Đằng sau đợt phóng tên lửa mới của Triều Tiên

Bối cảnh, tần suất thực hiện, loại tên lửa được sử dụng và thông điệp đằng sau đó là điểm đáng chú ý trong những vụ phóng tên lửa gần đây của Triều Tiên.

Giới quan sát cho rằng Triều Tiên đã phóng tên lửa Hwasong-12 bay qua không phận Nhật Bản ngày 4/10. (Nguồn: KCNA)

Giới quan sát cho rằng Triều Tiên đã phóng tên lửa Hwasong-12 bay qua không phận Nhật Bản ngày 4/10. (Nguồn: KCNA)

Ngày 4/10, quân đội Hàn Quốc cho biết, Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo tầm trung về vùng biển ở phía Đông nước này. Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) đã phát hiện tên lửa được phóng đi từ vùng Mupyong-ri thuộc tỉnh Jagang, miền Bắc Triều Tiên lúc 7h23 ngày 4/10 giờ địa phương (tức 5h23 cùng ngày giờ Hà Nội) và bay qua biển Nhật Bản.

Ngay sau đó, JCS nêu rõ: “Hàn Quốc sẽ duy trì tư thế sẵn sàng cao nhất và hợp tác chặt chẽ với Mỹ trong khi vẫn tăng cường giám sát và cảnh giác”. Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol gọi đây là “hành động khiêu khích liều lĩnh”.

Cùng lúc đó, Nhật Bản cũng cho biết, tên lửa Triều Tiên đã bay qua không phận của mình trước khi rơi ngoài Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) ở Thái Bình Dương. Vụ phóng đã kích hoạt hệ thống cảnh báo sớm của Nhật Bản, song Lực lượng Phòng vệ bờ biển Nhật Bản đã không sử dụng biện pháp phòng vệ nào để phá hủy tên lửa này. Tokyo đã cảnh báo người dân ở phía Bắc và Đông Bắc tìm nơi trú ẩn an toàn.

Mỹ lên tiếng chỉ trích hành động của Triều Tiên. Ngày 5/10, liên quân Mỹ-Hàn cũng phóng tên lửa để thể hiện năng lực phòng thủ của mình.

Bối cảnh khu vực

Hành động của Bình Nhưỡng diễn ra trong lúc khu vực có một số diễn biến mới.

Hồi tháng Tám, Triều Tiên khẳng định đã “chiến thắng” dịch Covid-19 sau ba tháng phát hiện ca nhiễm. Nước này cũng được cho là đang triển khai chiến dịch tiêm chủng toàn quốc.

Trong khi đó, quan hệ liên Triều không có nhiều tiến triển. Nỗ lực đối thoại cuối nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In không thành công, trong khi cách tiếp cận của ông Yoon Suk Yeol cần thời gian kiểm chứng. Phía Hàn Quốc thường bị Triều Tiên chỉ trích về hành động thả khinh khí cầu qua biên giới hoặc chai lọ thả trên sông để rải truyền đơn chống Triều Tiên hoặc cũng thể hiện bằng cách dành nhiều năm phát triển một số hệ thống phòng thủ tên lửa...

Mới đây, em gái Chủ tịch Triều Tiên Kim Yo Jong đã đáp trả gay gắt đề nghị viện trợ kinh tế đổi lấy giải trừ hạt nhân của Hàn Quốc. Ngày 23/9, Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết, Bình Nhưỡng đang dỡ bỏ một phần các cơ sở do Seoul xây dựng tại khu nghỉ dưỡng núi Kumgang, địa điểm từng là biểu tượng cho mối quan hệ liên Triều.

Đặc biệt, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris vừa kết thúc chuyến thăm Hàn Quốc, đồng thời trở thành quan chức cấp cao nhất dưới thời ông Joe Biden tới thăm Khu phi quân sự (DMZ) ở biên giới liên Triều. Hai năm qua, Tổng thống, Ngoại trưởng, Chủ tịch Hạ viện Mỹ cũng đã thăm chính thức Seoul.

Mỹ và Hàn Quốc đang triển khai tập trận hải quân tác chiến chống hạm và chống ngầm với sự tham dự của hơn 20 tàu chiến, trong đó có tàu sân bay hạt nhân Mỹ USS Ronald Reagan. Vụ phóng tên lửa trước đó ngày 3/10 cũng trùng với thời điểm tổ chức Ngày của lực lượng vũ trang Hàn Quốc, dịp trưng bày các vũ khí, trang thiết bị quân sự mới nhất của quân đội Hàn Quốc.

Các vụ phóng tên lửa gần đây của Triều Tiên diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang tích cực chuẩn bị cho kỳ Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20, sự kiện được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm.

Những con số

Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, Triều Tiên đã 23 lần phóng tên lửa năm 2022, cao hơn so với lúc căng thẳng liên Triều tăng cao năm 2017 (17 lần) hay năm 2021 (tám lần). Đặc biệt, năm vụ phóng gần đây nhất diễn ra trong chưa đầy 10 ngày qua.

Ngày 4/10, lần đầu tiên kể từ năm 2017 và là lần thứ bảy kể từ khi Bình Nhưỡng thử tên lửa năm 1984, Triều Tiên phóng tên lửa bay qua không phận của Nhật Bản.

Theo JCS, loại tên lửa được Triều Tiên phóng ngày 4/10 là tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) Hwasong-12, bay được 4.600km trước khi rơi xuống biển, xa nhất trong các lần phóng. Lần tên lửa này rời bệ phóng gần đây nhất là tám tháng trước. Bốn vụ phóng tuần qua đều là tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM).

Lần gần đây nhất Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) được nước này xác nhận là tháng Ba. Tuy nhiên, giới quan sát phương Tây cho rằng hồi tháng Năm, Triều Tiên đã thử tên lửa Hwasong-17, ICBM lớn nhất của Bình Nhưỡng, sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden khép lại chuyến thăm Hàn Quốc.

Thái độ lạ

Về thái độ của Triều Tiên, giới quan sát phương Tây cho rằng, từ tháng Tư, Bình Nhưỡng dường như đã “im hơi lặng tiếng” về các hoạt động phóng tên lửa của mình. Không giống trước đó, truyền thông nhà nước Triều Tiên vẫn cung cấp thông tin về một số vụ thử tên lửa quan trọng, với sự hiện diện, theo dõi sát sao của Chủ tịch Kim Jong-un và quan chức thân cận.

Việc Trung Quốc và Nga chưa có phản ứng cụ thể sau các hành động mới đây của Triều Tiên là đáng chú ý, song có thể hiểu được trong bối cảnh cả hai đang có nhiều ưu tiên then chốt: Moscow tập trung giải quyết xung đột Nga - Ukraine, Bắc Kinh tiếp tục triển khai phòng chống dịch Covid-19 và tích cực chuẩn bị cho Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 sắp tới.

Dù vậy, ngày 5/10, cả hai cũng đã ít nhiều bày tỏ thái độ. Đại diện Nga và Trung Quốc tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã phản đối đề xuất của Mỹ về họp công khai thảo luận về Triều Tiên, nơi Washington cùng đồng minh có thể chỉ trích Bình Nhưỡng. Quan chức Moscow và Bắc Kinh cho rằng các bên nên tập trung thảo luận về hạ nhiệt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Trong bối cảnh đó, tình hình bán đảo Triều Tiên nhiều khả năng tiếp tục diễn biến phức tạp, đòi hỏi các bên cần sớm tìm giải pháp hạ nhiệt căng thẳng tại đây.

Minh Vương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dang-sau-dot-phong-ten-lua-moi-cua-trieu-tien-200912.html