Đảng viên hưu trí, ý chí ở đâu? Bài 2 - Phải chăng nghỉ hưu là hoàn thành nhiệm vụ ?

Trong khi nhiều đảng viên hưu trí thể hiện rõ trách nhiệm trước Đảng, trước dân thì vẫn còn không ít người quan niệm đã nghỉ hưu là hoàn thành nhiệm vụ, phải nghỉ ngơi, 'xả hơi' nên không cần thiết phải sinh hoạt Đảng, nếu có chỉ cần 'đánh trống ghi tên' là xong. Thực chất đây là biểu hiện của sự thoái thác trách nhiệm, mất ý chí phấn đấu, tự đánh mất vai trò của người đảng viên cộng sản.

Ngại sinh hoạt Đảng

“Có nhiều thời gian, không vướng bận công việc cơ quan nữa, những tưởng khi về với đời thường các đồng chí ấy sẽ gắn bó với cơ sở, với các phong trào của địa phương. Thế nhưng không ít người lại đánh mất vai trò tiên phong của người đảng viên, phai nhạt lý tưởng, thậm chí có những phát ngôn, phát biểu thiếu tinh thần xây dựng”. Đó là giãi bày của một số đảng viên cao tuổi khi gặp gỡ, trò chuyện với chúng tôi.

Đồng chí Lại Ngọc Vinh (thứ ba từ phải sang), Bí thư Chi bộ tổ dân phố Tiền Giang, phường Lê Lợi (TP Bắc Giang) họp bàn với các tổ chức đoàn thể.

Biểu hiện rõ nhất là nhiều đảng viên “lách khe” của Điều lệ Đảng để làm đơn xin miễn, nghỉ sinh hoạt. Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, toàn tỉnh hiện có hơn 18.400 đảng viên là cán bộ hưu, trong số này xin miễn công tác và sinh hoạt là gần 11.000 đảng viên (chiếm gần 60% số đảng viên hưu trí). Tại TP Bắc Giang, đảng viên miễn sinh hoạt do tuổi cao, sức khỏe yếu là 2.101 đồng chí, chiếm 21,3% so với tổng số đảng viên của toàn Đảng bộ thành phố.

Điều 7 Điều lệ Đảng nêu: “Đảng viên tuổi cao, sức yếu, tự nguyện xin giảm, miễn công tác và sinh hoạt đảng do chi bộ xem xét, quyết định”. Thực tế có nhiều người sức “chưa yếu” nhưng vẫn xin cơ quan y tế “chứng nhận sức khỏe yếu” để được miễn sinh hoạt Đảng. Lại có những đảng viên hưu khỏe mạnh, đi làm ngay trên địa bàn dân cư nhưng vẫn nói rằng đang đi làm xa lấy cớ để vắng sinh hoạt. Đồng chí Lại Ngọc Vinh, Bí thư Chi bộ tổ dân phố Tiền Giang, phường Lê Lợi (TP Bắc Giang) băn khoăn: “Hầu hết đảng viên chi bộ khu phố là cán bộ hưu trí, mà hưu trí thì hết tuổi lao động. Vậy nếu cứ viện cớ hết tuổi lao động, tuổi cao mà miễn sinh hoạt thì miễn hết cả sao?”.

Có nhiều người sức “chưa yếu” nhưng vẫn xin cơ quan y tế “chứng nhận sức khỏe yếu” để được miễn sinh hoạt Đảng. Lại có những đảng viên hưu khỏe mạnh, đi làm ngay trên địa bàn dân cư nhưng vẫn nói rằng đang đi làm xa lấy cớ để vắng sinh hoạt.

Thực ra, tuổi cao phải kèm với sức yếu (mắc bệnh phải chữa bệnh dài ngày, từ 3 tháng trở lên) và làm đơn hoặc trực tiếp báo cáo để chi bộ xem xét quyết định. Như vậy đảng viên miễn sinh hoạt Đảng phải có 2 điều kiện: Tuổi cao sức yếu; tự làm đơn và được chi bộ đồng ý, báo cáo cấp trên. Hai điều kiện trên là cần và đủ, thiếu một không được. Được biết, Chi bộ tổ dân phố Tiền Giang có 57 đảng viên trong đó miễn sinh hoạt 23 đồng chí.

Đồng chí Đặng Xuân Điệp, 55 năm tuổi Đảng, nguyên Bí thư Chi bộ tổ dân phố 2B, phường Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang) nêu ý kiến: “Đội ngũ cán bộ, đảng viên hưu trí được kỳ vọng là lực lượng quan trọng, nòng cốt ở các chi bộ, đảng bộ khu dân cư, khu phố. Thế nhưng nhiều đảng viên hợp pháp hóa việc không phải sinh hoạt bằng giấy khám sức khỏe. Đây chính là thể hiện sự giảm lòng tin, không thiết tha sinh hoạt Đảng; là biểu hiện suy thoái về tư tưởng, một kẽ hở mà bộ phận đảng viên đó tìm cơ hội để trốn tránh trách nhiệm của mình”.

Trong một lần chuyện trò bên bàn trà, ông Điệp khéo léo gợi chuyện: “Pháp luật quy định tuổi nghỉ hưu cho người lao động chứ đâu có quy định tuổi nghỉ hưu cho đảng viên mà sao nhiều bác xin nghỉ thế. Mọi quy định của Đảng không đề cập đến tuổi nghỉ hưu của đảng viên, nên khi còn sức khỏe, đảng viên còn cống hiến”. Theo ông, sinh hoạt chi bộ chưa biết chất lượng ra sao nhưng với số lượng đảng viên giảm, thưa vắng đã phần nào làm ảnh hưởng đến năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ.

