thanh, ánh sáng thú vị và hấp dẫn. Đây được coi là cách làm hay, mô hình kiểu mẫu trong việc ứng dụng công nghệ số vào phát huy giá trị di sản, biến di tích vốn “cũ kỹ” thành không gian sáng tạo, góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế đêm của Hà Nội.

Luồng sáng biến Khuê Văn Các trở thành một ngọn hải đăng thực thụ - ngọn hải đăng của tri thức và trí tuệ.

Luồng sáng biến Khuê Văn Các trở thành một ngọn hải đăng thực thụ - ngọn hải đăng của tri thức và trí tuệ.

Ngay khi bước qua cổng chính (Văn Miếu Môn), chúng tôi được chìm đắm vào một khúc dạo đầu nhẹ nhàng và thư thái của sắc màu và âm thanh trong khu Nhập đạo. Điều bất ngờ đầu tiên chính là một luồng sáng chưa từng bắt gặp từ ô cửa sổ Sao Khuê trên công trình có tính biểu tượng Khuê Văn Các chiếu thẳng về đỉnh mái của cổng Đại Trung, làm nổi bật hình ảnh đôi cá chép chầu bình móc. Luồng sáng này cũng biến Khuê Văn Các trở thành một ngọn hải đăng thực thụ - ngọn hải đăng của tri thức và trí tuệ.

Cô bạn tôi sững lại vài giây rồi ồ lên đầy thích thú: "Đẹp quá bạn ơi, cảm giác như lạc vào trốn bồng lai tiên cảnh"...

Điểm mới lạ chờ đón chúng tôi khi bước vào khu Vườn bia Tiến sĩ chính là giếng Thiên Quang. Viền quanh thành giếng là một dải đèn led với hai gam màu trang nhã in bóng xuống mặt nước tạo nên những cảm xúc vô cùng đặc biệt không thể có được khi tham quan vào ban ngày.

Trong khi đó, toàn bộ các tán cây viền quanh khuôn viên khu vực này đều được chiếu sáng đổi màu khiến cho các dãy nhà che bia hai bên giếng Thiên Quang như được đặt trong một không gian kỳ ảo và đầy mê hoặc. Cũng tại khu Vườn bia Tiến sĩ, chúng tôi được tìm hiểu về những nội dung cơ bản trên mỗi tấm bia Tiến sĩ với sự hỗ trợ của công nghệ trình chiếu mapping tiên tiến.

Trang trí đèn led tại khu vực giếng Thiên Quang.

Trang trí đèn led tại khu vực giếng Thiên Quang.

Không gian tiếp theo trong hành trình Trải nghiệm đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám chính là khu Đại thành hay còn gọi là khu Bái đường. Nội dung chính được giới thiệu tại khu vực này chính là không gian trưng bày Quốc Tử Giám - ngôi trường đầu tiên của nền quốc học Việt Nam.

Toàn bộ lịch sử hình thành và phát triển của cái nôi đào tạo nhân tài cho đất nước trong suốt gần 800 năm dưới thời phong kiến được thể hiện với phong cách thiết kế mang hơi thở đương đại, song vẫn in đậm dấu ấn của các giá trị truyền thống đã rèn đúc nên hàng ngàn danh nhân cho đất Việt. Tại sân Bái đường, khách tham quan sẽ được trải nghiệm sản phẩm công nghệ kính thực tế ảo, mới lạ và thú vị.

Trình chiếu mapping 3D theo chủ đề "Tinh hoa đạo học" tại nhà Tiền đường trên sân Thái học.

Trình chiếu mapping 3D theo chủ đề "Tinh hoa đạo học" tại nhà Tiền đường trên sân Thái học.

Điểm chạm cảm xúc cuối cùng của chương trình Trải nghiệm đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám, song cũng là nội dung mang lại cảm giác thăng hoa nhất, chính là trình chiếu mapping 3D theo chủ đề "Tinh hoa đạo học". Toàn bộ mặt tiền của nhà Tiền đường trên sân Thái học sẽ biến thành một màn hình khổng lồ giúp cho mọi người khám phá những giá trị tinh túy nhất trong đạo học của người Việt.

Mỗi chi tiết trong chương trình đều được chăm chút một cách tỉ mỉ nhằm mang lại cho chúng tôi một buổi tối khám phá trọn vẹn những giá trị đặc trưng không chỉ của riêng khu di tích quốc gia đặc biệt này mà còn cảm nhận được những giá trị nền tảng của đạo học Việt Nam. Ngoài ra, chúng tôi cũng được thưởng thức tiết mục nghệ thuật truyền thống trước khi xem phim mapping.

Dắt bạn đi trọn một “tour đêm” cùng với nhiều triển lãm, trưng bày khác tại đây, chúng tôi đã có những khoảnh khắc tuyệt vời được sống trong không gian giao thoa giữa quá khứ và đương đại. “Tour đêm” thực sự đã đem lại cho khu di tích một sức sống mới, một diện mạo mới; như những cuộc “đối thoại” giữa truyền thống và hiện đại, giữa văn hóa và công nghệ trong không gian di sản.

