Đằng sau việc Triều Tiên gia tăng cảnh báo từ đầu năm

Triều Tiên bước vào năm mới với những lời đe dọa và ba ngày tập trận bắn đạn thật gần hai hòn đảo của Hàn Quốc.

Người dân theo dõi bản tin truyền hình về cuộc diễn tập bắn đạn pháo của Triều Tiên, tại nhà ga tàu hỏa ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 6/1. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo quân đội Hàn Quốc, Triều Tiên đã bắn hơn 200 quả đạn pháo xuống biển. Đây là một trong những pháo kích ác liệt nhất của Triều Tiên trong khu vực kể từ tháng 11/2010. Vụ việc buộc Hàn Quốc phải sơ tán người dân thường từ các đảo Yeonpyeong và Baengnyeong.

Kênh DW (Đức) cho biết mặc dù đến 8/1 không có báo cáo nào về vụ bắn pháo bổ sung, nhưng các nhà phân tích nhận định năm 2024 có thể sẽ là một năm căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên. Họ dự đoán Bình Nhưỡng có thể dùng đe dọa quân sự và gây hấn như một công cụ để thúc đẩy nới lỏng các biện pháp trừng phạt và tác động đến kết quả của cuộc bầu cử quốc hội sắp tới của Hàn Quốc dự kiến diễn ra vào ngày 10/4, qua việc làm suy yếu chính phủ của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol.

Giáo sư Lim Eul-chul tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông thuộc Đại học Kyungnam (Hàn Quốc) phân tích: “Triều Tiên cực kỳ không hài lòng với các chính sách trừng phạt của chính quyền Tổng thống Yoon Suk-yeol. Mục tiêu là thể hiện bất mãn thông qua các hành động, biện minh cho chương trình hạt nhân của họ và tạo dư luận tiêu cực ở Hàn Quốc phản đối chính sách của ông Yoon Suk-yeol”.

Ông Yoon Suk-yeol đã lên giữ ghế Tổng thống Hàn Quốc từ tháng 5/2022 và áp dụng lập trường cứng rắn hơn nhiều so với người tiền nhiệm Moon Jae-in đối với Triều Tiên. Trong đó có việc hình thành một liên minh an ninh ba bên với Mỹ và Nhật Bản. Bình Nhưỡng đáp trả bằng cách hủy bỏ thỏa thuận đạt được với Seoul vào tháng 11/2018 nhằm giảm căng thẳng quân sự dọc biên giới. Triều Tiên vào tháng 11/2023 đã phóng vệ tinh trinh sát đầu tiên. Nhà lãnh đạo Triều Tiên trong một cuộc họp vào cuối tháng 12/2023 đã công bố kế hoạch phóng thêm ít nhất ba vệ tinh trong năm 2024.

Cựu nhà ngoại giao Hàn Quốc Rah Jong-yil cũng có dự đoán rằng Bình Nhưỡng có thể tiếp tục tăng cường áp lực trước cuộc bầu cử ngày 10/4 ở Hàn Quốc. Ông nói: “Bình Nhưỡng hy vọng rằng những ứng cử viên ủng hộ mối quan hệ tốt hơn với Triều Tiên và các chính trị gia sẵn sàng dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt sẽ đắc cử”.

Giáo sư Leif-Eric Easley tại Đại học nữ Ewha ở Seoul đánh giá rằng mặc dù các cuộc tập trận quân sự thường được Triều Tiên tiến hành vào khoảng thời gian này trong năm, nhưng lần này lại có cảm giác khác. Ông nói: “Điều khác biệt trong năm nay là hai miền Triều Tiên gần đây đã rút lui khỏi thỏa thuận xây dựng lòng tin quân sự và ông Kim Jong-un công khai từ chối hòa giải và thống nhất với Hàn Quốc”.

Theo ông Leif-Eric Easley, nguy hiểm hiện nay là bất kỳ cuộc đụng độ nào dọc biên giới đều có thể leo thang nhanh chóng và do hai bên không có liên lạc trực tiếp nên có nguy cơ trở thành xung đột tổng quát.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo DW)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/quan-su/dang-sau-viec-trieu-tien-gia-tang-canh-bao-tu-dau-nam-20240109165339745.htm