Đằng sau cảnh Hồng Đào và bát canh chua Việt 'biết nói' trong 'Beef'

Thước phim bữa cơm gia đình với bát canh chua xuất hiện trong tập 8 'Beef'. Không đơn thuần là món ăn, yếu tố ẩm thực còn chứa đựng nhiều toan tính của ngành công nghiệp làm phim.

Sau chiến thắng tại lễ Oscar lần thứ 95 với Everything Everywhere All at Once, hãng A24 tiếp tục trình làng series hài đen mang tên Beef (tựa Việt: Bất hòa). Bao gồm 10 tập với thời lượng vỏn vẹn khoảng 30 phút mỗi tập, phim khá dễ xem với nội dung thân thuộc, xoay quanh cuộc sống của những con người gốc Á.

Dù mới ra mắt, series mới nhà A24 đã nhận được sự quan tâm và yêu thích của đông đảo khán giả. Beef nhận được số điểm 8,3 trên IMDb và 98% "tươi" trên chuyên trang đánh giá Rotten Tomatoes.

Câu chuyện chua chát về người gốc Á trên đất Mỹ

Theo tiết lộ, Beef được biên kịch Lee Sung Jin phát triển từ chính trải nghiệm thực tế của mình. Câu chuyện trong phim xây dựng dựa trên mâu thuẫn giữa 2 nhân vật chính Amy (Ali Wong) và Danny (Steven Yeun). Một người là nữ doanh nhân thành đạt, mắc kẹt giữa sự nghiệp hào nhoáng và gia đình. Người còn lại là nhà thầu xây dựng, đầy phiền muộn vì cuộc sống bấp bênh, bế tắc.

Hai con người độc lập, tưởng chừng không có lý do để tương tác bỗng chốc hóa “kẻ thù” của nhau sau một sự cố đụng xe. Giữa hiện thực xô bồ và đầy áp lực, hành động giơ ngón tay thối của Amy là ngòi nổ cho sự phẫn nộ không kiểm soát của Danny. Anh vội vã đuổi theo chiếc xe của cô chỉ nhằm “dằn mặt” đối thủ.

Từ sự cố nhỏ, cơn giận dữ kéo bộ đôi vào công cuộc trả đũa qua lại bất phân thắng bại. Họ sẵn sàng lôi kéo cả gia đình của mình để thỏa mãn mục đích, hay thậm chí tiểu tiện, vẽ bậy lên xe đối phương. Những pha ăn miếng trả miếng nhìn có vẻ hài hước nhưng lại vạch trần cuộc sống khủng hoảng của dân gốc Á trên đất Mỹ. Theo quan điểm của nam chính Steven Yeun, Beef hay vì nó nhìn vào cuộc sống bằng lăng kính sự thật: “Sự đổ vỡ và khủng hoảng, đó đôi khi là những điều khiến chúng tôi trông xấu xí nhất".

Kẻ tổn thương lại muốn tổn thương người khác. Mâu thuẫn sâu đậm thực chất lại nảy sinh từ những điều hết sức nhỏ nhặt. Song, đó lại là giọt nước tràn ly với những tâm hồn bị mắc kẹt trong thế ngột ngạt không lối thoát.

Amy và Danny vốn là hai cá thể xa lạ thuộc những tầng lớp khác nhau, nhưng giữa họ lại có quá nhiều điểm chung. Một trong số đó là sự bất lực trong việc kiểm soát cuộc sống.

Không chỉ xoay quanh nhân vật gốc Á, phim còn tận dụng nhiều yếu tố văn hóa châu Á.

Vì sao bát canh chua xuất hiện?

Trong tập 8 của loạt phim, The Drama of Original Choice, Amy trở về thăm nhà sau một thời gian xa cách. Người đứng sau cánh cửa là mẹ cô, Hanh Trinh (diễn viên Hồng Đào thủ vai). Sau lời chào với nụ cười gượng gạo, cô bước vào nhà, mang theo cả những ám ảnh sau lưng. Cũng từ đây, những bí mật quá khứ của nhân vật dần được hé lộ. Hóa ra, cô cũng từng là nạn nhân của một quá khứ đổ vỡ.

Lâu ngày không gặp, Amy cùng ba mẹ ngồi lại bên bữa cơm gia đình. Đây vốn được cho là công cụ gắn kết các thành viên mỗi khi về nhà sau khi trải qua nhiều muộn phiền ngoài xã hội.

Bàn ăn trước mặt Amy cùng ba mẹ không có gì nhiều ngoài những bát canh chua chan cơm. Chi tiết này chỉ xuất hiện trong Beef thoáng qua, nhưng vừa đủ để khiến khán giả châu Á, đặc biệt là Việt Nam thích thú. Bởi lẽ, đây là món ăn đã quá thân quen trên mâm cơm của người Việt.

