Đang xảy ra tình trạng 'già hóa' trong nghệ thuật đờn ca tài tử

Tình trạng 'già hóa' hội viên các câu lạc bộ đờn ca tài tử đang diễn ra mạnh; nghệ nhân chơi các nhạc cụ cổ truyền ngày càng khan hiếm, các chương trình Đờn ca tài tử chất lượng chưa cao, thiếu đầu tư kinh phí, chuyên môn…

Đây là những nhận định được đưa ra tại Hội thảo khoa học về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, diễn ra tại TP HCM ngày 8/12/2023.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM Võ Trọng Nam, bảo tồn và phát huy giá trị của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ luôn được Thành phố quan tâm.

TS Mai Mỹ Duyên cho rằng, Đờn ca tài tử đang đối diện nhiều vấn đề nhất là trong đội ngũ trao truyền và tiếp nhận. Ảnh: PLO

Tuy nhiên, việc thực hành đờn ca tài tử hiện nay chủ yếu phát triển mạnh ở vùng ngoại thành và trong tầng lớp trung niên, tình trạng “già hóa” hội viên các câu lạc bộ đờn ca tài tử đang diễn ra mạnh; nghệ nhân chơi các nhạc cụ cổ truyền ngày càng khan hiếm; chế độ hỗ trợ cho nghệ nhân có hoàn cảnh khó khăn chưa phù hợp…

TS Mai Mỹ Duyên, Trường Đại học Văn hóa TP HCM cũng cho rằng, Đờn ca tài tử đang đối diện nhiều vấn đề nhất là trong đội ngũ trao truyền và tiếp nhận. Đây là vấn đề cấp thiết, cần nghiên cứu tìm ra hướng giải quyết phù hợp với bối cảnh hiện nay.

Bà Duyên đề nghị cần có sự tôn vinh và xây dựng chính sách đãi ngộ phù hợp dành cho các nghệ nhân đang hoạt động trong lĩnh vực đờn ca tài tử, gồm các nghệ nhân truyền nghề, sáng tác, cải tiến nhạc cụ… Thông qua việc đãi ngộ tốt sẽ tác động rất lớn đến nhận thức, trách nhiệm và chất lượng truyền dạy.

Đến từ Trung tâm Thực hành và Truyền dạy Đờn ca tài tử Xuân Tình nghệ nhân Hoàng Tấn cho rằng, nguồn nhân lực là trung tâm của các hoạt động Đờn ca tài tử. Tuy nhiên, hiện nay người đờn và người ca đang mất cân đối khi người đờn ngày càng bị mai một mà chưa có kế hoạch bảo tồn, phát triển một cách khoa học và thực chất.

Theo thống kê từ năm 2010, số lượng người tham gia đờn ca tài tử có khoảng hơn 1.000 người nhưng chưa được thống kê, cập nhật, tổng hợp và bảo tồn theo quy định. Do đó, TP HCM cần thống kê cụ thể nguồn nhân lực của Đờn ca tài tử như: Số lượng người đờn, ca, hay người liên quan đến hoạt động đờn ca, độ tuổi, trình độ, kỹ năng… để từ đó có kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn, phát huy tài năng nghệ thuật và có chính sách hỗ trợ giúp đỡ những nghệ nhân Đờn ca tài tử.

NSƯT Lê Tứ và NS Hà Như tham gia biểu diễn trong chương trình nghệ thuật đặc biệt "Đờn ca tài tử Nam bộ - Di sản tỏa sáng". Ảnh: SGGP

Tại Hội thảo, các nhà nghiên cứu, chuyên gia về văn hóa cũng đưa ra nhiều giải pháp nhằm tiếp tục phát triển nghệ thuật Đờn ca tài tử như đưa loại hình nghệ thuật này vào giảng dạy tại các trường học, tìm kiếm thế hệ trẻ kế thừa, rà soát lại hoạt động của các câu lạc bộ, thành lập quỹ hỗ trợ, tạo không gian biểu diễn cho các nghệ nhân…

Thế Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dang-xay-ra-tinh-trang-gia-hoa-trong-nghe-thuat-don-ca-tai-tu-post275725.html