Thoái thác nhiệm vụ

Đảng viên không thực hiện thủ tục chuyển sinh hoạt Đảng, cư trú một nơi, nhưng khi về hưu lại xin chuyển hồ sơ sinh hoạt đảng về nơi khác là thực trạng đang diễn ra. Phổ biến nhất là cư trú, sinh sống lâu dài ở thành phố, đô thị nhưng lại xin chuyển sinh hoạt đảng về nông thôn, về chi bộ doanh nghiệp, thậm chí chuyển về nhưng cũng không tham gia sinh hoạt, chỉ “đánh trống ghi tên”. Không ít trường hợp nghỉ hưu vài năm rồi nhưng vẫn nói rằng đang sinh hoạt Đảng chi bộ ở quê, ở doanh nghiệp...

Đảng viên Chi bộ thôn Lay, xã Thanh Vân (Hiệp Hòa) đóng góp ý kiến xây dựng nghị quyết.

Quy định số 24-QĐ/TW ngày 30/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về thi hành Điều lệ Đảng nêu: “Đảng viên được cấp có thẩm quyền quyết định chuyển công tác sang đơn vị mới, được nghỉ hưu, nghỉ mất sức, thôi việc, phục viên hoặc thay đổi nơi cư trú lâu dài thì trong thời hạn 60 ngày làm việc kể từ ngày quyết định có hiệu lực hoặc thay đổi nơi cư trú phải làm thủ tục chuyển sinh hoạt đảng chính thức. Đồng thời, trong vòng 30 ngày làm việc kể từ ngày giới thiệu chuyển đi, đảng viên phải xuất trình giấy giới thiệu sinh hoạt đảng với chi ủy nơi chuyển đến để được sinh hoạt Đảng. Nếu quá thời hạn trên, đảng viên hoặc tổ chức đảng vi phạm phải báo cáo lý do cụ thể để cấp ủy có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định”.

Quy định là như vậy, nhưng có không ít đảng viên kê khai không trung thực giữa nơi sinh hoạt Đảng và nơi cư trú để “trốn” sinh hoạt và thoái thác nhiệm vụ. Một đồng chí bí thư chi bộ ở TP Bắc Giang thông tin có đảng viên về hưu sinh sống ở địa bàn nhưng không chuyển sinh hoạt Đảng về phường. Khi cấp ủy nơi cư trú có ý kiến thì được trả lời là “đã chuyển sinh hoạt Đảng về quê”.

Biết là đảng viên này báo cáo không trung thực, đồng chí bí thư chi bộ xác minh, làm rõ đảng viên này vẫn cư trú ở tổ dân phố, sáng sáng vẫn đi thể dục, vẫn sinh hoạt hằng ngày và lĩnh lương hằng tháng ở phường, đồng chí bí thư đã gặp gỡ riêng và nhắc nhở.

Đồng chí này đã xin lỗi và rút kinh nghiệm, sau đó trở thành đảng viên tích cực của chi bộ. Đối chiếu với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) thì rõ ràng việc đảng viên hưu trí không chuyển sinh hoạt Đảng, bỏ sinh hoạt là biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, gây ảnh hưởng tiêu cực không chỉ đến uy tín của cá nhân đảng viên mà còn ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng thậm chí cả cơ quan, đơn vị nơi trước kia đồng chí đó công tác.

Đảng viên về hưu luôn được khuyến khích làm bí thư chi bộ, trưởng thôn, tổ trưởng dân phố, trưởng ban công tác mặt trận… Thế nhưng không ít đảng viên nghỉ hưu không chỉ ngại tham gia sinh hoạt Đảng mà còn ngại tham gia các công việc chung của địa phương nơi cư trú, giao nhiệm vụ nhưng không nhận, thoái thác, từ chối. Ai cũng đưa ra nhiều lý do như sức khỏe yếu, bận trông cháu, chăm sóc bố mẹ già thậm chí là con cháu không muốn ông bà tham gia...

Có người vừa nhận quyết định nghỉ hưu hôm trước, hôm sau đã “rào trước, đón sau” với bí thư chi bộ: “Có khi em làm đơn xin miễn sinh hoạt Đảng”. Nghe vậy đồng chí bí thư ngỡ ngàng: “Ấy chết, sao lại thế được, khi đương chức chú đứng trên bục nói như chuông cơ mà”. Có một thực trạng chung ở nhiều chi bộ là cứ đến độ chuẩn bị đại hội lại phải “Đốt đuốc tìm nhân sự”.

Các đoàn thể cũng vậy, chọn lựa người đảm đương công việc cũng vô cùng khó khăn. Khó khăn là bởi, có những đảng viên lắm nỗi vân vi. Rằng, chuyện muôn thuở “ôm rơm rặm bụng”. Rằng, thời còn công tác, đi đâu, làm gì cũng có người “bẩm báo”, thậm chí xe đưa xe đón, nay về làm “thường dân” nếu làm trong các tổ chức ở cấp dưới cơ sở, mình lại phải “báo cáo ngược” thì không còn “oai” nữa, cho nên tìm cách né tránh.

Thật ra “chỉ cần mỗi đảng viên hưu nêu cao trách nhiệm, tinh thần vì Đảng, vì nhân dân, vì các phong trào chung ở khu dân cư, đảm nhận nhiệm vụ một khóa thôi cũng có nguồn cán bộ rất dồi dào, không phải đốt đuốc tìm nhân sự” - nhiều đồng chí cán bộ cơ sở khẳng định thế.

Nhóm PV Xây dựng Đảng

(Còn nữa)

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/chinh-tri/xay-dung-dang/414019/dang-vien-huu-tri-y-chi-o-dau-bai-2-phai-chang-nghi-huu-la-hoan-thanh-nhiem-vu-.html