Những giá trị của di sản Văn Miếu - Quốc Tử Giám, của văn hiến Thăng Long - Hà Nội, của đạo học Việt Nam mà nổi bật là tinh thần hiếu học, tôn sư trọng đạo và trọng dụng hiền tài được tôn vinh, hòa quyện đem lại những cảm xúc thú vị cho khách tham quan vào buổi tối với những cảm xúc khác biệt so với các nội dung tham quan và khám phá ban ngày. Mọi di tích kiến trúc và không gian di sản đều trở nên ấn tượng hơn, lung linh hơn song vẫn giữ được nét thâm trầm, tinh tế của khu di sản.

Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết: “Những trải nghiệm đối với di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám qua đợt dịch Covid-19 cho chúng tôi thấy bài học là cần phải có sự chuyển đổi, đổi mới trong tư duy, hành động để sẵn sàng thích ứng với những tình huống xảy ra, phát huy giá trị của di sản mang tính bền vững. Đó chính là động lực để chúng tôi bước vào xây dựng chương trình này từ năm 2022.

Trong bối cảnh Hà Nội đang đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, tham gia mạng lưới các Thành phố sáng tạo và triển khai chuyển đổi số, chúng tôi xác định, trên nền tảng giá trị di sản Văn Miếu - Quốc Tử Giám cần phải xây dựng sản phẩm văn hóa du lịch ứng dụng công nghệ hiện đại, sáng tạo”.

Còn Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia Đặng Văn Bài tự hào khẳng định: “Sự kiện Văn Miếu - Quốc Tử Giám ra mắt sản phẩm văn hóa du lịch trên nền tảng công nghệ số được coi là một hình mẫu, là mô hình điểm để bảo tồn di sản văn hóa. Đây cũng là một mô hình giúp cho chúng ta phát triển các không gian sáng tạo của Thủ đô, nhất là khi Thành phố được ghi nhận là một trong những Thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực thiết kế vào năm 2019. Tại những không gian sáng tạo này, công chúng được trải nghiệm tour đêm, giúp cho khách du lịch ở lại với Hà Nội lâu hơn...”.

Có thể nói, sự sáng tạo chính là cách tốt nhất để phát huy giá trị di tích, nuôi dưỡng tình yêu và sự trân trọng đối với di sản quý giá, đồng thời cũng thể hiện tinh thần trách nhiệm của các thế hệ đương thời đối với những thế hệ mai sau trong việc tiếp tục bồi đắp các giá trị đương đại cho những lớp trầm tích văn hiến của dân tộc.

Tái sinh nhà máy cũ thành không gian sáng tạo

Rời bước sau “tour đêm” tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám trước sự kinh ngạc của người bạn, tôi bảo rằng: “Hà Nội còn rất nhiều không gian sáng tạo trên nền di sản, nếu bạn ở lại, tôi sẽ khiến bạn ngạc nhiên hơn nữa!”.

Người dân và giới trẻ Thủ đô xếp hàng vào tháp nước Hàng Đậu.

Người dân và giới trẻ Thủ đô xếp hàng vào tháp nước Hàng Đậu.

Vậy là chúng tôi lại có thêm một ngày rong ruổi đến đến tháp nước Hàng Đậu - công trình di sản 130 năm tuổi của Thủ đô. Sau nhiều năm gần như bị “bỏ quên”, nơi đây đã thành không gian văn hóa mở cửa đón chào người dân và du khách đến thăm quan từ ngày 17/11.

Đến nơi, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến du khách xếp hàng đông nườm nượp. Quanh tháp nước Hàng Đậu bây giờ có rất nhiều nhóm bạn trẻ áo quần xúng xính ghé vào chụp ảnh. Bảo sao trên các nền tảng mạng xã hội, những bài đăng liên quan tháp nước trăm tuổi này luôn nhận được lượng tương tác lớn, phần nào cho thấy giới trẻ hiện tại đã quan tâm nhiều hơn tới di sản.

Trò chuyện với một em gái tên Thủy xếp hàng cạnh tôi, em hồ hởi khoe: “Mấy ngày nay, bạn bè em kháo nhau, có một không gian sáng tạo tuyệt vời bên trong tháp nước Hàng Đậu. Nơi đây giờ là điểm check in được giới trẻ yêu thích lắm nên em cũng phải mò đi bằng được. Xếp hàng từ sáng sớm mới đến lượt đấy chị ạ”.

Không gian sáng tạo bên trong tháp nước Hàng Đậu.

Không gian sáng tạo bên trong tháp nước Hàng Đậu.

Vào tham quan, trải nghiệm qua từng lớp không gian trong tháp, tôi và người bạn cảm nhận về mối quan hệ của con người với tự nhiên qua hệ sắp đặt ánh sáng và âm thanh của nước cùng các tác phẩm nghệ thuật bên trong. Là người lên ý tưởng thực hiện dự án này, kiến trúc sư Cao Thế Anh cho biết, triển lãm “Sắp đặt nước và di sản tháp nước Hàng Đậu” là một trải nghiệm không gian nghệ thuật sắp đặt ánh sáng từ vật liệu tái chế và hệ thống sắp đặt âm thanh của nước.

