Đằng sau những cái bắt tay lặng lẽ

(VietNamNet) - Rất có thể những cái bắt tay đó đang và sẽ gây ra những ảnh hưởng nhất định đối với khu vực ASEAN.

- Một động thái lặng lẽ nhưng hàm chứa nhiều ý nghĩa đối với khu vực ASEAN cũng như Đông Á đang diễn ra, dù không thu hút nhiều giấy mực của báo giới. Đó là mối quan hệ đang thắt chặt đến ấn tượng giữa Malaysia với Trung Quốc. Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo (trái) cùng Thủ tướng Malaysia Najib Abdul Razak (phải). Dường như đang có một sự chuyển động rõ nét trong tư duy của lãnh đạo hai nước và quan trọng hơn cả là đã có hành động đi kèm với những tư duy song trùng đó. Có thể kể ra minh chứng mới đây nhất, khi Malaysia công bố kế hoạch nới lỏng các điều luật đối với lao động Trung Quốc nhằm hút thêm vốn đầu tư từ nước này, một bước đi có thể làm người lao động Malaysia không được vừa lòng, nhất là trong thời khủng hoảng, thất nghiệp đang nhiều. Theo kế hoạch được đề nghị, các công nhân có cũng như không có tay nghề từ Trung Quốc sẽ được phép làm việc tại các công ty và nhà máy do các nhà đầu tư Trung Quốc thành lập ở Malaysia. Động thái trên của Malaysia được lý giải là nhằm tìm cách hút đầu tư của Bắc Kinh trong bối cảnh các nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài ngày một giảm, buộc họ phải có những ưu đãi dành riêng cho lao động đến từ Trung Quốc. Nhưng không phải chỉ có lần hợp tác này. Malaysia và Trung Quốc gần đây đã cho biết hai nước đang xem xét sử dụng đồng nhân dân tệ (NDT) Trung Quốc và đồng ringgit Malaysia thay cho đồng đô la Mỹ trong giao dịch ngoại thương – một động thái góp phần làm suy yếu vai trò thống trị của đô la Mỹ và nâng cao vị thế đồng tiền Trung Quốc. Trung Quốc đang quảng bá ý tưởng thay thế đồng đô la Mỹ trong hệ thống thanh toán và dự trữ toàn cầu bằng một rổ tiền tệ không đặt cơ sở trực tiếp lên một nền kinh tế riêng lẻ nào. Trung Quốc cũng khuyến khích sử dụng đồng NDT trong quan hệ ngoại thương, trước mắt là ở cấp độ khu vực, rồi lan rộng ra toàn cầu. Cũng cần nói thêm, Thủ tướng Malaysia Najib Abdul Razak mới đây đã thăm Trung Quốc 4 ngày nhân kỷ niệm 35 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Đáng chú ý là ngoài chủ đề kinh tế, hai thủ tướng đã thảo luận vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông – được coi như một rào cản trong quan hệ Malaysia - Trung Quốc, theo thông tin từ chính tờ nhật báo Trung Quốc China Daily. Trong khi đó, giới phân tích tại Malaysia thì cho rằng, Trung Quốc đang gây áp lực buộc Malaysia phải xem xét lại việc hợp tác với Việt Nam trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông. Việt Nam và Malaysia cùng đệ trình một hồ sơ chung về thềm lục địa lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc hồi đầu tháng 5/2009. Dù thế nào thì những động thái bắt tay đó vẫn hàm chứa nhiều ý nghĩa, trong đó có thể có những vấn đề không chỉ giới hạn trong biên giới mỗi nước. Rất có thể những cái bắt tay đó đang và sẽ gây ra những ảnh hưởng nhất định đối với khu vực ASEAN. Trung Quốc cùng Nhật và Hàn Quốc lâu nay vẫn làm việc chung với ASEAN với tư cách là quan sát viên và là đối tác trong không gian ASEAN + 3. Dường như Trung Quốc đang muốn làm việc với khối này bằng một con đường nữa, riêng rẽ hơn. Sẽ như thế nào nếu Trung Quốc sau khi thân thiết hơn với Malaysia sẽ quay qua làm việc với một nước khác ở ASEAN? Nhưng trước mắt, thế giới đã được chứng kiến cái bắt tay ngày càng chặt giữa Malaysia và Trung Quốc trên lĩnh vực kinh tế. Trung Quốc là bạn hàng lớn thứ tư của Malaysia và đang trở thành một bạn hàng ngày càng quan trọng. Kim ngạch hai chiều giữa hai nước đã tăng từ 34,6 tỷ USD năm 2007 lên 38,2 tỷ USD hồi năm ngoái. Nhật Vy

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/thegioi/2009/07/860463/