Đánh giá thực trạng các vụ án tranh chấp phân chia di sản thừa kế

Ngày 17/10/2023, VKSND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị chuyên đề 'Kinh nghiệm kiểm sát giải quyết các vụ án tranh chấp phân chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc'.

Hội nghị nhằm đánh giá thực trạng các vụ án tranh chấp phân chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất một cách khách quan, chính xác, thực chất, qua đó có cái nhìn toàn diện về thựng trạng công tác này. Từ đó chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác kiểm sát; nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế đó để đề ra các giải pháp thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát giải quyết các vụ án tranh chấp phân chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất trên địa bàn trong thời gian tới.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Đặng Thanh Nhàn - Phó Viện trưởngVKSND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, quá trình thực hiện chuyên đề, Phòng 9 đã dành nhiều thời gian, tâm huyết trong việc tổng kết thực tiễn, tổng hợp các vụ việc để xây dựng Báo cáo chuyên đề, đã khái quát đầy đủ nội dung các vụ án, các dạng vi phạm cùng kinh nghiệm nhận diện các vi phạm cụ thể, dễ hiểu, dễ học tập; đặc biệt, đã xây dựng được Mẫu sơ đồ tư duy để áp dụng trong Báo cáo duyệt án đối với các vụ án phân chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất, đây là sự nghiên cứu, tổng kết và sáng tạo của Phòng 9 trong quá trình xây dựng chuyên đề. Qua đó, chỉ ra được những tồn tại, hạn chế ở mỗi đơn vị còn chưa khắc phục được, từ đó đề ra những phương hướng giải quyết, kinh nghiệm thực tiễn trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án tranh chấp phân chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh, để mỗi cán bộ, Kiểm sát viên có thêm kinh nghiệm thực hiện tốt chuyên môn nghiệp vụ được giao.

 Đồng chí Đặng Thanh Nhàn - Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh phát biểu khai mạc hội nghị.

Đồng chí Đặng Thanh Nhàn - Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh phát biểu khai mạc hội nghị.

Báo cáo chuyên đề do đồng chí Nguyễn Thị Việt Hà - Trưởng phòng 9 trình bày tại Hội nghị cho thấy: Trong năm 2021, 2022, Viện kiểm sát hai cấp tỉnh Vĩnh Phúc đã kiểm sát việc giải quyết 6.175 vụ, việc dân sự, hôn nhân gia đình và tham gia 1.146 phiên tòa, phiên họp theo thủ tục sơ thẩm; 220 vụ, việc dân sự, hôn nhân gia đình và tham gia 183 phiên tòa, phiên họp theo thủ tục phúc thẩm; Viện kiểm sát hai cấp ban hành 23 kháng nghị, Tòa án cấp phúc thẩm đã xét xử 20 vụ án Viện kiểm sát kháng nghị, Viện kiểm sát bảo vệ 20/20 kháng nghị, đạt 100%, Tòa án chấp nhận 20/20 kháng nghị, đạt 100%; Không có vụ án nào Tòa án không chấp nhận.

Qua đó, Báo cáo cũng đánh giá thực trạng, những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, chỉ ra những nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân khách quan trong hoạt động kiểm sát giải quyết các vụ án tranh chấp phân chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất trong thời gian qua và thực trạng chất lượng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên làm công tác kiểm sát án dân sự VKSND hai cấp của tỉnh. Đồng thời đưa ra một số giải pháp nhằm trang bị thêm kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên khi thực hiện nhiệm vụ; nâng cao năng lực cũng như chất lượng kiểm sát giải quyết án dân sự.

 Đồng chí Nguyễn Thị Việt Hà- Trưởng phòng 9, trình bày Báo cáo chuyên đề.

Đồng chí Nguyễn Thị Việt Hà- Trưởng phòng 9, trình bày Báo cáo chuyên đề.

Tại Hội nghị Phòng 9 cùng 9 đơn vị cấp huyện đã trình bày tham luận, trong đó đánh giá, nhìn nhận về thực trạng công tác kiểm sát giải quyết các vụ án dân sự phân chia di sản thừa kế của đơn vị và cá nhân mình, nêu ra những khó khăn, vướng mắc; nhiều kinh nghiệm, biện pháp, kỹ năng phát hiện một số dạng vi phạm cụ thể đã được thảo luận, trao đổi.