Triển lãm lấy cảm hứng từ lục thủy theo quan niệm Á Đông, lục thủy tượng trưng cho 6 nguồn nước trong tự nhiên là nước sông, nước trong khe, nước suối, nước mưa, nước ngầm và nước biển., triển lãm tái hiện lại những âm thanh của nước trong tự nhiên, đưa công chúng tới những chiều không gian tiềm thức trong bản thể. Từ đó, kết nối con người với môi trường sống mà hàng tỷ năm chúng ta từng gắn kết để tạo nên sự sống.

Ga Gia Lâm.

Ga Gia Lâm.

Tháp nước Hàng Đậu không chỉ đơn thuần là một di sản văn hóa quý báu mà còn là một biểu tượng đẹp đọng lại trong lòng Thủ đô Hà Nội. Với vai trò gợi nhắc về quá khứ với những câu chuyện lịch sử, việc “khoác tấm áo mới” cho tháp đã đóng góp không nhỏ vào việc duy trì và phát triển dòng chảy văn hóa đặc trưng của thành phố. Đó cũng là cơ hội để công trình kiến trúc này tồn tại và trở thành điểm thu hút du khách trong và ngoài nước mỗi khi tới Hà Nội, hứa hẹn những kết nối với các điểm tham quan khác xung quanh.

Du khách được thưởng thức nghệ thuật trên “Chuyến tàu di sản”.

Du khách được thưởng thức nghệ thuật trên “Chuyến tàu di sản”.

Đi thêm vài trăm mét, chúng tôi đến địa điểm tiếp theo là ga Long Biên để lên “Chuyến tàu di sản” chở du khách đến ga Gia Lâm, đi qua sông Hồng lịch sử. Trên hành trình kết nối quá khứ và hiện tại đó, chúng tôi được thưởng thức nghệ thuật và chiêm ngưỡng không gian sắp đặt trên tàu. Thăng Long - Hà Nội hình thành, phát triển gắn liền với dòng chảy sông Cái - sông Hồng.

Trong tương lai, Hà Nội tiếp tục đặt sông Hồng vào trung tâm của phát triển. Và “dòng chảy” đó còn mang ý nghĩa tượng trưng, đó là sự kế thừa, tiếp nối quá khứ vào trong cuộc sống hiện đại là những gì đang diễn ra trên chuyến tàu di sản tới Nhà máy xe lửa Gia Lâm, nơi diễn ra các hoạt động chính của Tuần Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023.

Những buổi trình diễn nghệ thuật đã biến không gian Nhà máy xe lửa Gia Lâm thành sân khấu chuyên nghiệp.

Những buổi trình diễn nghệ thuật đã biến không gian Nhà máy xe lửa Gia Lâm thành sân khấu chuyên nghiệp.

Trên nền những phân xưởng sản xuất tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm - nơi ghi dấu ấn của sự phát triển công nghiệp hàng trăm năm qua - là những triển lãm, những màn trình diễn nghệ thuật, những cuộc hội thảo, tọa đàm đang được tổ chức trong khuôn khổ Lễ hội.

Việc sản xuất của Nhà máy sẽ được di dời đến một nơi khác, nhưng những hoạt động này là gợi ý, để di sản của Nhà máy có thể sẽ được tiếp nối, được tái sinh, trở thành những không gian văn hóa - sáng tạo. Tại đó, những buổi trình diễn nghệ thuật đã biến không gian Nhà máy thành một sân khấu chuyên nghiệp, mang đến cho khán giả cơ hội cảm thụ và tương tác với nghệ thuật.

Triển lãm trong không Nhà máy xe lửa Gia Lâm.

Triển lãm trong không Nhà máy xe lửa Gia Lâm.

Hà Nội nghìn năm văn hiến, nơi lắng đọng hào khí Thăng Long, Thành phố vì hòa bình, ngoài kho tàng di sản văn hóa phong phú, đa dạng gồm 5.922 di tích, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể và 1.350 làng nghề. Hà Nội cũng là nơi hội tụ những di sản công nghiệp hàng đầu của cả nước, với những nhà máy, xưởng sản xuất từ thời Pháp thuộc, cho đến những nhà máy, phân xưởng được xây dựng ngay trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

Dường như những ý tưởng sáng tạo trên nền di sản đã phần nào “đánh thức” được ý thức của giới trẻ chúng tôi về bảo tồn và tôn vinh di sản lịch sử, đồng thời nhen nhóm ý tưởng giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống bằng nghệ thuật sáng tạo và hiện đại. Chừng nào, sức sáng tạo của chúng ta chưa đi đến điểm tận cùng của con đường này, những di sản sẽ vẫn còn được tiếp nối, chúng sẽ lại tiếp tục chuyên chở những giá trị muôn thuở của cuộc sống, bất chấp biến thiên.

Phương Bùi

(Còn nữa)

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/danh-thuc-di-san-van-hoa-khoi-thong-dong-chay-sang-tao-163054.html