Đằng sau thương vụ sáp nhập Booking Holdings với Etraveli Group

Sự phát triển bùng nổ của công nghệ, mạng kết nối biến những điều không thể thành có thể, tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh và cả những thách thức mới, biến số mới, đòi hỏi các nhà chức trách phải liên tục nắm bắt và điều chỉnh nhằm tránh các diễn biến tiềm ẩn nguy cơ gây rối loạn thị trường.

Các cơ quan quản lý có thể kiểm soát hoạt động mua bán-sáp nhập trên thị trường ở mức nào trong thời đại công nghệ số hiện nay? Phép thử cho vấn đề này có thể tìm thấy ở thương vụ Công ty cung cấp dịch vụ đặt phòng lưu trú trực tuyến Booking Holdings mua công ty dịch vụ du lịch Etraveli Group của Thụy Điển với giá khoảng 1,63 tỷ euro (1,83 tỷ USD) song đang vấp phải sự phản đối của Ủy ban châu Âu (EC).

Tiềm ẩn

Etraveli, một công ty thuộc sở hữu của Quỹ đầu tư tư nhân CVC Capital Partners, chuyên cung cấp dịch tìm kiếm, đặt phòng và dịch vụ đặt vé máy bay thông qua các thương hiệu như Gotogate và Mytrip, đàm phán thương vụ với Booking Holdings từ năm 2021. Theo thỏa thuận mua lại trị giá khoảng 1,63 tỷ euro (1,83 tỷ USD), Etraveli sẽ vẫn đặt trụ sở tại Thụy Điển và hoạt động như một công ty độc lập trực thuộc Booking Holdings, chịu sự quản lý của ban điều hành Booking. Ngay trước thương vụ Etraveli, đầu tháng 11/2021, Booking thông báo thỏa thuận mua trang web đặt phòng khách sạn Getaroom trị giá gần 1,2 tỷ USD.

Ông Didier Reynders, Ủy viên Tư pháp EC phát biểu trong cuộc họp báo về vụ sáp nhập Booking-eTraveli.

Theo ban lãnh đạo Booking, việc sáp nhập sẽ cho phép công ty này khai thác đầy đủ tất cả năng lực và đội ngũ quản lý của Etraveli để cung cấp sản phẩm chuyến bay tốt hơn và giao dịch tốt hơn cho người tiêu dùng, cùng với những yếu tố khác, thông qua sự liên kết chiến lược và thương mại lớn hơn cũng như tăng cường hội nhập.

Tuy nhiên, mọi chuyện không suôn sẻ khi EC lấy lý do lo ngại về cạnh tranh để tìm cách chặn đứng kế hoạch này của chủ sở hữu Booking.com, ra phán quyết đình chỉ thương vụ mua lại công ty du lịch trực tuyến Thụy Điển Etraveli trị giá 1,6 tỷ euro của Booking với lý do lo ngại về cạnh tranh. Didier Reynders, Ủy viên Tư pháp EC cảnh báo việc mua lại Etraveli của Booking sẽ củng cố vị thế thống trị của Booking trên thị trường đại lý du lịch trực tuyến, dấy lên nguy cơ các khách sạn phải trả khoản phí cao hơn và thậm chí là “đánh” vào túi tiền của người tiêu dùng.

HOTREC, hiệp hội gồm các khách sạn, nhà hàng, quán rượu, quán cà phê và các cơ sở tương tự ở châu Âu, đặc biệt hoan nghênh quyết định của EC, nhấn mạnh “tác động tiêu cực của việc sáp nhập đối với các khía cạnh khác nhau của hệ sinh thái du lịch, bao gồm cả lĩnh vực lưu trú”. Theo HOTREC, nếu việc sáp nhập được chấp thuận, “Booking có thể bán chéo các dịch vụ khác nhau của chính họ, và củng cố hơn nữa sự thống trị trên thị trường khách sạn”. Nghiên cứu phân phối mới nhất của HOTREC cho thấy thị phần của Booking trên thị trường lưu trú khách sạn đã tăng đáng kể từ 60% năm 2013 lên 71% vào năm 2021.

