Đằng sau lời đe dọa 'chĩa mọi khẩu đại bác' vào châu Âu

Quan chức Ba Lan đe dọa hành động chống lại Ủy ban châu Âu trong bối cảnh những cải cách tư pháp của chính phủ nước này đặt Warsaw vào cuộc tranh chấp kéo dài với Brussels.

Hôm 9/8, Tổng thư ký của đảng cầm quyền Pháp luật và Công lý (PiS) Krzysztof Sobolewski cảnh báo Ba Lan sẽ "chĩa mọi khẩu đại bác" vào Ủy ban châu Âu (EC) nếu bị "dồn vào chân tường".

Ông cho biết trong trường hợp EC không giải ngân gói cứu trợ đại dịch, Ba Lan sẽ có hành động pháp lý chống lại Brussels, phủ quyết các sáng kiến của EU và thành lập một liên minh để sa thải Chủ tịch ủy ban Ursula von der Leyen cùng các đồng nghiệp ủy viên.

Lời đe dọa gay gắt được đưa ra trong bối cảnh cuộc tranh chấp giữa Brussels và Warsaw về vấn đề pháp quyền vẫn chưa ngã ngũ.

Trong những năm gần đây, chính phủ Ba Lan đã liên tục đưa ra các cải cách tư pháp được cho là đi ngược lại với với tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu (EU), cũng như thách thức tính tối cao của luật pháp EU.

Động thái này đã đẩy EU vào một cuộc khủng hoảng và đặt ra câu hỏi về tương lai của quốc gia Đông Âu trong khối.

Cuộc tranh cãi không hồi kết

Bất đồng giữa Ủy ban châu Âu (EC) và Ba Lan bùng phát vào cuối năm 2017 khi Quốc hội Ba Lan thông qua dự luật cải cách tư pháp với nhiều điểm mới, bao gồm thành lập Phòng Kỷ Luật tại Tòa án Tối cao. Cơ chế này cho phép giám sát các thẩm phán cũng như tước quyền miễn trừ để truy tố hình sự.

Ngoài ra, Quốc hội do đảng cầm quyền Luật pháp và Công lý (PiS) chiếm đa số có thể chọn thành viên Hội đồng Tư pháp quốc gia (KRS) và bổ nhiệm thẩm phán.

Điều này giúp PiS tăng cường quyền kiểm soát chính trị với Tòa án Tối cao. Chính phủ Ba Lan tuyên bố những cải cách này là cần thiết để chống nạn tham nhũng và xem xét lại toàn bộ hệ thống tư pháp từng bị ảnh hưởng bởi thời kỳ cũ.

Tuy nhiên, EC sau đó đã phản ứng, cho rằng động thái này của cơ quan lập pháp Ba Lan không bảo đảm tính độc lập của hệ thống tư pháp và vi phạm các nguyên tắc của EU. Các cải cách có thể tạo điều kiện cho cơ quan hành pháp nước này gây ảnh hưởng và thậm chí can thiệp vào hoạt động của ngành tư pháp.

Thế nhưng, chưa giải quyết xong vấn đề này, Tòa án Hiến pháp Ba Lan đã tiếp tục đổ thêm dầu vào lửa năm 2021, khi ra phán quyết một số điểm trong điều khoản 1 và 19 của các hiệp ước EU không phù hợp với hiến pháp Ba Lan.

Điều này đánh dấu sự leo thang mạnh mẽ trong cuộc chiến về pháp quyền giữa Brussels và PiS kể từ khi lên nắm quyền vào cuối năm 2015.

EU, với tư cách là một thực thể pháp lý, dựa trên nguyên tắc tất cả thành viên đều thừa nhận tính tối cao của luật pháp EU và chỉ có Tòa án Công lý của Liên minh châu Âu (CJEU) mới có thể giải thích chúng.

Nếu một quốc gia thành viên bác bỏ tính ưu việt của luật EU, đặt hiến pháp quốc gia lên trên luật EU và quyền giải thích luật của CJEU, thì quốc gia đó đang từ chối nguyên tắc cơ bản mà EU được thành lập.

Và nếu điều đó xảy ra, nó đặt ra câu hỏi về khả năng tồn tại của chính EU.

Vì vậy, các quan chức EU cho rằng Warsaw đang thách thức nền tảng pháp lý và “đụng chạm” tới giá trị cốt lõi của liên minh này.

Theo bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, “tất cả phán quyết của CJEU đều có giá trị ràng buộc đối với tất cả cơ quan chức năng của các quốc gia thành viên, bao gồm cả tòa án quốc gia”. Bà nói thêm rằng “luật của EU có quyền ưu tiên so với luật quốc gia, bao gồm các quy định của hiến pháp”.

"Chúng tôi sẽ sử dụng tất cả quyền lực mà chúng tôi có theo các hiệp ước để đảm bảo điều này", bà nhấn mạnh.

Phản ứng của các bên

Các cuộc đối thoại giữa Brussels và Warsaw về vấn đề pháp lý không suôn sẻ.

Sau cải cách tư pháp của Ba Lan vào năm 2017, EU đã tuyên bố khối có thể sẽ áp dụng Điều 7 Hiệp ước Lisbon - quy định EU có thể tước quyền bỏ phiếu của Ba Lan tại EC, nếu quốc gia này không thực hiện đầy đủ những yêu cầu của EU.

Đáp lại, Bộ Ngoại giao Ba Lan chỉ trích quyết định của EU là mang động cơ chính trị, không hợp pháp về bản chất và có nguy cơ làm tổn hại lòng tin lẫn nhau. Và bỏ qua những tuyên bố đe dọa của EC, Ba Lan tiếp tục khẳng định không nhân nhượng về cải cách tư pháp.

Nhưng EU có đầy đủ các công cụ để duy trì pháp quyền, cả về mặt pháp lý và tài chính.

Vào tháng 10/2021, bà Ursula von der Leyen đã ra điều kiện nếu Ba Lan muốn được EU giải ngân hàng tỷ euro từ gói hỗ trợ khôi phục kinh tế hậu Covid-19.

Cụ thể, bà der Leyen cho biết Ba Lan có thể nhận được số tiền từ gói hỗ trợ phục hồi từ EU, nhưng Warsaw phải cam kết giải tán Phòng Kỷ luật thuộc Tòa án Tối cao, xem xét lại kế hoạch cải cách hệ thống tư pháp và bắt đầu quá trình khôi phục chức danh cho các thẩm phán.

Cả hai bên sau đó tưởng chừng như đã được thỏa thuận khi mới đây, vào tháng 7, Ba Lan đã đóng cửa Phòng Kỷ luật gây tranh. Nhưng trước thông tin phòng này sẽ được thay thế bằng một cơ quan mới và bị kiểm soát tương tự về mặt chính trị, bà Von der Leyen tuyên bố Ba Lan chưa hành động đủ để EC có thể giải ngân đợt quỹ đầu tiên.

Jarosław Kaczyński, người đã từ chức phó thủ tướng vào tháng 6 nhưng vẫn giữ chức chủ tịch PiS và là nhà lãnh đạo trên thực tế của Ba Lan, nói rằng chính phủ sẽ không thực hiện thêm bước nào để đáp ứng các yêu cầu của ủy ban, cáo buộc Brussels muốn "phá bỏ chế độ pháp quyền ở Ba Lan".

Trước kịch bản này, theo các nhà lãnh đạo phe đối lập Ba Lan, lập trường ngày càng hung hăng của PiS có thể sẽ dẫn đến việc nước này bị loại khỏi EU.

Minh An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dang-sau-loi-de-doa-chia-moi-khau-dai-bac-vao-chau-au-post1344236.html