Đằng sau mối bất hòa giữa Wagner và Bộ Quốc phòng Nga

Theo RT, cuộc binh biến vũ trang hồi cuối tháng 6 của tập đoàn quân sự tư nhân Wagner đã được giới chức Nga dập tắt trong vòng chưa đầy 24 giờ, nhưng những lý do đằng sau vụ việc vẫn đè nặng lên quân đội Nga và cần được giải quyết.

Ông Yevgeny Prigozhin cầm cờ Nga, tuyên bố lực lượng Wagner giành kiểm soát được Bakhmut, ngày 21/5. Ảnh: Prigozhin Press Service

Chiến thuật của Wagner và chìa khóa thành công

Vào năm 2022, khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine bùng nổ, chính phủ Nga đã thuê Wagner - lực lượng có kinh nghiệm từng tham gia chiến đấu tại châu Phi và Trung Đông, để giúp giành kiểm soát Popasnaya và Bakhmut.

Đây là hai khu vực mà quân đội Ukraine phòng thủ kiên cố trên chiến trường Donbass. Quy mô của chiến dịch này lớn đến mức Wagner về cơ bản đã trở thành một quân đoàn khác tự trị về cơ sở hạ tầng, chỉ huy và chỉ đạo chiến thuật riêng.

Bên cạnh đó, Wagner còn được coi là lực lượng bộ binh hạng nhẹ. Quân đội Nga muốn sử dụng các đơn vị tấn công nhỏ của Wagner, với sự yểm trợ trực tiếp của pháo binh để giúp thoát khỏi cuộc chiến bế tắc.

Binh sĩ Wagner trên chiến trường Ukraine. Ảnh: Moscow Times

Một số đơn vị khác của quân đội Nga như cũng áp dụng những chiến thuật và cấu trúc hoạt động tương tự, như Quân đoàn số 1 Donetsk hay Storm Z. Tuy nhiên, Wagner vẫn là lực lượng nổi tiếng nhất, phần lớn nhờ vào các nguồn phương tiện truyền thông độc lập và những thành công trên chiến trường của nhóm.

Vào thời điểm giành kiểm soát thành công Bakhmut, Wagner đã hy vọng có thể trở thành một cơ cấu độc lập trong lực lượng vũ trang, tự chủ khỏi Bộ Quốc phòng Nga, dưới quyền Tổng thống Vladimir Putin.

Cạnh tranh tuyển dụng lực lượng

Tuy nhiên, sự cạnh tranh nội bộ đã trở thành một trong những lý do chính gây ra xung đột giữa Wagner và Bộ Quốc phòng Nga.

Ông Prigizhin đứng trên nóc một tòa nhà hành chính tại Bakhmut.

Đầu năm nay, Wagner bị hạn chế tuyển dụng các tình nguyện viên tham chiến từ các nhà tù, thay vào đó họ được giao cho các đơn vị chính quy như Storm Z. Do vậy, trong những tháng gần đây, Wagner chỉ có thể dựa vào các văn phòng tuyển dụng bình thường và buộc phải cạnh tranh để giành lấy từng binh sĩ. Trong bối cảnh cuộc giao tranh tại Bakhmut trở nên khốc liệt, mỗi tân binh được tuyển dụng đều trở nên vô giá.

Để thu hút được sự chú ý, ông Yevgeny Prigozhin, nhà sáng lập Wagner đã phát triển thương hiệu tập đoàn và tăng cường sự hiện diện trên các phương tiện truyền thông của mình. Wagner tự nhận mình là cộng đồng có chung lý tưởng, đẳng cấp quân sự và có các giá trị và quy tắc danh dự riêng.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoygu (giữa) tại một cuộc họp quân sự.

Thậm chí Wagner đã sử dụng các chiêu “PR đen tối” để giành giật tân binh từ đối thủ của mình là Bộ Quốc phòng Nga. Các phương tiện truyền thông của ông Prigozhin cho rằng những đơn vị chính quy của quân đội Nga là “quan liêu”, “kém cỏi” hay “chỉ có thể rút lui”.

Theo RT, đỉnh điểm của chiến dịch PR này trùng với thời điểm “nước rút” của trận chiến giành Bakhmut. Ông Prigozhin đã phóng đại một số vấn đề nhất định về quân đội Nga để thu hút những người sẵn sàng ra chiến trường.

Kỳ vọng và thực tế

Không có gì ngạc nhiên khi Bộ Quốc phòng Nga không ưa những động thái bôi nhọ của Wagner. Kết quả là sự mâu thuẫn giữa Wagner và các quan chức cấp cao và Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Nga đã trở thành “một mối thù dai dẳng”.

Sau khi giành được Bakhmut, các đơn vị Wagner chiến thắng đã bàn giao lại địa bàn phòng thủ cho quân đội Nga, để trở về các doanh trại bổ sung và luân chuyển lực lượng.

