Đằng sau đề nghị tái gia nhập UNESCO của Mỹ

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết nước này sẽ tái gia nhập Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) sau nhiều năm vắng bóng, nhấn mạnh đây có thể là một bàn đạp quan trọng trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc trên trường quốc tế.

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 11/6 (giờ địa phương) thông báo đã gửi một lá thư về việc đề nghị tái gia nhập UNESCO, cơ quan của Liên Hợp Quốc có trụ sở tại Paris (Pháp) vào cuối tuần trước. Cũng theo thông tin từ Bộ này, bức thư được gửi ngày 8/6 của Thứ trưởng Ngoại giao Richard Verma đã đề xuất “một kế hoạch đưa Mỹ tái gia nhập tổ chức này”.

“Bất kỳ hành động nào như vậy sẽ cần có sự đồng ý của các thành viên hiện tại của UNESCO và chúng tôi hiểu rằng ban lãnh đạo UNESCO sẽ chuyển đề xuất của chúng tôi tới các thành viên trong những ngày tới”, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong tuyên bố. Theo hãng tin AP, nội dung chi tiết của đề xuất này hiện chưa được công khai.

Mỹ đề nghị tái gia nhập UNESCO sau nhiều năm vắng bóng. Ảnh minh họa Getty Images.

Mỹ đề nghị tái gia nhập UNESCO sau nhiều năm vắng bóng. Ảnh minh họa Getty Images.

Các nguồn tin từ UNESCO cho biết, cơ quan này dự kiến sẽ tổ chức một cuộc họp bất thường của các Đại sứ tại trụ sở chính ở Paris trong ngày 12/6 (giờ địa phương) để chính thức thông báo về quyết định của Mỹ. Thêm vào đó, một số hãng tin của Mỹ cho biết bản đề xuất đã được Bộ Ngoại giao Mỹ và UNESCO thảo luận, trong đó nêu chi tiết thời gian thanh toán khoản nợ của Mỹ.

4 thập kỷ sóng gió trong quan hệ Mỹ - UNESCO Trong suốt 40 năm qua, mối quan hệ Mỹ và UNESCO đã trải qua không ít thăng trầm, đặc biệt sau khi nổ ra tranh cãi xoay quanh các vấn đề ý thức hệ trong Chiến tranh Lạnh và cuộc xung đột Israel-Palestine gần đây, theo Reuters. Cựu Tổng thống Ronald Reagan từng rút Mỹ ra khỏi UNESCO vào năm 1983, tuy nhiên sau đó, cựu Tổng thống George W.

Bush đã tái gia nhập vào năm 2002. Đến năm 2011, những khác biệt lại diễn ra khi đa số các thành viên UNESCO chấp nhận Palestine vào hàng ngũ, một điều mà phía Mỹ phản đối.

Chính quyền của Tổng thống Barack Obama vào thời điểm đó không có lựa chọn nào khác ngoài việc tuân theo luật năm 1990 cấm tài trợ cho bất kỳ tổ chức quốc tế nào thừa nhận Palestine. Việc cắt giảm đột ngột đã khiến tổ chức của Liên Hợp Quốc rơi vào tình thế khó khăn. Mỹ đóng góp đến 22% ngân sách, tương đương khoảng 80 triệu USD tài trợ hàng năm của tổ chức này. Tuy nhiên, dù dừng tài trợ, Mỹ vẫn là thành viên của UNESCO.

Đến năm 2017, Tổng thống lúc bấy giờ là ông Donald Trump tuyên bố muốn đưa Mỹ rút khỏi UNESCO, với cáo buộc tổ chức này có lập trường chống đồng minh quan trọng là Israel.

Ngay sau tuyên bố của Mỹ, Israel cũng thông báo ý định rút khỏi UNESCO và động thái của hai nước có hiệu lực từ đầu năm 2019.

Bên cạnh đó, Mỹ nợ UNESCO một số tiền đáng kể liên quan đến các khoản phí thành viên. Tính đến tháng 2/2020, Mỹ nợ UNESCO khoảng 616 triệu USD phí thành viên. Cách đây vài tháng, các nhà lập pháp Mỹ đã thông qua một dự luật phân bổ hơn 500 triệu USD nhằm tiến tới trả các khoản nợ cho UNESCO – động thái giúp mở đường cho việc Washington quay lại tổ chức này. Đầu năm 2023, chính quyền Mỹ đã bỏ ra 150 triệu USD trong kế hoạch ngân sách hiện tại của mình để trả lại cho UNESCO.

Đằng sau ý muốn quay lại UNESCO Từ đầu nhiệm kỳ, chính quyền của Tổng thống Biden đã bày tỏ ý muốn tái gia nhập UNESCO. Mới tháng 3 vừa qua, khi ngân sách cho năm tài chính tiếp theo được đệ trình, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ John Bass nhận định, chính quyền Tổng thống Biden tin rằng việc tái gia nhập UNESCO sẽ giúp Washington có thể gia tăng vị thế cạnh tranh toàn cầu với Trung Quốc, quốc gia đã hỗ trợ một khoản tiền lớn cho các tổ chức của Liên Hợp Quốc. Năm 2018, bà Audrey Azoulay cũng đã chọn Trung Quốc để thực hiện chuyến thăm chính thức đầu tiên với tư cách là Tổng giám đốc UNESCO.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ khẳng định việc tái gia nhập UNESCO sẽ giúp Mỹ giải quyết được những vấn đề phát sinh bởi “sự vắng mặt của chúng tôi” trong cuộc cạnh tranh với Bắc Kinh. Theo ông Bass, có nhiều ví dụ về việc “sự vắng mặt của Mỹ tại UNESCO đã nhận được sự chú ý” và điều này làm giảm “khả năng của Mỹ trong thúc đẩy tầm nhìn về một thế giới tự do một cách hiệu quả”. “Theo quan điểm của tôi, nếu chúng ta thực sự nghiêm túc về cuộc cạnh tranh trong thời đại kỹ thuật số với Trung Quốc, với tầm nhìn lợi ích rõ ràng, chúng ta không thể vắng mặt lâu hơn nữa tại một trong những diễn đàn quan trọng – nơi thiết lập các tiêu chuẩn về giáo dục, khoa học và công nghệ”, AP dẫn lời ông Bass cho biết. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hồi tháng 4 năm ngoái cũng nhận định nước này đã bị tổn hại khi vắng mặt tại UNESCO, chỉ ra vai trò của Mỹ bị suy giảm trong giáo dục và lĩnh vực trí tuệ nhân tạo mới nổi.

Chính phủ của Tổng thống Biden ưu tiên hợp tác quốc tế, do vậy đưa Mỹ quay trở lại một số tổ chức mà Washington đã rút khỏi dưới thời chính quyền Donald Trump như Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Việc quay trở lại UNESCO lần này là một trong những mục tiêu trong chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Biden, một phần nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc tại đây. Các chuyên gia nhận định, việc Mỹ muốn tái gia nhập UNESCO và bắt đầu trả các khoản phí vào thời điểm này là để có thể tranh cử một ghế trong ban điều hành UNESCO trong cuộc bầu cử vào tháng 11 sắp tới.

Tiến Dũng (Tổng hợp)

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/dang-sau-de-nghi-tai-gia-nhap-unesco-cua-my-i696750/