Kết luận Hội nghị, đồng chí Đặng Thanh Nhàn - Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Vĩnh Phúc đã biểu dương những kết quả và công việc mà các đơn vị đã nghiêm túc triển khai thực hiện trong quá trình xây dựng chuyên đề. Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, đồng thời tiếp tục nâng cao chất lượng công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình trong thời gian tới, yêu cầu các đơn vị thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, quán triệt đến cán bộ, Kiểm sát viên tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 05/CT-VKSTC về “Thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự và những việc khác theo quy định của pháp luật” và Chỉ thị 07/CT-VKSTC ngày 6/8/2021 của Viện trưởng VKSND tối cao về “Tiếp tục tăng cường công tác kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ án hành chính, vụ việc dân sự”.

Triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết Chuyên đề của Ban cán sự đảng VKSND tỉnh Vĩnh Phúc gồm: Nghị quyết số 61-NQ/BCSĐ ngày 10/2/2022 “Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật” và Nghị quyết số 35-NQ/BCSĐ ngày 24/2/2023 “Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác kháng nghị phúc thẩm các vụ án hành chính, vụ việc dân sự”.

Lãnh đạo, Kiểm sát viên làm công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự phải nghiên cứu, nhận thức đầy đủ về vai trò, trách nhiệm tầm quan trọng của Viện kiểm sát trong công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, phát huy triệt để quyền kháng nghị, kiến nghị của Viện kiểm sát. Sau hội nghị này, Viện trưởng các VKSND cấp huyện tổ chức cho lãnh đạo, cán bộ, Kiểm sát viên nghiên cứu kỹ Báo cáo chuyên đề của VKSND tỉnh đã xây dựng. Báo cáo này đã chỉ ra các dạng vi phạm, trong đó có một số dạng vi phạm mới và cách thức để nhận diện phát hiện vi phạm mà các đơn vị có thể nghiên cứu, học tập, liên hệ với thực tiễn đơn vị, cá nhân để kịp thời phát hiện khi có những dạng vi phạm tương tự xảy ra trong quá trình kiểm sát việc giải quyết các vụ việc của Tòa án. Trên cơ sở những giải pháp, biện pháp công tác mà Báo cáo đã nêu, các đơn vị tiếp tục lực chọn, đề ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả phù hợp với tình hình đặc điểm đơn vị mình để nâng cao số lượng, chất lượng công tác kiến nghị, kháng nghị.

 Toàn cảnh Hội nghị chuyên đề.

Toàn cảnh Hội nghị chuyên đề.

Hai là, trong công tác chỉ đạo điều hành cần đánh giá đúng năng lực, sở trường của từng cán bộ, Kiểm sát viên để có sự phân công, bố trí công việc phù hợp. Đối với những vụ án dân sự phức tạp cần phân công cho Kiểm sát viên có năng lực, kinh nghiệm để kiểm sát giải quyết và có kế hoạch để bồi dưỡng, đào tạo có tính chất chuyên môn sâu nhằm tạo nguồn cho cán bộ có trình độ, kỹ năng, kinh nghiệm để giải quyết các vụ án khó, phức tạp.

Hàng năm, khi xây dựng kế hoạch công tác, bên cạnh các chỉ tiêu cụ thể theo yêu cầu của VKSND tối cao, các đơn vị cần lựa chọn nhiệm vụ trọng tâm, đề ra các biện pháp thiết thực để thực hiện trên cơ sở những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực công tác đã được chỉ ra, để khắc phục từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát...

Ba là, Kiểm sát viên phải tự ý thức, trách nhiệm học hỏi để nâng cao chất lượng nghiên cứu hồ sơ, kỹ năng phát hiện vi phạm để đề xuất ban hành kháng nghị.
Khi được phân công kiểm sát việc giải quyết vụ việc phải nghiên cứu kỹ hồ sơ, nắm chắc các hoạt động tố tụng và tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ, việc; từ đó đưa ra nhận định, đánh giá một cách khách quan, toàn diện về các vấn đề cần giải quyết, báo cáo đề xuất đầy đủ nội dung, trường hợp phát hiện vi phạm cần báo cáo kịp thời để xin ý kiến chỉ đạo để ban hành kháng nghị.

Hà Thị Loan

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/cai-cach-tu-phap/thuc-tien-kinh-nghiem/danh-gia-thuc-trang-cac-vu-an-tranh-chap-phan-chia-di-san-thua-ke-147313.html