Wagner dự kiến sẽ phục hồi trở lại vào tháng 7 và chuẩn bị tiến công theo hướng Zaporizhzhia – nơi mà nhiều nhà phân tích coi là khu vực dễ bị tổn thương nhất trong các cuộc tấn công của Ukraine.

Ông Prigozhin trong video phát động cuộc binh biến.

Trùm Wagner Prigozhin thậm chí còn từng hình dung ra kịch bản hệ thống phòng thủ của quân đội Nga bị phá vỡ và lực lượng Ukraine tiến vào Melitopol và Berdyansk. Sau đó, các chiến binh Wagner sẽ tiến vào mặt trận này để cứu nguy cho nước Nga.

Khi đó, ông Prigozhin sẽ trở thành vị cứu tinh, cho phép ông thúc đẩy chương trình nghị sự của riêng mình, có thể bao gồm việc thay thế một số chỉ huy hàng đầu của quân đội Nga.

Tuy nhiên, quân đội Nga đã trở nên mạnh hơn khi thu hút được hàng trăm nghìn tân binh. Bộ Quốc phòng Nga bắt đầu cố gắng kiềm chế các công ty quân sự tư nhân, bao gồm cả Wagner. Lúc này, ông Prigozhin nhận ra vị trí của mình đang bị đe dọa và từ đó dẫn đến cuộc binh biến vũ trang hôm 23-24/6.

Trùm Wagner đã cáo buộc Bộ Quốc phòng Nga tiến hành một cuộc tấn công bằng tên lửa nhắm vào trại quân sự của Wagner và tuyên bố sẽ trả đũa. Bộ Quốc phòng Nga đã bác bỏ cáo buộc trên.

Xe tăng Wagner trên đường phố Rostov-on-Don, Nga, ngày 24/6. Ảnh: AP

Ngay sau đó, ông Prigozhin tuyên bố 25.000 binh sĩ Wagner đã hành quân và chiếm giữ cơ sở quân sự ở hai thành phố Rostov-on-Don và Voronezh ở miền nam nước Nga chỉ trong một đêm. Ông cũng thông báo sẽ thực hiện "cuộc hành quân đòi công lý" và tiến về thủ đô Moscow. Hành động này bị chính phủ Nga gọi là "âm mưu đảo chính" và bị Tổng thống Vladimir Putin gọi là “phản quốc”.

Tuy nhiên, đến đêm 24/6, trùm Wagner đã quyết định chấm dứt nổi loạn và rút lực lượng đang tiến đến Moscow trở về doanh trại để "tránh đổ máu", sau khi đạt được thỏa thuận chấm dứt căng thẳng với Điện Kremlin thông qua nỗ lực dàn xếp trung gian là Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko.

Theo đó, ông này sẽ được miễn truy tố hình sự và được đảm bảo rời Nga sang Belarus. Các binh sĩ Wagner tham gia vào cuộc nổi loạn cũng sẽ không bị truy tố vì những công lao trước đây của họ trên chiến trường. Họ sẽ được sang Belarus hoặc tiếp tục ký hợp đồng chiến đấu với Bộ Quốc phòng Nga.

Điều tiếp theo sẽ xảy ra với Wagner là gì?

Trùm Wagner Prigozhin được cho là có thể đã chuyển đến Belarus. Một số thành viên của tập đoàn quân sự tư nhân này cũng sẽ theo ông ấy. Tuy nhiên, không rõ con số chính xác là bao nhiêu.

Tính đến tháng 6, Wagner có khoảng 25.000 binh sĩ, không tính các đơn vị trực thuộc Lực lượng Vũ trang Nga, như Lữ đoàn pháo binh 305.

Theo RT, rất có thể một phần lớn của Wagner sẽ sáp nhập vào các đơn vị quân đội khác, hoặc vẫn giữ được sự tự chủ nhất định. Tuy nhiên, tập đoàn này sẽ phải cắt đứt quan hệ với nhà sáng lập Prigozhin. Cuộc binh biến được RT nhận định là có thể ảnh hưởng đến tiềm năng của quân đội Nga.

Mặc dù vậy, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Andrey Kartapolov hôm 3/7 khẳng định Moscow có đủ nguồn lực để thay thế số binh sĩ của tập đoàn quân sự tư nhân Wagner đã rút khỏi chiến dịch quân sự tại Ukraine sau cuộc binh biến.

“Không có bất kỳ mối đe dọa nào liên quan đến việc sụt giảm tiềm năng chiến đấu, cả trong tầm nhìn trung hạn và dài hạn”, ông Kartapolov nhấn mạnh.

Đỗ Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/dang-sau-moi-bat-hoa-giua-wagner-va-bo-quoc-phong-nga-post23790.html