Đằng sau khoản nợ gần 20.000 tỷ của Đèo Cả

Với đặc thù là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đầu tư - thi công - quản lý vận hành các dự án hạ tầng giao thông, lãnh đạo Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) khẳng định các khoản nợ dài hạn là vấn đề rất bình thường và lịch trả nợ đã được doanh nghiệp sắp xếp phù hợp.

Thông tin này được ông Nguyễn Hữu Hùng, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả cho biết tại buổi thông tin về tình hình hoạt động và các khoản vay dài hạn của HHV - đơn vị thành viên của Tập đoàn Đèo Cả, diễn ra ngày 7/5.

Khoản nợ 20.000 tỷ có đáng lo?

Theo báo cáo, HHV là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đầu tư - thi công - quản lý vận hành các dự án hạ tầng giao thông tại Việt Nam và đã tham gia đầu tư các dự án hạ tầng giao thông với tổng mức đầu tư hơn 50.000 tỷ đồng.

Các dự án lớn có thể kể đến như chuỗi hầm Đèo Cả - Cổ Mã - Cù Mông - Hải Vân 2, dự án hầm đường bộ Phước Tượng - Phú Gia, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo….

Ông Nguyễn Hữu Hùng, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả.

Năm 2023, doanh thu hợp nhất của HHV đạt 2.685 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 364 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế giai đoạn 2019 – 2023 lần lượt đạt 54% và 24%.

Kết quả sản xuất kinh doanh riêng của HHV tăng trưởng mạnh trong giai đoạn 2019 - 2023, doanh thu tăng gấp 4 lần, lợi nhuận sau thuế tăng 10 lần so với thời điểm 2019.

Các chỉ tiêu hệ số thanh toán ngắn hạn, hệ số thanh toán nhanh đều ở mức an toàn (lần lượt đạt 2,16 và 2,03). Vốn luân chuyển là 664 tỷ đồng. Tại thời điểm 31/3/2024, HHV ghi nhận khoản dư nợ vay dài hạn gần 20.000 tỷ đồng.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Hùng khẳng định đây phần lớn là các khoản đầu tư cho 3 dự án BOT, gồm: chuỗi hầm Đèo Cả - Cù Mông - Cổ Mã - Hải Vân; cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và hầm đường bộ Phước Tượng - Phú Gia; tỷ suất lợi nhuận các khoản đầu tư được nhà nước đảm bảo ở mức 11-11,5%/năm.

Theo ông Hùng, trước khi Ngân hàng quyết định cấp tín dụng đều được thẩm định về pháp lý, tính khả thi, khả năng trả nợ và hiệu quả dự án. Tài sản đảm bảo cho các khoản vay là quyền thu phí. Các dự án đều đã đưa vào khai thác, tạo ra nguồn thu ổn định và tăng trưởng đều hàng năm.

"Các khoản vay, lãi vay đều được trả đầy đủ, đúng hạn và không ảnh hưởng đến dòng tiền, hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như lợi ích của cổ đông. Các khoản nợ dài hạn là vấn đề rất bình thường ở các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng giao thông đặt biệt là các dự án đầu tư hình thức PPP hiện nay", ông Hùng nhấn mạnh.

Lãnh đạo Đèo Cả cũng khẳng định các thông tin về việc HHV đối diện nguy cơ vỡ nợ, phá sản, khả năng trả nợ yếu, mất khả năng thanh toán… là chưa khách quan. Phía doanh nghiệp sẽ kiên định tháo gỡ các vướng mắc tài chính khi có sự đồng hành của các cơ quan Nhà nước, chính quyền địa phương.

Nhiều vướng mắc đang được tháo gỡ

Mặc dù vậy, theo đại diện Đèo Cả, một số dự án do tập đoàn này tham gia đầu tư đã được hoàn thành và đang vận hành khai thác vẫn còn tồn tại liên quan đến việc thay đổi trong cơ chế, chính sách của Nhà nước.

Ảnh minh họa.

Chẳng hạn tại dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả là dự án trọng điểm quốc gia, được đầu tư theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư 21.612 tỷ đồng, trong đó, vốn nhà đầu tư huy động là 16.564 tỷ đồng, vốn Nhà nước tham gia hỗ trợ là 5.048 tỷ đồng.

Kể từ đầu năm 2021, toàn bộ các hạng mục thuộc dự án bao gồm hầm Đèo Cả, hầm Cù Mông, và mở rộng hầm Hải Vân đã được đưa vào hoạt động theo đúng cam kết tại hợp đồng BOT.

Đối với phần vốn ngân sách Nhà nước cam kết đóng góp, có 1.180 tỷ đồng nằm trong tổng số vốn 5.048 tỷ đồng đã được Quốc hội thông qua, được Thủ tướng chấp thuận chủ trương, được Bộ GTVT phê duyệt phương án tài chính tổng thể của dự án và cam kết trong hợp đồng dự án với nhà đầu tư nhưng nhiều năm chưa được giải ngân.

Ngày 29/12/2023, Chính phủ đã thống nhất bố trí bổ sung phần vốn ngân sách nhà nước còn thiếu cho dự án hầm đường bộ qua đèo Cả. Đến nay, Bộ GTVT và doanh nghiệp dự án, nhà đầu tư đang hoàn thiện và ký kết phụ lục hợp đồng BOT làm cơ sở để giải ngân nguồn vốn.

Tại trạm La Sơn – Túy Loan nằm trong số các trạm thu phí được bố trí để thu phí hoàn vốn dự án theo hợp đồng dự án được ký kết. Tuy nhiên, việc hoàn vốn cho dự án từ nguồn thu tại trạm này không được triển khai do điều chỉnh về cơ chế.

Tại tờ trình ngày 8/3/2024, Bộ GTVT đã đề xuất phương án bổ sung khoảng 2.280 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước để hỗ trợ nhằm đảm bảo phương án tài chính của dự án thay thế quyền thu phí trạm La Sơn – Túy Loan để hoàn vốn.

Hay như dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn bị đình trệ nhiều năm cho đến khi được nhà đầu tư Đèo Cả “giải cứu”. Đến nay, dự án vẫn chưa có phần vốn ngân sách Nhà nước tham gia.

Dự án này bị cắt giảm 1 trạm thu phí so với hợp đồng dự án ban đầu. Theo phương án thiết kế ký tại hợp đồng BOT, việc bỏ trạm thu phí dẫn đến giảm nguồn thu khoảng 5.457 tỷ đồng trong cả vòng đời dự án.

Ngày 6/3/2024, UBND tỉnh Lạng Sơn đã báo cáo Chính phủ đề nghị hỗ trợ 5.600 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách trung ương để đảm bảo phương án tài chính, tháo gỡ các vướng mắc tồn đọng tại dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn.

Chí Bình

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/dang-sau-khoan-no-gan-20000-ty-cua-deo-ca-d110402.html