Đằng sau việc Đức mong đợi Mỹ nhượng bộ Nga?

Trong số các nước EU, Đức là quốc gia lên tiếng phản đối mạnh mẽ nhất các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Nga, bởi nước này có lợi ích kinh tế và năng lượng đáng kể ở Nga.

Ngoại trưởng Đức Gabriel, Ngoại trưởng Mỹ Tillerson

Ngoại trưởng Đức Gabriel, Ngoại trưởng Mỹ Tillerson

Mới đây, trong cuộc gặp với người đồng cấp Hoa Kỳ Rex Tillerson, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel đã lên tiếng cảnh báo Mỹ rằng mối quan hệ đang ngày càng suy thoái với Nga có thể dẫn tới "kỷ băng hà" trong quan hệ song phương. Theo nhà ngoại giao Đức, nếu điều đó xảy ra Berlin sẽ phải đối mặt với "hậu quả không thể lường trước" đối với ngành năng lượng của tất cả các nước EU. Người đứng đầu cơ quan ngoại giao Đức cho biết, mối quan tâm chính của ông chính là lo sợ "quan hệ kinh doanh với Nga sẽ hoàn toàn bị phá hủy".

Châu Âu không muốn đi quá xa

Sự bất đồng giữa chính quyền Đức về lệnh trừng phạt mới chống Nga, có hiệu lực vào đầu tháng 8 vừa rồi, đã làm phức tạp thêm mối quan hệ giữa Berlin và Washington. Tháng 6/2017, Ngoại trưởng Gabriel và Thủ tướng Áo Christian Kern đã lên án dự thảo ban đầu của các biện pháp trừng phạt, đây được coi như một nỗ lực để "mang lại tính chất mới cực kỳ tiêu cực cho quan hệ giữa Hoa Kỳ và EU". Tuyên bố chung của hai bên đưa ra cảnh báo với Hoa Kỳ: "Cung cấp năng lượng cho châu Âu là việc của họ, chứ không phải Washington!".

Theo Berlin, một số điều khoản của dự luật trừng phạt có thể gây tổn hại cho nền kinh tế Đức, vì các điều khoản này đưa ra những hình thức xử phạt đối với các công ty hợp tác với ngành năng lượng Nga. Trong đó có tập đoàn năng lượng BASF của Đức và công ty dầu mỏ và khí đốt OMV của Áo, đây là hai đối tác xây dựng đường ống Nord Stream-2. Việc thông qua các biện pháp hạn chế mới dẫn đến khả năng dồn ép các doanh nghiệp này, khiến họ từ chối hợp tác với Nga.

Tháng 7/2017, Bộ trưởng Kinh tế Đức Brigitte Zypries, đã có những nỗ lực đáp trả để gây áp lực lên Washington. Trong trường hợp các doanh nghiệp Đức bị trừng phạt, Đức và toàn bộ Châu Âu sẽ đưa ra các biện pháp trả đũa. Bà Zypries coi khả năng các công ty Đức sẽ phải thiệt hại bởi có liên quan với Nga là "một sự vi phạm luật pháp quốc tế". Tuy nhiên, ngay sau đó phản ứng của Brussels đối với Washington đã được Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker từ bỏ khỏi chương trình nghị sự.

"Vụ bê bối lớn giữa Đức và Hoa Kỳ có khả năng nổ ra"

Trong một cuộc phỏng vấn trên sóng phát thanh của Sputnik, ông Vladimir Chizhov, đại sứ thường trực của Nga tại EU, đã bày tỏ quan điểm về các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa Mỹ và châu Âu. Theo nhà ngoại giao Nga, những người đối thoại ở Châu Âu của ông tin rằng họ có thể có được những nhượng bộ từ Washington bằng việc làm mềm cách thức diễn đạt của các biện pháp trừng phạt. Các tuyên bố công khai của ông Gabriel phù hợp với cùng một logic: Châu Âu đang đặt cược vào việc không đối đầu trực tiếp, mà nỗ lực đàm phán với Washington sau hậu trường, đồng thời biểu thị sự bất mãn của họ trên báo chí.

Bộ trưởng Ngoại giao Đức Sigmar Gabriel,

Thực chất, việc ông Sigmar Gabriel thực hiện vai trò của một nhà phê bình chính về các biện pháp trừng phạt vốn không phải là tình cờ. Nhà chính trị đại diện cho Đảng Dân chủ Xã hội (SPD), thân thiện với Moscow hơn là các đại diện của đảng Dân chủ của Thủ tướng Angela Merkel. SPD có quan hệ chặt chẽ hơn với các doanh nghiệp đầu tư vào Nga, còn người đại diện của đảng, cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder, vào năm 2016 đã giữ vai trò đứng đầu ban giám đốc của "Nord Stream - 2", và sắp tới có thể sẽ có mặt trong ban giám đốc của tập đoàn Rosneft.

Nhưng vấn đề không phải ở chỗ đó. Trong một cuộc phỏng vấn trên tờ RIA Novosti, nhà chính trị học người Đức, chuyên gia của câu lạc bộ chính trị Valdai, Stefan Meister đã nói về sự khác nhau giữa phương pháp tiếp cận của Đức và Mỹ đối với các biện pháp trừng phạt đối với Nga, là do có liên quan đến các đặc trưng kinh tế riêng của họ.

Ông Meister nhấn mạnh: "Không giống như Hoa Kỳ, Đức có lợi ích về năng lượng và kinh tế đáng kể ở Nga. Nếu các biện pháp trừng phạt của Mỹ ngăn chặn việc thực hiện các dự án năng lượng giữa Đức và Nga hoặc Liên minh châu Âu và Nga, thì đó sẽ là một đòn giáng mạnh vào nguồn cung cấp năng lượng ở Đức. Một lý do khác:... Bộ trưởng Ngoại giao Gabriel không thể chấp nhận được thực tế là các lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ ảnh hưởng đến các nền kinh tế Đức và châu Âu, mà chẳng ai hỏi đến ý kiến của chính Đức cả. Ông Gabriel không ủng hộ cái chính sách sẽ làm tình hình ngày càng xấu đi, mà tìm cách ổn định mọi thứ nguyên trạng".

Theo chuyên gia, cuộc xung đột giữa Berlin và Washington do lệnh trừng phạt chống Nga có thể bùng phát trở lại trong tương lai gần, bởi vì Mỹ - sau thông điệp từ biện pháp trừng phạt mới nhất - có thể sẽ giới thiệu các biện pháp hạn chế đối với các công ty Đức.

Nhà chính trị học kết luận: "Các cuộc thảo luận chính trị nội bộ tại Hoa Kỳ về chính sách đối với Nga và cuộc xung đột giữa Quốc hội và Tổng thống Trump đã phân cực mạnh chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, bởi vậy bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra. Người Mỹ không quan tâm đến những hậu quả từ các chính sách của họ đối với các nước khác, họ ngày càng ít quan tâm đến việc thỏa hiệp vì các đồng minh của mình, các công ty Đức có thể sẽ là vật hiến tế cho cuộc đấu tranh chính trị nội bộ của nước Mỹ".

Đức Dũng (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/dang-sau-viec-duc-mong-doi-my-nhuong-bo-nga-post235978.info