Chuyện chưa hồi kết

Quyết định của EC được đưa ra sau một cuộc điều tra chuyên sâu về thương vụ sáp nhập giữa Booking và Etraveli, hai nhà cung cấp dịch vụ du lịch trực tuyến (OTA) hàng đầu. Theo các số liệu chính thức, Booking là đại lý khách sạn trực tuyến hàng đầu tại Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA), trong khi Etraveli cũng điều hành công ty cung cấp dịch vụ mua vé máy bay TripStack, đứng thứ hai khu vực. Booking, sở hữu các thương hiệu lớn bao gồm Booking.com, Agoda và KAYAK, đã thông báo cho EC về thương vụ này từ tháng 10-2022.

Những số liệu cho thấy việc sáp nhập hoàn toàn có thể cho phép Booking mở rộng hệ sinh thái dịch vụ du lịch, nâng cao hiệu quả mạng lưới cũng như độ phủ, bước đệm củng cố vững chắc vị thế thống trị trong ngành khách sạn và du lịch. Trong quá trình điều tra, EC đã nhận được phản hồi từ nhiều bên liên quan, bao gồm cả các khách sạn và các OTA cạnh tranh, những người cảnh báo về bất lợi từ cái bóng quá lớn của Booking sẽ che mờ các đối thủ cạnh tranh, khiến việc gia nhập hoặc mở rộng thị trường của họ càng trở nên khó khăn hơn.

Phản bác những cáo buộc về môi trường hoặc lợi thế cạnh tranh, Booking đã đưa ra đề xuất hiển thị lựa chọn trên trang đặt phòng và chuyến bay từ các nhà cung cấp cạnh tranh. Tuy nhiên, EC vẫn cho rằng các biện pháp khắc phục là không đủ toàn diện và hiệu quả, thực tế vẫn có lợi cho Booking.

Xung đột vẫn chưa ngã ngũ khi Booking tuyên bố kháng cáo, chỉ trích quyết định của EC là chệch hướng luật pháp, tạo tiền lệ xấu và tước đi những lựa chọn chính đáng, có lợi cho người tiêu dùng.

Phần nổi của tảng băng

Quyết định của EC diễn ra chưa đầy một tháng sau khi Liên minh châu Âu công bố Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số (DSA) hồi cuối tháng 8, buộc các tập đoàn công nghệ lớn gấp rút định hình lại chính sách dịch vụ ở châu Âu để phù hợp với quy định mới. DSA, áp dụng đối với hàng loạt công cụ tìm kiếm, cửa hàng ứng dụng và mạng xã hội lớn ở châu Âu, là một văn bản pháp lý mang tính đột phá nhằm đưa ra các quy định mới bảo đảm những “gã khổng lồ” công nghệ phải áp dụng các biện pháp bắt buộc kiểm duyệt nội dung bất hợp pháp, cũng như ngăn chặn phát tán những nội dung không phù hợp trên mọi nền tảng trực tuyến của các công ty.

Khi DSA công bố các tiêu chí điều chỉnh bao gồm số lượng người dùng của các nền tảng nhiều người dự đoán EC sẽ tiếp cận nhiều nền tảng trực tuyến hơn và bổ sung vào danh sách trong những tháng tới, nhằm tìm cách bảo đảm không gian trực tuyến an toàn, công bằng và thuận lợi hơn cho người dùng. Booking vắng mặt trong danh sách gồm 17 nền tảng trực tuyến lớn và hai công cụ tìm kiếm có lượng truy cập đông đảo nhất, song quyết định chống độc quyền mới nhất của EC càng nhấn mạnh mục tiêu của khối nhằm đảm bảo một nền kinh tế kỹ thuật số công bằng sẽ vượt quá cả các phạm vi công nghệ truyền thống.

Thái Hân

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/dang-sau-thuong-vu-sap-nhap-booking-holdings-voi-etraveli-group-i710515/