Dù nấu theo kiểu nào, bát canh chua đều có vị thanh, là sự kết hợp hài hòa của chua, ngọt và mặn. Người mẹ sử dụng món canh quê hương giản dị để thết đãi con gái lâu ngày xa nhà. Nó được cho là cầu nối cho buổi tâm sự khó nói giữa các thành viên gia đình Amy.

Song, cùng ngồi chung trên bàn ăn, Amy và ba mẹ luôn xuất hiện trong khung hình ở vị thế đối diện. Góc quay này từng được nhiều đạo diễn sử dụng với mục đích tô điểm cho sự đối nghịch giữa các chủ thể.

Chính vì thế, giữa Amy và ba mẹ luôn bị một bức tường vô hình ngăn cách. Đó là khoảng trống của những bí mật chưa kể, của những mâu thuẫn và hiểu lầm không tìm ra lối thoát. Và bát canh chua, xuất hiện ở giữa như những chất chứa tâm sự đủ mùi vị. Mang sự gần gũi, thân thuộc, nó dường như là khao khát “trói buộc” hai thế hệ ngồi cùng bàn ăn nhưng tâm hồn xa cách nhau.

Bữa cơm với bát canh chua tạo được sự chú ý của đông đảo khán giả.

Câu chuyện giữa Amy và ba mẹ đi vào bế tắc chỉ sau đôi ba câu trò chuyện. Cô bộc bạch: “Càng nhìn vào gương, con càng thấy mẹ và bố. Và con chán ghét điều ấy” hay cay đắng “kết tội” rằng bên trong mẹ là nhiều thế hệ của những quyết định sai lầm,...

Tưởng chừng là người phụ nữ thành công, nhưng chỉ tới khi này, cuộc sống của nhân vật mới thực sự được hé lộ. Amy cũng như nhiều người gốc Á trên đất Mỹ khác, phải đối mặt với cuộc sống ngột ngạt, với nhiều muộn phiền không thể nói nên lời. Những biến chứng tâm lý của cô xuất phát từ sự kìm nén, dẫn đến những tổn thương khó chữa lành ngay từ khi còn nhỏ.

Bát canh chua giúp xua đi những mệt mỏi sau ngày làm việc căng thẳng.

Nó cũng giống như cách người mẹ khuyên Amy, “Nếu cứ nhìn lại quá khứ, con sẽ sụp đổ. Dù chuyện gì xảy ra, hãy bỏ nó lại phía sau”.

Tính toán của Hollywood

Bát canh chua xuất hiện trong Beef là một chi tiết thú vị. Dù vô tình hay hữu ý, nó đã tạo được hiệu quả truyền thông đầy ấn tượng.

Hẳn là ê-kíp không có chủ đích quảng bá ẩm thực Việt Nam trong loạt phim. Thế nhưng, việc lồng ghép hình ảnh này cùng nhiều chi tiết về nền văn hóa châu Á là cả sự dày công toan tính của các nhà làm phim.

Việc các dự án Hollywood sử dụng chất liệu văn hóa châu Á không còn xa lạ. Bởi lẽ, đó là một cách hiệu quả để mở rộng thị trường, đặc biệt ở những quốc gia có lượng khán giả lớn. Càng thu hút được nhiều sự quan tâm, tiềm năng thương mại của phim càng tăng cao.

Hãng A24 tiếp tục cho ra mắt một dự án thành công sau Everything Everywhere All at Once.

Đó cũng là cách mà các bộ phim thể hiện sự tôn trọng đa dạng bản sắc văn hóa, dễ dàng “lấy lòng” những khán giả thuộc khu vực này. Văn hóa châu Á là nguồn tài nguyên phong phú phục vụ cho ngành công nghiệp điện ảnh. Biết cách khai phá và tận dụng, ê-kíp làm phim hoàn toàn có thể tạo ra những trải nghiệm điện ảnh mới lạ, hấp dẫn với người xem.

Và tất cả đều được vận dụng một cách đầy tinh tế trong Beef. Chia sẻ trên trang cá nhân, nữ diễn viên Hồng Đào tiết lộ rằng trong buổi ghi hình, cô cảm giác lạ lẫm vì đây là lần đầu tiên gặp đoàn làm phim, dù họ rất thân thiện. Tuy nhiên, thứ duy nhất khiến cô cảm thấy quen thuộc chính là bát canh chua mà nhân viên đạo cụ chuẩn bị cho set quay. “Họ còn hỏi lại tôi xem đã mua đúng món canh chua chưa?”, nữ diễn viên tiết lộ.

Tống Khang

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dang-sau-canh-hong-dao-va-bat-canh-chua-viet-biet-noi-trong-beef-post1423490.html